Lạm phát quá nóng, ECB vội vã tăng lãi suất 50 điểm cơ bản
Đức Nguyễn
FX Strategist
Ngân hàng trung ương châu Âu đã tăng các lãi suất của mình 50 điểm cơ bản, lần tăng lãi suất đầu tiên trong 11 năm và tăng mạnh nhất kể từ năm 2000 trước tình hình lạm phát nóng, ngay cả khi kinh tế châu Âu đứng trước bờ vực suy thoái.
Với khủng hoảng chính trị tại Ý, chủ tịch ECB Christine Lagarde và các cộng sự cũng đã công bố một công cụ với hy vọng thị trường sẽ không đẩy lợi suất trái phiếu tại các nền kinh tế dễ bị tổn thương lên quá cao, như trong năm 2012, khi mà ngay cả sự tồn tại của đồng Euro cũng bị đặt nhiều dấu hỏi.
Đợt tăng lãi suất này đã chấm dứt 8 năm thử nghiệm chính sách lãi suất âm của ECB. Ngân hàng trung ương này cũng nói trong tuyên bố rằng sẽ tiếp tục bình thường hóa lãi suất trong các cuộc họp tới.
ECB cũng sẽ đưa vào triển khai công cụ bảo vệ dịch chuyển chính sách (TPI) để chống lại động lực thị trường không mong muốn.
EUR tăng gần 1% sau quyết định của ECB lên 1.0260, nhưng sau đó nhanh chóng thoái lui trong lúc bà Lagarde phát biểu. Thị trường hiện kỳ vọng họ sẽ thắt chặt tổng cộng 137bp trong năm nay, so với 120bp trước đó. Kỳ vọng ban đầu của thị trường là tăng 25bp. Như vậy, ECB đã cùng 80 ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu, gồm cả Fed, tăng lãi suất để chống lại lạm phát, sau nhiều tháng đánh giá thấp áp lực giá cả. CPI Eurozone hiện cao gấp 4 lần mục tiêu lạm phát 2% của ECB.
Tuy vậy, ECB đối mặt với thử thách lớn hơn cả. Ngoài việc thiết lập chính sách cho 19 nền kinh tế lớn nhỏ, rủi ro suy thoái cũng đang rất cao do chiến tranh tại Ukraine đẩy giá thực phẩm và năng lượng tăng vọt, trong khi USD mạnh lên có nguy cơ đưa EUR về ngang giá. Trong lần cuối cùng tăng lãi suất vào năm 2008 và 2011, ECB đã nhanh chóng hạ lãi suất lại khi tăng trưởng trì trệ.
Đức, nền kinh tế đầu tàu của EU, đang đặc biệt dễ bị tổn thương do sự phụ thuộc vào khí đốt từ Nga. Dòng khí đốt qua đường ống Nord Stream đã trở lại sau thời gian bảo trì, nhưng với công suất thấp hơn nhiều.
Nhưng ngoài vấn đề đó, rủi ro chính trị lại ập đến với châu Âu khi thủ tướng Ý, và là tiền nhiệm của bà Lagarde, ông Mario Draghi từ chức.
Khởi đầu chu kỳ tăng lãi suất bằng việc tăng 50bp cho thấy hội đồng thống đốc đi theo cam kết sẽ thiết lập chính sách dựa trên số liệu kinh tế.
Kể từ cuộc họp tháng 6, lạm phát tại EU đang tăng tốc lên gần 10% và các nhà hoạch định chính sách đang đứng trước sức ép đưa lạm phát trở về mục tiêu trong trung hạn.
Các ngân hàng sẽ chào đón quyết định của ECB, nhờ lợi nhuận có thể thu được khi từ bỏ lãi suất âm. Hiện tại, trong các ngân hàng trung ương G7, chỉ còn Thụy Sĩ và Nhật Bản vẫn đang sử dụng lãi suất âm.
Bloomberg