Lạm phát tại Anh chạm đỉnh 30 năm
Đức Nguyễn
FX Strategist
Lạm phát tại Anh chạm đỉnh 30 năm trong tháng Mười Hai trước tình hình chi phí năng lượng cao, nhu cầu tăng trở lại và khủng hoảng chuỗi cung ứng tiếp tục thổi phồng giá cả tiêu dùng.
Tăng trưởng CPI đạt 5.4% YoY, cao nhất từ tháng 3/1992 và tăng từ mức 5.1% trong tháng Mười Một (cũng là mức cao nhất thập kỷ). Các chuyên gia kinh tế khảo sát bởi Reuters kỳ vọng mức tăng 5.2%.
So với tháng trước, CPI tăng 0.5%, vượt dự báo ban đầu 0.3%.
Chi phí sinh hoạt cao tiếp tục nâng kỳ vọng BoE tăng lãi suất. Trong tháng Mười Hai, BoE trở thành ngân hàng trung ương lớn đầu tiên tăng lãi suất hậu đại dịch.
Thị trường sẽ để mắt tới cuộc họp tiếp theo của Ủy ban Chính sách Tiền tệ vào ngày 3/2; các nhà hoạch định chính sách đang cân nhắc tăng lãi suất thêm một lần nữa sau khi tăng 15bp lên 0.25% trong tháng Mười Hai.
BoE cũng đang đối diện với tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng, với số cơ hội việc làm ở mức cao kỷ lục nhưng tỷ lệ thất nghiệp lại dưới mức trước đại dịch.
Paul Craig, nhà quản lý danh mục tại Quilter Investors, nói rằng báo cáo lạm phát cho thấy BoE đã đúng khi tăng lãi suất trong tháng Mười Hai, nhưng vẫn chưa thể dám chắc điều gì trong cuộc họp tháng Hai.
“Ủy ban Chính sách Tiền tệ sẽ phải đánh đổi giữ đảm bảo ổn định tài chính hoặc giúp hộ gia đình đối phó với lạm phát. Nó không chỉ đơn giản là chi phí sinh hoạt tăng. Cả chi phí đi lại nữa, và lương tăng vẫn là chưa đủ để bù đắp.”
Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh cũng ghi nhận tăng trưởng lương hàng năm đạt 3.8% trong tháng Mười Hai, cho thấy người lao động đang nhận thù lao thực thấp hơn, và Craig đang rất lo ngại về vấn đề khốn khó ngay cả khi có công ăn việc làm ổn định.
Chỉ số CPI bao gồm cả chi phí nhà ở (CPIH) tăng 4.8% YoY, từ mức 4.6% của tháng trước và là mức cao nhất từ tháng 9/2008. Đóng góp lớn nhất đến từ nhà ở, dịch vụ nhà ở và di chuyển.
Ambrose Crofton, chiến lược gia thị trường toàn cầu của JPMorgan Asset Management, nói rằng cả CPI cơ bản và lõi đều vượt kỳ vọng sẽ khiến BoE ngày càng không thoải mái với lập trường chính sách hiện tại.
“Không thể chối cãi là giá cả đang bị thổi phồng do nhiều yếu tố tạm thời, trong đó có chi phí năng lượng và khủng hoảng chuỗi cung ứng. Nhưng trong ngắn hạn, người tiêu dùng vẫn sẽ chịu khổ vì lạm phát sẽ chỉ trầm trọng hơn trước khi hạ nhiệt - đặc biệt với năng lượng, được dự báo tăng khoảng 50% vào tháng Tư.”
Ông nói thêm tăng lương sẽ giúp đôi chút, nhưng cuối cùng có thể dẫn đến vòng xoáy giá cả/tiền lương, tiếp tục đẩy cao lạm phát.
CNBC