Lạm phát tại Mỹ vọt lên 8.5%, Fed đứng trước áp lực nặng nề
Tùng Trịnh
CEO
CPI của Mỹ trong tháng 3 tăng mạnh nhất kể từ cuối năm 1981, củng cố kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang sẽ tăng lãi suất thêm 50 bps vào tháng tới.
Chỉ số giá tiêu dùng tăng 8.5% so với cùng kỳ, trong khi con số này chỉ 7.9% vào tháng Hai, theo dữ liệu của Bộ Lao động Hoa Kỳ hôm thứ Ba. CPI theo tháng tăng 1.2% so với một tháng trước đó, mức tăng lớn nhất kể từ năm 2005. Chi phí xăng dầu đóng góp tới một nửa đà tăng này.
Các nhà kinh tế trong một cuộc khảo sát của Bloomberg đã kỳ vọng CPI tăng 8.4% so với cùng kỳ và 1.2% so với tháng Hai.
Chỉ số CPI tháng 3 đại diện cho điều mà nhiều nhà kinh tế mong đợi là đỉnh điểm của thời kỳ lạm phát hiện nay, ghi nhận tác động của giá thực phẩm và năng lượng tăng vọt sau khi Nga xâm lược Ukraine.
Trong khi Fed đang chuyển sang chính sách diều hâu hơn, lạm phát không có khả năng sớm lùi về mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương - đặc biệt là trong bối cảnh chiến tranh, các đợt giãn cách do Covid-19 ở Trung Quốc và nhu cầu đang gia tăng đối với các dịch vụ như du lịch.
Đồng thời, rủi ro lạm phát đẩy nền kinh tế vào suy thoái đang hình thành. Ngày càng có nhiều nhà kinh tế dự đoán rằng hoạt động kinh tế sẽ bớt nhộn nhịp do chi tiêu của người tiêu dùng giảm vì giá cả tăng cao hơn, hoặc Fed có thể sẽ phản ứng quá mức trong nỗ lực kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, số đông vẫn kỳ vọng nền kinh tế sẽ tăng trưởng.
Nếu loại trừ năng lượng và thực phẩm, CPI cơ bản tăng 0.3% so với một tháng trước và 6.5% so với cùng kỳ, cả hai đều thấp hơn dự kiến và phần lớn là do giá xe đã qua sử dụng giảm mạnh nhất kể từ năm 1969.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ tăng sau khi dữ liệu cho thấy lạm phát cơ bản tăng ít hơn so với dự báo vào tháng 3, trong khi đồng đô la đã xóa bỏ đà tăng đầu ngày.
Lạm phát hàng hóa không bao gồm thực phẩm, năng lượng và xe đã qua sử dụng đã tăng 8.1% so với cùng kỳ trong tháng 3, mức cao nhất kể từ năm 1981.
Chi phí dịch vụ tăng 5.1% so với một năm trước, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1991. Giá vé máy bay tăng kỷ lục 10.7% trong tháng 3 so với một tháng trước đó. Chi phí tạm trú, bao gồm tiền thuê nhà và khách sạn, đã tăng 0.5% hai tháng liên tiếp.
Giá ô tô đã qua sử dụng, nguyên nhân dẫn đến lạm phát hàng hóa trong nhiều tháng, đã giảm 3.8% trong tháng 3, mức giảm tháng thứ 2 liên tiếp. Trong khi đó, giá ô tô mới tăng nhẹ.
Giá đồ đạc và vật dụng gia đình đã tăng 1% so với tháng 2. Chỉ số nội thất và hoạt động tăng 10.1% so với một năm trước đó, cao nhất kể từ năm 1975.
Cuộc chiến ở Ukraine, bắt đầu vào cuối tháng Hai, khiến cho giá năng lượng tăng vọt do lo ngại rằng việc cắt giảm dầu và khí đốt của Nga sẽ kéo theo nguồn cung vốn đã eo hẹp. Báo cáo CPI cho thấy giá năng lượng đã tăng 11% trong tháng 3 so với tháng trước, mức cao nhất kể từ năm 2005, trong khi giá xăng tăng 18.3%, mức tăng lớn nhất kể từ năm 2009.
Tuy nhiên, giá khí đốt đã bắt đầu giảm trong những tuần gần đây, một phần do nhu cầu giảm ở Trung Quốc, nước này chứng kiến một số thành phố lớn đang bị phong tỏa nghiêm ngặt do Covid. Nếu tình trạng này tiếp tục, mức giảm này sẽ khiến giá năng lượng ít ảnh hưởng hơn đến lạm phát trong tháng Tư.
Mặc dù vậy, lạm phát được dự báo sẽ ở mức gần 6% vào cuối năm, điều này sẽ gây áp lực lên Chủ tịch Fed Jerome Powell và các đồng nghiệp của ông. Fed kiến sẽ tăng lãi suất thêm 50 bps trong cuộc họp chính sách tiếp theo vào tháng 5 - và có thể tại một hoặc nhiều cuộc họp sau đó - trong khi tiếp tục các kế hoạch giảm bảng cân đối kế toán.
Tổng thống Joe Biden thời gian gần đây cũng không lấy được lòng tin của người dân khi ông không kiềm chế được lạm phát. Tháng trước, chính quyền của ông đã ra lệnh giải phóng lượng dầu lớn nhất trong lịch sử từ nguồn dự trữ chiến lược để giúp hạ nhiệt giá, nhưng giá khí đốt trên toàn quốc vẫn đang ở mức trung bình trên 4 USD/gallon. Lạm phát trên phạm vi rộng hơn sẽ làm phức tạp thêm nỗ lực của Đảng Dân chủ trong việc duy trì ngân quỹ quốc hội eo hẹp của họ cho các cuộc bầu cử vào cuối năm nay.
Bloomberg