Sau đợt phục hồi ngắn ngủi vào tháng 4, tâm lý người tiêu dùng Mỹ trở lại chiều hướng xấu đi vào đầu tháng 5 do áp lực lạm phát gia tăng, đạt mức thấp nhất kể từ 8/2011. Trong những tháng gần đây, lạm phát tăng với tốc độ nhanh nhất trong bốn thập kỷ, là nguồn gốc chính của sự lo lắng đối với hầu hết người dân Mỹ - những người đã chứng kiến thu nhập của mình bị bào mòn do chi phí sinh hoạt tăng cao.
Theo kết quả sơ bộ từ Đại học Michigan, chỉ số tâm lý người tiêu dùng đã giảm từ 65.7 xuống 59.1. Bloomberg dự báo chỉ số giảm xuống 63.
Đi sâu hơn về kết quả khảo sát, chỉ báo điều kiện kinh tế hiện tại chạm mức thấp nhất kể từ năm 2013, giảm từ 69.4 xuống 63.6 do lo ngại rằng tiền lương sẽ không theo kịp lạm phát. Trong khi đó, chỉ số kỳ vọng giảm từ 62.5 xuống 56.3, mặc dù thị trường lao động mạnh mẽ. Kỳ vọng lạm phát 1 năm vẫn ở mức 5.4%, và kỳ vọng 5 năm cũng được giữ ở mức 3% - một dấu hiệu cho thấy người Mỹ vẫn tin rằng Fed sẽ có kiểm soát được lạm phát trong dài hạn.
Tâm lý ảm đạm là nguyên nhân gây lo ngại khi tiêu dùng hộ gia đình chiếm khoảng 70% GDP của Hoa Kỳ. Mặc dù dữ liệu gần đây cho thấy người Mỹ không phải lúc nào cũng hành động theo cảm tính, điều quan trọng là phải theo dõi tâm trạng của người tiêu dùng, vì sự suy giảm chi tiêu do niềm tin giảm sút có thể gây rắc rối cho triển vọng kinh tế.
Mặc dù cuộc khảo sát tâm lý của Đại học Michigan không đạt kỳ vọng, tài sản rủi ro lại không chịu nhiều áp lực. Trên thực tế, chỉ số S&P 500 đã tiếp tục tăng, nhưng động thái này mang tính chất phục hồi kỹ thuật nhiều hơn khi chỉ số chứng khoán Mỹ đã rơi vào vùng quá bán trong những ngày gần đây. Trong tương lai, với dữ liệu kinh tế liên tục gây thất vọng, lo ngại rằng Fed đang thắt chặt chính sách tiền tệ và tâm lý xấu đi, chứng khoán Mỹ sẽ phải vật lộn để duy trì đà tăng trong bối cảnh khẩu vị rủi ro suy yếu. Với lý do này, việc các trader tiếp tục chờ sell on rally không phải là điều quá ngạc nhiên.