Lạm phát Tokyo hạ nhiệt, củng cố quan điểm cần nới lỏng của BoJ
Đức Nguyễn
FX Strategist
Lạm phát ở Tokyo giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một năm, một diễn biến ủng hộ quan điểm của BoJ rằng áp lực giá cả đang suy yếu và ngân hàng cần tiếp tục thận trọng trước việc thắt chặt chính sách.
Theo Bộ Nội vụ, giá tiêu dùng không bao gồm thực phẩm tươi sống tăng 2.3% so với cùng kỳ ở thủ đô, phần lớn do giá điện và gas giảm và giá thực phẩm chế biến sẵn tăng ít hơn. Con số này giảm từ mức 2.7% trong tháng 10 và thấp hơn dự báo 2.4%.
Số liệu của Tokyo là chỉ báo sớm về xu hướng cả nước và cho thấy lạm phát toàn quốc cũng đã chững lại trong tháng trước.
Dữ liệu này ủng hộ quan điểm của Thống đốc BoJ Kazuo Ueda rằng giá cả đang hạ nhiệt sau lần tăng bất ngờ vào tháng trước. Sự chậm lại có thể khuyến khích ngân hàng trung ương chờ đợi thêm dấu hiệu phản ánh mục tiêu lạm phát đi kèm với tăng lương.
Theo Takuya Hoshino, chuyên gia kinh tế tại Dai-Ichi Life Research Institute, “tiền lương không theo kịp tốc độ giá cả tăng, dẫn đến tiêu dùng chậm hơn. Nếu nhu cầu không bắt kịp, giá sẽ không tăng nữa. Do nền kinh tế Mỹ cũng đang chậm lại, “tôi nghĩ BoJ sẽ thận trọng hơn một chút trong việc sửa đổi chính sách.”
Một thước đo sâu hơn về xu hướng lạm phát loại bỏ giá thực phẩm tươi sống và năng lượng cũng giảm xuống 3.6%, chậm lại trong tháng thứ ba liên tiếp. Tuy nhiên, trong một dấu hiệu cho thấy lạm phát có thể vẫn lan rộng ra ngoài lực đẩy của chi phí, giá dịch vụ đã tăng 2.3%, mạnh nhất kể từ đầu năm 1994, không bao gồm tác động của việc tăng thuế bán hàng.
Dữ liệu ghi nhận lạm phát giá thực phẩm chế biến ở Tokyo đã giảm từ 7.3% xuống 6.4%. Giá tiện ích cũng tiếp tục giảm mạnh so với năm trước, với giá xăng giảm 18.4%. Quyết định của Thủ tướng Fumio Kishida về việc duy trì trợ cấp tiện ích cho điện và khí đốt đã giúp giảm tỷ lệ lạm phát chung xuống 0.45%.
Trong khi đó, chi phí khách sạn và lưu trú đã tăng 62.5% so với cùng kỳ, khi chính phủ công bố chương trình trợ cấp hào phóng để hỗ trợ ngành du lịch bị ảnh hưởng bởi Covid. Nhu cầu du lịch trong nước và từ nước ngoài dự kiến sẽ duy trì ổn định trong mùa đông đầu tiên không có hạn chế về đại dịch, có khả năng đẩy giá liên quan lên cao.
Trong báo cáo triển vọng mới nhất được công bố vào tháng 10, BoJ đã điều chỉnh tăng dự báo về lạm phát cho năm tài chính hiện tại và năm tới lên 2.8%, tức BoJ dự báo 3 năm liên tiếp giá tăng vượt quá mục tiêu 2%. Tuy nhiên, ngân hàng đặt dự báo lạm phát năm tài chính 2025 ở mức 1.7%, ngụ ý rằng mức lạm phát hiện tại sẽ không kéo dài vô thời hạn.
Theo Atsushi Takeda, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Itochu, “tôi không nghĩ lạm phát sẽ tiếp tục chậm lại xuống dưới 2%. JPY suy yếu có thể gây áp lực lạm phát dai dẳng hơn dự kiến, làm tăng chi phí nguyên liệu thô. Chi phí thuê hoặc giữ nhân công cũng đang tăng lên.”
BoJ sẽ tổ chức cuộc họp cuối cùng của năm trong hai tuần nữa, với phần lớn những người theo dõi kỳ vọng sẽ không có thay đổi chính sách nào. Trước cuộc họp, thống đốc Ueda gần đây đã lặp lại quan điểm của mình rằng vẫn còn một chặng đường dài trước khi ngân hàng có thể đạt được mục tiêu lạm phát bền vững.
Mặc dù đã có một số dấu hiệu đáng khích lệ trước các cuộc đàm phán tiền lương mùa xuân giữa các công ty và liên đoàn lao động, nhưng tiền lương thực vẫn tiếp tục giảm trong 18 tháng. Cho đến nay, tăng trưởng lương danh nghĩa cũng không đạt được nhiều động lực.
“BoJ muốn xác nhận liệu tiền lương có tăng đủ để hỗ trợ lạm phát hay không,” Takeda nói. “Vì vậy, một sự thay đổi chính sách có thể sẽ diễn ra vào tháng 4 sau khi có kết quả đàm phán tiền lương mùa xuân”.
Bloomberg