Làn sóng cực hữu: Le Pen, Trump và nỗi lo sợ của phe tự do
Ngọc Lan
Junior Editor
Tôi có mặt tại Đại sứ quán Pháp ở London vào đêm 7/5/2017, khi ông Emmanuel Macron lần đầu tiên đắc cử tổng thống. Khi màn hình hiển thị tin tức về chiến thắng áp đảo của ông trước bà Marine Le Pen, tiếng hò reo vang lên từ các vị khách có mặt.
Bảy năm sau, Đảng Tập hợp Quốc gia của bà Le Pen vừa giành được số phiếu cao nhất trong vòng một cuộc bầu cử lập pháp Pháp, còn đảng của Macron bị đánh bại thảm hại. Người được bà Le Pen đỡ đầu, Jordan Bardella, có thể sớm trở thành thủ tướng, và bà đang là ứng cử viên sáng giá nhất cho chức tổng thống năm 2027 theo dự đoán trên thị trường. Hy vọng Tổng thống Macron đã vĩnh viễn chôn vùi mối đe dọa từ cánh hữu cực đoan hóa ra chỉ là ảo tưởng.
Công bằng mà nói, người Pháp không phải là quốc gia duy nhất chứng kiến "bình minh giả tạo" của chủ nghĩa tự do. Chiến thắng của Barack Obama trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2008 đã khiến người ta hào hứng về sự xuất hiện của một nước Mỹ hậu phân biệt chủng tộc. Obama thì lịch lãm, ưa nhìn, một người đàn ông Harvard. Ông khiến những người hâm mộ thích thú khi "làm nhục" Donald Trump tại bữa tối của Hiệp hội Phóng viên Nhà Trắng năm 2011.
Mười ba năm sau, Trump, một người bị ám ảnh bởi việc trả đũa, lại đang dành được ưu thế. Obama đang ngồi bất lực bên lề khi nhiệm kỳ tổng thống của Biden sụp đổ và Trump tiến gần đến nhiệm kỳ thứ hai tại vị.
Tại Mỹ và Pháp, những người theo chủ nghĩa trung dung và tự do đang trong tình trạng hoảng loạn hoàn toàn. Chủ nghĩa dân túy dân tộc giờ đây trông giống như một đặc điểm vĩnh viễn và thậm chí là định nghĩa của chính trị phương Tây, hơn là một sai lầm tạm thời. Sự phân chia cánh tả-cánh hữu cũ của thế kỷ 20 đã nhường chỗ cho một sự phân chia mới giữa những người theo chủ nghĩa quốc tế tự do và những người theo chủ nghĩa dân tộc dân túy.
Ở cả hai bờ Đại Tây Dương, các lực lượng dân tộc chủ nghĩa dân túy đều thúc đẩy các chính sách tương tự về nhập cư, thương mại, khí hậu, "cuộc chiến tỉnh thức" và cuộc chiến ở Ukraine. Kiên quyết phản đối nhập cư vẫn là nền tảng kêu gọi sự ủng hộ của họ. Trump và Le Pen lập luận rằng những người theo chủ nghĩa "toàn cầu hóa" đang để mặc cho quốc gia của họ bị phá hủy bởi di cư không kiểm soát. Chủ nghĩa bảo hộ và yêu cầu "ưu tiên quốc gia" cũng là những yêu cầu then chốt.
Quá trình chuyển đổi xanh đã trở thành mục tiêu mới cho những người theo chủ nghĩa dân tộc dân túy. Mục tiêu này được miêu tả như một mối bận tâm của giới thượng lưu, một mối bận tâm đã dẫn đến việc tăng giá đối với người dân bình thường. Cả Le Pen và Trump đều đã từ lâu đã mong muốn kết thân với nhà lãnh đạo Nga, Vladimir Putin. Nhiều người trong phe của họ xem ông Putin là nhà vô địch của các giá trị truyền thống và nhà nước dân tộc. Sự ủng hộ của liên minh phương Tây dành cho Ukraine được những người theo chủ nghĩa dân túy quốc gia miêu tả là nguy hiểm và lãng phí tiền bạc.
Những người theo chủ nghĩa dân túy quốc gia cũng có xu hướng tin vào các thuyết âm mưu về mọi thứ, từ đại dịch Covid-19 đến ảnh hưởng của những người giàu có như George Soros hay Bill Gates. Các cuộc bầu cử ở Pháp và Mỹ cho thấy Trump và Le Pen hiện là những người đi đầu quan trọng nhất cho chủ nghĩa dân túy quốc gia ở phương Tây. Nhưng những nhân vật tương tự đang xuất hiện ngày càng nhiều khắp châu Âu.
Bạn của Trump, Nigel Farage, và đảng Cải cách Vương quốc Anh của ông có vẻ sẽ đạt kết quả mạnh mẽ trong cuộc bầu cử Anh. Đảng Tự do của Geert Wilders đã giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử Hà Lan năm ngoái. Đảng Con đường khác cho nước Đức (Alternative for Germany) - hiện được coi là quá cực đoan ngay cả đối với bà Le Pen - đã về nhì trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu gần đây ở Đức, trong khi đảng Tự do của Áo đứng đầu các cuộc thăm dò.
Nhà lãnh đạo Hungary, Viktor Orbán, đã trở thành một nhân vật chủ chốt trong phong trào dân túy quốc gia. Khả năng củng cố quyền lực của ông đã thu hút sự ngưỡng mộ trong vòng tròn nội bộ của Trump và ông vẫn có mối quan hệ gần gũi với các nhà dân túy châu Âu chủ chốt khác, như Le Pen.
Thủ tướng Ý, Giorgia Meloni, là một nhân vật quan trọng. Bà có nguồn gốc từ cánh hữu "hậu phát xít" và có mối quan hệ lâu dài với cả Le Pen và Orbán. Nhưng khi nắm quyền, bà đã tránh một số phần trong chương trình nghị sự dân túy quốc gia - bao gồm sự ngưỡng mộ đối với nước Nga của Putin và thù địch với EU. Nếu Trump thắng cử, Meloni có thể trở thành một "móc xích" quan trọng - cố gắng giữ các kênh liên lạc giữa EU và nước Mỹ của Trump.
Sự trỗi dậy của Trump - và giờ đây là Đảng Tập hợp quốc gia (RN) ở Pháp - làm dấy lên nỗi lo sợ về tương lai của nền dân chủ phương Tây. Những lo ngại này là chính đáng, xét đến việc ông Trump khuyến khích một cuộc đảo chính bất thành năm 2021 và mối liên hệ lịch sử của cánh hữu cực đoan Pháp với những người cộng tác thời chiến. Nhưng những người theo chủ nghĩa tự do không nên hoảng sợ. Việc phá hủy nền dân chủ Mỹ hay Pháp không phải là một nhiệm vụ đơn giản. Hy vọng về một chiến thắng quyết định trước chủ nghĩa dân túy quốc gia - được Macron và Obama khơi dậy - đã chứng minh là một ảo tưởng. Nhưng nỗi sợ hãi về một thất bại quyết định cho sự nghiệp tự do, quốc tế có lẽ cũng bị thổi phồng.
Cử tri có thể nhanh chóng thất vọng với chủ nghĩa dân túy khi thấy những người lãnh đạo của chủ nghĩa hành động. Ở Anh, phần lớn người dân hiện nghĩ rằng Brexit, dự án dân túy ở Anh, đã thất bại. Đất nước này đang chuẩn bị bầu Sir Keir Starmer, một người theo chủ nghĩa trung dung không phô trương, làm thủ tướng. Các nhà dân túy quốc gia đã mất quyền lực ở Ba Lan và Brazil và phải chịu thất bại trong bầu cử ở Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ.
Cử tri Mỹ đã quay lưng với Trump sau nhiệm kỳ đầu tiên hỗn loạn của ông. Sự trỗi dậy của ông một phần phản ánh việc ông đang tranh cử chống lại một đương kim tổng thống 81 tuổi, vốn đã yếu là Joe Biden.
Những giải pháp đơn giản do các nhà dân túy quốc gia đưa ra thất bại khi đưa vào thực tế. Pháp và Mỹ có thể sắp phải học lại bài học đau đớn này. Đáng buồn thay, hậu quả của sự dại dột của họ sẽ được cảm nhận trên toàn thế giới.
Bài viết trên là quan điểm cá nhân của tác giả Gideon Rachman từ tờ báo Financial Times.
Financial Times