Lệnh cấm nhập khẩu vàng từ Nga chỉ “mang tính tượng trưng”
Nguyễn Vũ Phương Nam
Junior Analyst
Theo các nhà phân tích, kế hoạch của một số nước trong Nhóm G-7 nhằm cấm nhập khẩu vàng từ Nga là "phần lớn mang tính tượng trưng" vì các dòng chảy đã bị hạn chế bởi các lệnh trừng phạt.
Mỹ, Anh, Nhật Bản và Canada công bố lệnh cấm trong hội nghị thượng đỉnh G-7 vào Chủ nhật tại Đức. Trong khi chính phủ Anh cho biết trong một tuyên bố vào cuối tuần rằng "biện pháp này sẽ có phạm vi toàn cầu, chặn vàng Nga khỏi các thị trường quốc tế", các nhà phân tích không đánh giá cao những tác động tiềm tàng khi Hiệp hội vàng London loại bỏ các nhà vàng của Nga khỏi danh sách được công nhận vào tháng Ba.
Warren Patterson, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại ING Groep NV, cho biết: “Ảnh hưởng của lệnh cấm nhập khẩu vàng Nga từ các quốc gia G-7 có thể khá hạn chế, do ngành công nghiệp này đã thực hiện các bước để giới hạn vàng của Nga. Nó mang tính tượng trưng nhiều hơn."
Trong khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga sau cuộc xâm lược Ukraine đã đóng cửa phần lớn thị trường châu Âu và Mỹ khỏi quốc gia khai thác vàng lớn thứ hai thế giới, cam kết của G-7 sẽ đánh dấu sự cắt đứt hoàn toàn giữa Nga và hai trung tâm giao dịch hàng đầu thế giới, London và New York.
Vivek Dhar, chuyên gia phân tích hàng hóa tại Commonwealth Bank of Australia, cho biết rằng “lệnh cấm cũng chỉ chính thức hóa những gì đã xảy ra thông qua các lệnh trừng phạt” và ông không mong đợi nó sẽ đẩy giá vàng lên cao hơn.
Daniel Hynes, một chiến lược gia hàng hóa tại Australia & New Zealand Banking Group Ltd., cho biết. lệnh cấm dường như không có bất kỳ tác động thực sự nào đến giá cả.
Vàng giao ngay tăng 0.5% lên 1,835.41 USD/ounce đầu ngày thứ Hai. Trong khi vàng tăng vọt vào tháng 3 lên gần đỉnh lịch sử do chiến tranh ở châu Âu thúc đẩy nhu cầu đối với tài sản trú ẩn, giá lại ít thay đổi trong năm nay do các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ.
Bloomberg