Liệu bong bóng trái phiếu Trung Quốc có phải là vụ nổ tiếp theo?
Thái Linh
Junior Editor
Nguồn thông tin gần đây đã cảnh báo rằng kế hoạch phát hành TPCP trị giá hàng tỷ USD của Trung Quốc trước cuối năm có thể dẫn đến việc điều chỉnh giá trái phiếu của nước này, làm vỡ "bong bóng" trên thị trường.
Lời cảnh báo này xuất hiện sau làn sóng mua vào điên cuồng đã đẩy giá TPCP Trung Quốc kỳ hạn 10 năm lên cao, đưa lợi suất xuống dưới 2.2% và khiến PBOC phải cảnh báo rằng một sự đảo ngược đột ngột có thể đe dọa đến ổn định tài chính.
Dữ liệu chính thức và các báo cáo của phương tiện truyền thông nhà nước cho biết tính đến tháng 7, chính phủ vẫn chưa phát hành hơn một nửa hạn ngạch TPCP kỳ hạn siêu dài của địa phương và trung ương theo kế hoạch năm 2024, với tổng số khoảng 2.68 nghìn tỷ Nhân dân tệ (376 tỷ USD) còn tồn đọng.
"Khi các đợt phát hành TPCP và trái phiếu địa phương này, do các yêu cầu về ngân sách thúc đẩy, bùng nổ vào cuối năm, thì khối lượng sẽ lên tới hàng nghìn tỷ. Khả năng đảo ngược lợi suất đáng kể là rất cao", một trong những người thân cận với PBOC cho biết.
Nền kinh tế Trung Quốc chậm lại đã dẫn đến việc phát hành trái phiếu ngày càng tăng trong vài năm qua. Trong đó, hai loai trái phiếu được phát hành nhiều nhất là trái phiếu địa phương đặc biệt — được các cơ quan cấp dưới sử dụng cho các dự án và đầu tư, và TPCP đặc biệt kỳ hạn siêu dài được sử dụng để giúp kích thích nền kinh tế.
Bất chấp kế hoạch tăng lượng trái phiếu phát hành, triển vọng kinh tế ảm đạm và thị trường chứng khoán yếu đã khiến các nhà đầu tư, bao gồm cả các ngân hàng Trung Quốc, đổ xô vào TPCP, dẫn đến lo ngại rằng thị trường đang ở trong "vùng bong bóng". Lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm đã đạt mức đáy mọi thời đại là 2.12% trong tháng này.
PBOC cho biết họ lo ngại về các quỹ đầu tư đòn bẩy đang tích trữ trái phiếu và rủi ro phá sản tương tự như Ngân hàng Silicon Valley ở Mỹ, nếu các ngân hàng mua TPCP kỳ hạn dài và sau đó lợi suất đảo ngược.
Xu Zhong, phó tổng thư ký của Hiệp hội các nhà đầu tư tổ chức trên thị trường tài chính quốc gia (NAFMII), một tổ chức trực thuộc PBOC, cho biết trong tháng này trên tờ báo Financial News của ngân hàng này rằng "Lợi suất TPCP kỳ hạn dài đã lệch khỏi phạm vi hợp lý và đang trên đà hướng tới kịch bản xuất hiện bong bóng trên thị trường".
Dữ liệu của Bộ Tài chính cho thấy tính đến tháng 7, chính phủ vẫn chưa phát hành lượng trái phiếu địa phương đặc biệt trị giá khoảng 2.1 nghìn tỷ Nhân dân tệ, trong tổng số trái phiếu trị giá 3.9 nghìn tỷ Nhân dân tệ cho cả năm. Trong khi đó, phương tiện truyền thông nhà nước lại đưa tin rằng chính phủ vẫn chưa phát hành 582 tỷ trong số 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ TPCP kỳ hạn siêu dài.
Điều này đã tạo ra sự dư thừa về khả năng phát hành mới trên thị trường TPCP, nguồn tin thân cận với PBOC cảnh báo.
"Ban đầu, mọi người đều kỳ vọng lợi suất TPCP và trái phiếu địa phương sẽ tăng khi phát hành quy mô lớn", nguồn tin gần với PBOC cho biết.
Nhưng người đó cho biết "nhiều yếu tố" đã cản trở đợt phát hành trái phiếu này. Bây giờ giá trái phiếu đang bị đẩy lên cao do "sự mất cân bằng cung-cầu".
"Liệu khi những đợt phát hành trái phiếu mới này bùng nổ, Bộ Tài chính vào cuộc giúp cân bằng cung - cầu, và đợt bán tháo lớn xảy ra, thị trường sẽ không đảo ngược sao?" nguồn tin gần với PBOC cho biết. “Bạn có hiểu tại sao PBOC cần phải liên tục lên tiếng để nhắc nhở mọi người và định hướng họ trong việc đối mặt với những rủi ro lớn như vậy không?”
Các nhà phân tích cho biết cũng có rủi ro đối với sự ổn định tài chính nếu đường cong lợi suất phẳng hơn vì điều đó sẽ gây áp lực lên khả năng kiếm lợi nhuận của các ngân hàng nhà nước Trung Quốc.
PBOC đang cải cách hộp công cụ tiền tệ trong năm nay, bao gồm việc thiết lập một lãi suất chính sách mới và tinh chỉnh cơ chế truyền động tiền tệ bằng cách tác động nhiều hơn đến thị trường trái phiếu đang phát triển. Động thái này theo sau sự dịch chuyển thanh khoản ngân hàng từ các khoản vay sang các tài sản khác, chẳng hạn như trái phiếu.
Nhưng Yang Yewei, một nhà phân tích trái phiếu tại Guosen Securities, cho biết PBOC có thể phải đối mặt với nhiều thách thức nếu áp dụng biện pháp kiểm soát đường cong lợi suất tương tự như BoJ và RBA trong thập kỷ qua.
Yang cho biết các cơ quan quản lý nước ngoài thường sử dụng biện pháp kiểm soát đường cong lợi suất để giới hạn lợi suất trong khi PBOC lại đang cố gắng thiết lập mức sàn. "Có rất ít tiền lệ cho việc đó", Yang cho biết.
Ngoài ra, thị trường trái phiếu của Trung Quốc không đủ chiều sâu để hỗ trợ chính sách tiền tệ này, với dữ liệu chính thức cho thấy thị trường này chỉ tương đương với 65% GDP quốc gia so với mức cao hơn nhiều ở các quốc gia khác.
Haibin Zhu, nhà kinh tế trưởng của JPMorgan về Trung Quốc, cho biết PBOC đang cố gắng hiện đại hóa chính sách tiền tệ bằng cách sử dụng lãi suất để kiểm soát việc tạo ra tín dụng thay vì kiểm soát trực tiếp lượng tín dụng. "Sớm hay muộn thì sự thay đổi trong chính sách tiền tệ cũng sẽ diễn ra", Zhu cho biết, nhưng cũng nói thêm rằng quá trình chuyển đổi vẫn đang ở giai đoạn thử nghiệm và sẽ mất nhiều thời gian.
"Thách thức ở đây là việc truyền tải chính sách vẫn chưa được suôn sẻ. Đó là lý do tại sao chúng ta thấy PBOC đang thực hiện các động thái để kiểm soát đường cong lợi suất TPCP - trong đó các giao dịch phản ánh niềm tin thị trường sụt giảm và rủi ro ngày càng tăng".
Financial Times