Liệu châu Âu có đang "quay lưng" với phe cánh tả?
Đặng Thùy Linh
Junior Analyst
Vài tháng trước, nhiều người dân Mỹ đã lo lắng về một câu chuyện chính trị ở châu Âu: Một sự trỗi dậy mạnh mẽ của phe cánh hữu trong cuộc bầu cử mùa hè này là điềm báo xấu về tương lai chính trị, đối với cả châu Âu và Mỹ.
Tuy nhiên, điều đó đã không thực sự xảy ra. Trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6, phe cực hữu chỉ tăng nhẹ, và liên minh cầm quyền trung dung vẫn giữ vững vị thế. Vào đầu tháng 7, đảng Lao động của Anh đã giành được đa số ghế trong quốc hội (lớn thứ hai kể từ Thế chiến II), làm cho đảng Bảo thủ trung hữu bẽ mặt và gạt đảng cực hữu Cải cách sang một bên. Chỉ vài ngày sau tại Pháp, nhờ chiến lược bỏ phiếu khôn ngoan và sự tham gia mạnh mẽ của cử tri cánh tả, đảng Tập hợp Quốc gia của Marine Le Pen đã không giành được quyền lực.
Tuy nhiên, chỉ hai tháng sau, câu chuyện ở châu Âu đã trở nên ảm đạm hơn - không chỉ ở Đức, nơi mà tháng này đảng cực hữu Đức (Alternative for Germany) lần đầu tiên giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử cấp tiểu bang kể từ năm 1945 - mà còn ở những nơi mà kết quả bầu cử hồi tháng 7 đã mang lại niềm hy vọng cho phe cánh tả toàn cầu.
Tại Pháp, khuynh hướng xã hội chủ nghĩa trong cuộc bầu cử quốc hội đã không làm hài lòng Tổng thống trung dung Emmanuel Macron, người phản ứng bằng cách trì hoãn gần hai tháng mà không thành lập chính phủ. Macron đã kêu gọi cuộc bầu cử này một cách bất ngờ, thách thức cử tri Pháp từ chối Le Pen và xu hướng chủ nghĩa dân tộc bài ngoại ngày càng phổ biến của bà. Nhưng khi cử tri Pháp đã làm đúng như mong muốn của ông, kết quả lại không như ông hy vọng: Liên minh trung dung của tổng thống không giành được nhiều ghế nhất trong quốc hội, và liên minh cánh tả của Jean-Luc Mélenchon, người mà Macron chỉ mới thiết lập một liên minh bất đắc dĩ vào phút cuối, lại giành được số phiếu lớn nhất. Kết quả là Macron dường như không chấp nhận kết quả hoặc ít nhất là không cảm thấy cần phải nhanh chóng bổ nhiệm một thủ tướng mới. Điều này khiến một số người tự hỏi liệu tình trạng bế tắc này có thể kéo dài bao lâu, và liệu nó có nhanh chóng trở thành tình trạng bình thường mới hay không.
Tuần trước, Macron cuối cùng đã lựa chọn Michel Barnier, một chính trị gia bảo thủ và là cựu đàm phán viên Brexit của EU, đảng của ông chỉ giành được chưa đến 7% số phiếu trong vòng bầu cử đầu tiên. Trong các cuộc bầu cử trước, Barnier đã tranh cử với những chính sách như nghĩa vụ quân sự bắt buộc, chấm dứt tình trạng di cư sang châu Âu trong nhiều năm, và giao quyền giám sát các khu vực "mất kiểm soát" cho quân đội.
Barnier là một nhân vật của giới cầm quyền và là đồng minh của Macron. Nhưng đảng trung hữu đã bị bác bỏ trong cuộc bầu cử, và để đảm bảo sự ủng hộ cho Barnier, Macron đã tạo ra một liên minh tạm thời với Le Pen, người từ lâu đã bị coi là mối đe dọa cho xã hội Pháp, nhưng giờ đây lại trở thành lãnh đạo cho chính phủ mới.
Cuối tuần qua, hàng chục ngàn người đã xuống đường biểu tình tại Paris và nhiều nơi khác ở Pháp để phản đối việc bổ nhiệm, và một số người thuộc phe cánh tả đã gọi đây là một "cuộc đảo chính mềm", mặc dù, điều đó không hoàn toàn là sự thật vì trong hệ thống nghị viện, việc các đảng nhỏ liên minh để vượt qua đảng giành nhiều phiếu nhất là khá phổ biến. Thực tế, trong tổng số phiếu bầu, đảng Tập hợp Quốc gia của Le Pen thậm chí đã đạt kết quả tốt hơn cả liên minh cánh tả và trung dung. Dù vậy, việc bổ nhiệm này cùng với sự sắp xếp chính trị dựa trên đó đã gây sốc, vì Macron đã tổ chức bầu cử để loại bỏ Le Pen nhưng sau đó lại liên minh với bà để tạo ra chính phủ mới.
Ngay từ đầu, nhiều người thuộc phe cánh tả ở Pháp đã nghi ngờ về sự chân thành của Macron. Họ tin rằng mục tiêu của ông khi kêu gọi bầu cử không phải là để đánh bại Le Pen mà để "thuần hóa" bà, tạo ra một cuộc bầu cử mà đảng của Le Pen có thể thắng và sau đó đưa ĐảngTập hợp Quốc gia vào chính phủ, nhằm làm giảm sức mạnh chống đối của đảng này trước cuộc bầu cử tổng thống năm sau của Macron.
Khi kết quả bầu cử được công bố, Macron đứng trước hai lựa chọn: hoặc là liên minh với phe cánh tả, vốn đã thắng cử và vận động cùng ông, hoặc là liên minh với phe cực hữu, những người mà sự trở lại đã gây lo lắng cho giới chính trị phương Tây trong nhiều thập kỷ. Cuối cùng, Macron, người đại diện cho "giới tinh hoa" châu Âu, đã quay lưng lại với cánh tả và tìm kiếm sự ủng hộ từ phe cực hữu. Lý do đơn giản nhất cho quyết định này là phát biểu của cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy, ông đã nói thẳng với Le Figaro rằng: "Thật sai lầm khi nói rằng Marine Le Pen nguy hiểm hơn Jean-Luc Mélenchon."
Điều này không hẳn là "đi theo Đức Quốc xã", nhưng việc gạt bỏ kết quả bầu cử để "dang tay chào đón" phe cực hữu của Pháp cũng không phải là một khoảnh khắc đáng tự hào cho chủ nghĩa tự do ở châu Âu. Thay vào đó, nó được coi là dấu hiệu cho thấy sự nổi lên của "trung tâm phản động".
Ở Anh, sự quay lưng lại với cánh tả có vẻ hơi khác một chút, đảng Lao động đã có một sự dịch chuyển dần về phe trung dung sau cuộc bầu cử. Năm 2019, lãnh đạo Lao động lúc đó là Jeremy Corbyn đã vận động tranh cử với lời hứa về khoản chi hơn 80 tỷ bảng Anh và giành được hơn 10 triệu phiếu bầu. Nhưng đến năm 2024, người kế nhiệm Corbyn, Keir Starmer, chỉ hứa chi dưới 5 tỷ bảng mỗi năm và nhận được ít hơn 10 triệu phiếu bầu. Tuy nhiên, nhờ chiến dịch khéo léo và sự suy sụp của đảng Bảo thủ, Đảng Lao động vẫn giành chiến thắng lớn.
Sau khi đắc cử, Starmer và đảng Lao động tiếp tục theo đuổi đường lối trung dung, cảnh báo về việc thắt chặt ngân sách, tự pr là "đảng của doanh nghiệp Anh" và hứa sẽ trấn áp vấn đề di cư. Những người quan sát từ nước ngoài có thể hy vọng rằng, sau khi lên nắm quyền, đảng Lao động sẽ cai trị như một đảng thống trị, như nhà kinh tế học Paul Krugman nhận định. Tuy nhiên, trong suốt mùa hè, tinh thần của họ ít thiên về “cuộc bầu cử có hệ quả” mà chủ yếu là “trở lại với sự thận trọng và năng lực quản lý.” Trước cuộc bầu cử, chiến dịch của đảng Lao động bị chế giễu là “thay đổi mà không thay đổi”; giờ đây, Starmer đang nói với cử tri rằng đảng này “phải làm mất lòng dân.”
Những hậu quả chính trị của điều này đã bắt đầu rõ ràng. Theo một cuộc khảo sát, tỷ lệ ủng hộ ròng của Starmer đã giảm 30 điểm trong vòng 40 ngày; tỷ lệ không ủng hộ đối với Bộ trưởng Tài chính Rachel Reeves, người quản lý ngân sách, cao gấp đôi so với tỷ lệ ủng hộ. Sự bất mãn của công chúng đối với đảng Lao động đã tăng khoảng 20 điểm phần trăm kể từ sau cuộc bầu cử. Trong các khảo sát dự đoán về "ý định bỏ phiếu," đảng Lao động giờ đây chỉ xếp trên đảng Bảo thủ một chút, trong khi hai tháng trước đảng Bảo thủ dường như đã không thể khôi phục. Đảng Cải cách theo chủ nghĩa dân tộc của Nigel Farage cũng đang tăng mạnh.
Công bằng mà nói đảng Lao động gặp phải nhiều khó khăn. Nước Anh không phải tự nhiên được gọi là "quốc gia trì trệ," và không có chính trị gia nào muốn phải đối mặt với tình trạng căng thẳng khi mới lên nắm quyền, đặc biệt khi đối diện với những cuộc bạo loạn sắc tộc trên toàn quốc, đến mức chúng được ví như những “cuộc tàn sát.”
Chính phủ của Starmer vẫn còn non trẻ và có một số thành tựu đáng chú ý, đặc biệt là về môi trường, như việc Anh chuẩn bị đóng cửa nhà máy than cuối cùng. Tuy nhiên, chỉ sau hai tháng lên nắm quyền, nhiều người đã tự hỏi liệu đảng Lao động có nên đưa ra một chương trình hành động tiến bộ hơn không. Điều này có thể mang lại một chiến thắng ít ấn tượng hơn về số lượng phiếu bầu, nhưng lại giúp đảng xây dựng một nền tảng ổn định và lâu dài hơn.
The New York Times