Liệu quan điểm về chính sách thương mại có đang đưa nền kinh tế Mỹ đi vào "ngõ cụt"?
Đặng Thùy Linh
Junior Analyst
Một trong những sai lầm tồn tại lâu nhất trong phát ngôn của các chính trị gia về kinh tế là ý tưởng cho rằng thâm hụt thương mại tự thân nó là một vấn đề, bất kể nguyên nhân và cách chúng phát sinh. Nếu bạn nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu, theo lập luận, bạn là kẻ thua cuộc - và chìa khóa thành công trong chính sách kinh tế là giải quyết sự mất cân bằng này. Ở Hoa Kỳ, phe cánh tả dân túy và cánh hữu dân túy hiện đang trong việc ủng đồng lòng ủng hộ điều vô lý này.
Nó không chỉ phiền phức mà còn nguy hiểm. Các biện pháp nhằm cắt giảm thâm hụt thương mại luôn thất bại, nhưng không phải một cách vô hại: Chúng cũng gây ra những thiệt hại đi kèm. Đảng Cộng hòa và Dân chủ đã ủng hộ một loạt các chính sách bảo hộ thương mại rộng rãi. Như nhiều lần trước đây, những sáng kiến "tự hủy" này cuối cùng sẽ càng làm rõ thêm quan điểm đó.
Trước hết, cần lưu ý rằng thâm hụt cán cân thanh toán luôn phản ánh thặng dư tài chính bên ngoài. Hai yếu tố này bằng nhau theo nguyên tắc kế toán – chỉ là những cách đo lường khác nhau cho cùng một vấn đề. Thặng dư vốn song hành với thâm hụt cán cân thanh toán có nghĩa là nền kinh tế đang sử dụng vốn nước ngoài để đầu tư nhiều hơn là tiết kiệm. Điều này có thể là một tín hiệu tích cực, tùy thuộc vào nguyên nhân tạo ra sự mất cân đối này. Nếu đầu tư cao được tài trợ bởi tiết kiệm từ nước ngoài, điều đó đồng nghĩa với việc tăng trưởng nhanh hơn. Nhưng nếu các chính sách nhắm đến việc tăng xuất khẩu và giảm nhập khẩu lại dẫn đến giảm đầu tư, thì việc thu hẹp thâm hụt thương mại là một ý tưởng tồi.
Ví dụ, việc áp thuế đối với xe điện nhập khẩu, kết hợp với trợ cấp cho xe điện sản xuất tại Mỹ, chắc chắn sẽ làm giảm lượng nhập khẩu xe điện và tạo ra công ăn việc làm mới tại các nhà máy sản xuất xe điện. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu khoảng cách giữa đầu tư và tiết kiệm không thay đổi? Khi đó, thâm hụt thương mại sẽ không thay đổi. Việc giảm nhập khẩu xe điện sẽ được bù đắp bằng việc tăng nhập khẩu các sản phẩm khác hoặc giảm xuất khẩu tổng thể, có nghĩa là việc làm ở các ngành khác sẽ bị mất đi. Người tiêu dùng giờ phải mua xe điện đắt tiền thay vì xe điện rẻ, gây ra tổn thất về kinh tế. Việc làm chỉ được chuyển đổi từ nơi này sang nơi khác – và đúng là có thể đó là mục tiêu chính sách hợp lý – nhưng thực tế là không tạo ra thêm việc làm ròng. Và thâm hụt thương mại vẫn không thay đổi.
Ngoài ra, nếu các khoản trợ cấp không được tài trợ bằng cách tăng thuế hoặc cắt giảm các khoản chi tiêu công khác, chính phủ sẽ phải vay thêm, điều này làm giảm tiết kiệm quốc gia, buộc phải giảm đầu tư hoặc tăng thặng dư vốn. Và nếu xảy ra trường hợp sau, cuộc tấn công “khéo léo” vào thâm hụt thương mại này sẽ càng làm nó lớn hơn.
Vì logic này, thuế quan theo kiểu Trump như một giải pháp cho vấn đề thâm hụt thương mại của Mỹ hầu như không nhận được sự ủng hộ từ giới học thuật. Nhưng một phân tích tinh vi hơn nhận ra tầm quan trọng của cân bằng giữa tiết kiệm và đầu tư đối với thương mại và việc làm, và đề xuất một hướng tiếp cận chính sách khác. Về cơ bản, cách tiếp cận này đồng ý với chủ nghĩa bảo hộ truyền thống khi đổ lỗi cho nước ngoài về hiện tượng "phi công nghiệp hóa" của Mỹ, nhưng lại chuyển trọng tâm sang dòng vốn.
Thập kỷ dẫn đến cuộc khủng hoảng năm 2008 là trọng tâm của câu chuyện này. Thâm hụt thương mại tăng vọt trong những năm đó, cùng với sự gia tăng mạnh mẽ của dòng vốn chảy vào sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cuối những năm 1990. (Các ngân hàng trung ương châu Á mở rộng dự trữ ngoại tệ bằng cách mua một lượng lớn TPCP Mỹ). Dòng vốn này đẩy đồng USD tăng cao, khiến nhập khẩu trở nên rẻ và xuất khẩu của Mỹ đắt đỏ; thâm hụt thương mại do đó cũng mở rộng.
Quan điểm này đưa ra hai phản ứng có vẻ hợp lý. Thứ nhất, hãy làm những gì có thể để giữ cho đồng USD ở mức thấp. Thứ hai, ngăn chặn dòng vốn chảy vào quá mức bằng cách đánh thuế chúng. Robert Lighthizer, cựu Đại diện Thương mại Mỹ của Trump và có khả năng sẽ là cố vấn chính nếu Trump giành chiến thắng nhiệm kỳ thứ hai, dường như ủng hộ cả hai biện pháp này. Trump cũng đã suy nghĩ về việc trao quyền cho tổng thống can thiệp vào chính sách của Fed, có lẽ với mục đích sử dụng lãi suất thấp để giữ đồng USD ở mức vừa phải.
Một bài báo mới của Maurice Obstfeld, cựu chuyên gia kinh tế của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), giải thích những sai sót trong cách đổ lỗi tinh vi này cho nước ngoài về các vấn đề kinh tế của Mỹ.
Theo Obstfeld, câu chuyện về tiết kiệm quá mức hoạt động khá tốt trong nửa đầu thập kỷ đó. Lượng vốn đổ vào Mỹ thực sự tăng mạnh, đồng USD tăng giá và thâm hụt thương mại cũng tăng nhanh khi nhà đầu tư và ngân hàng trung ương châu Á buộc phải cho Mỹ vay – tất cả đều như mong đợi. Vấn đề là bắt đầu từ năm 2002, đồng USD bắt đầu mất giá. Điều này cho thấy sự thay đổi trong cán cân cung và cầu về vốn. Trước năm 2002, động lực chi phối là cung ngoại tệ dư thừa (làm đồng USD tăng); từ năm 2002, nhu cầu nội địa tại Mỹ quá lớn (làm đồng USD giảm dù dòng vốn vẫn chảy vào). Thâm hụt thương mại tiếp tục mở rộng mặc dù đồng USD mất giá vì nhập khẩu tăng nhanh hơn xuất khẩu do áp lực từ nhu cầu trong nước quá cao.
Theo cách hiểu này, "thủ phạm" sau năm 2002 là điều kiện tài chính quá nới lỏng tại Mỹ – một phần bởi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cắt giảm lãi suất và quan trọng hơn là sự bùng nổ về các khoản vay trong nước và giá tài sản do sự đổi mới và việc bãi bỏ quy định tài chính. Obstfeld nói: "Trong giai đoạn 2002-2006, phần lớn vốn nước ngoài không đổ vào một cách tự nhiên, mà nó bị kéo vào." Điều này làm cho biện pháp đầu tiên – giữ cho đồng USD rẻ – trở nên vô nghĩa. Điều này không nhất thiết làm giảm thâm hụt. Hơn nữa, nếu giữ đồng USD rẻ bằng cách yêu cầu Fed hạ lãi suất, thâm hụt có thể tăng lên và dẫn tới lạm phát cũng tăng vọt.
Vậy còn biện pháp khắc phục khác – đánh thuế dòng vốn chảy vào thì sao? Điều này thực sự có thể làm giảm thặng dư vốn và từ đó làm giảm thâm hụt thương mại, nhưng chỉ bằng cách tăng chi phí vay và ngăn chặn đầu tư. Nếu Fed cố gắng kháng cự tác động tiêu cực đến tăng trưởng này bằng cách giữ lãi suất thấp, kết quả sẽ lại là lạm phát cao hơn. Như trước đây, việc chẩn đoán sai vấn đề dẫn đến một biện pháp khắc phục làm cho tình hình tồi tệ hơn.
Thâm hụt thương mại nguy hiểm chủ yếu vì những phản ứng chính sách "ngu ngốc" mà chúng gây ra. Tuy nhiên, khi vì một lý do nào đó mà thực sự cần phải giảm thâm hụt, hãy nhớ rằng có một cách đơn giản và hiệu quả để làm điều đó: Giảm khoảng cách giữa đầu tư và tiết kiệm bằng cách giảm nợ công. Cuối cùng, thâm hụt thương mại xảy ra và được ứng phó bằng chính sách kinh tế vĩ mô, và chính sách thương mại tốt nhất là kiểm soát tài chính. Thật lạ là không chính trị gia Mỹ nào đề cập đến điều đó.
Bloomberg