Liệu tâm lý "risk off" đã được kích hoạt trở lại?
Tú Đỗ
Senior Economic Analyst
Nhu cầu đối với các tài sản trú ẩn đã gia tăng trong thời gian qua. Liệu điều này có báo hiệu cho một xu hướng mới hay chỉ là biến động ngắn hạn nhất thời?
Tâm lý e ngại rủi ro tiếp tục được duy trì trong nửa đầu của tuần này, một diễn biến không hề bất ngờ đối với những người theo sát thị trường trong thời gian qua. Tôi đã trao đổi với các traders trên thị trường về việc liệu những diễn biến gần đây cho thấy nhu cầu đã thực sự xuất hiện đối với các tài sản trú ẩn hay chỉ đơn thuần liên quan tới vấn đề thanh khoản và điều chỉnh vị thế. Câu trả lời mà tôi nhận được là gần như 50-50.
Một mặt, những lo lắng về dịch bệnh Covid-19 thực sự đang có tác động bao trùm thể hiện qua hành động giá của thị trường trong phiên ngày hôm qua. Dẫu vậy, triển vọng từ quá trình tiêm chủng và tỷ lệ bệnh nhân nhập viện ở mức thấp cho thấy việc tiếp tục gia tăng tỷ trọng tài sản trú ẩn có thể không phải là kịch bản có thể xảy ra trong thời gian tới.
Mặt khác, áp lực lạm phát từ giá cả hàng hóa đã hạ nhiệt đáng kể. Giá dầu WTI tương lai đã giảm 7.5% trong phiên ngày thứ 2, mức lớn nhất kể từ tháng 9/2020 và thấp hơn gần 15% so với mức đỉnh trong chu kỳ. Xu hướng này thậm chí vẫn còn dư địa để tiếp tục tiếp diễn. Đã có thêm nhiều những quan điểm cho rằng nền kinh tế toàn cầu đã chạm ngưỡng tăng trưởng, và áp lực lạm phát tới từ việc mở cửa nền kinh tế trở lại đã dần hạ nhiệt. Dẫu vậy, sẽ còn cần thêm thời gian để thị trường bắt đầu nói về câu chuyện giảm phát và điều này chắc chắn sẽ cần được hỗ trợ bởi các số liệu kinh tế được công bố trong thời gian tới.
Mối quan tâm của thị trường vào buổi sáng ngày hôm nay vẫn về việc liệu lợi suất có tiếp tục giảm hay đồng Yên Nhật sẽ tăng trở lại mức 108 so với đồng bạc xanh. Mọi chuyện hiện vẫn còn rất mù mờ. Dữ liệu từ Depository Trust & Clearing Corporation cho thấy các nhà đầu tư đã tham gia thị trường quyền chọn tiền tệ nhằm giảm thiểu bớt rủi ro khi đồng USD tăng chạm mức cao nhất kể từ 01/04 do tâm lý e ngại rủi ro lan rộng.
Nhìn chung, tại thời điểm hiện tại, bất kỳ giao dịch theo hướng nào cũng đều có lý. Như cách mà 1 trader chia sẻ: "Thật khó để mua vào đồng USD nếu chỉ dựa vào các yếu tố hỗ trợ hiện tại, tuy nhiên nếu ủng hộ đồng bạc xanh cũng không có gì là sai lầm cả."
Các thông tin trên mặt báo giờ cần được chú ý hơn, kể cả đối với các vấn đề tưởng đã cũ như Brexit. Tại thời điểm mà BOE chính thức thông báo thay đổi quan điểm chính sách sang thắt chặt, không có nhiều người còn để tâm tới rủi ro từ vấn đề quan hệ giữa Anh và EU. Tuy vậy, một khi thị trường đã vào guồng rất khó để có thể làm nó trệch hướng và những thông tin trên lại càng hỗ trợ cho xu hướng này. Không bất ngờ khi đồng Bảng Anh đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2.
Về nhận định đối với Bitcoin, hiện đang nhận được sự quan tâm lớn sau khi phá xuống dưới mức 30,000 USD. 2 mức đáy 28,817 - 28,824 USD trong từ tháng 1 tới tháng 6 đang có ý nghĩa quan trọng nhất. Đối với đồng USD, chỉ số Bloomberg Dollar Spot Index đang tạo ra các đỉnh và đáy cao dần. Hãy hướng sự chú ý tới tiến triển của đề xuất ngân sách trị giá 3.5 nghìn tỷ USD đang được thảo luận tại Thượng viện. Mặc dù vẫn còn quá sớm để kết luận, bất kỳ thông tin tiêu cực mới xuất hiện lúc này cũng đều có thể khuếch đại biến động của thị trường trong thời gian tới.
Bloomberg