Liệu Việt Nam sẽ tiếp tục tránh được khỏi mác thao túng tiền tệ trong báo cáo tháng 10 tới?
Tú Đỗ
Senior Economic Analyst
Việt Nam và Malaysia có thể sẽ tránh được mác thao túng tiền tệ trong báo cáo sắp tới của Bộ Tài chính Mỹ bất chấp đã vượt 3 tiêu chí của đạo luật 2015
Dự kiến Bộ Tài chính Hoa Kỳ sẽ công bố báo cáo tiền tệ bán niên của mình trong tháng 10 này. Trong đó, khu vực Đông Nam Á có thể một lần nữa tránh khỏi tầm ngắm của việc gắn mác thao túng tiền tệ, mặc dù số liệu cho thấy có 2 quốc gia trong khu vực này đã đạt các tiêu chí quan trọng.
Các tiêu chí xem xét thao túng tiền tệ từ phía Mỹ
Bộ Tài chính Mỹ sử dụng một số tiêu chí cụ thể nhằm đánh giá mức độ thao túng tiền tệ của từng quốc gia. Trong báo cáo đầu tiên dưới nhiệm kỳ Tổng thống Biden vào tháng 4/2021, một quốc gia bị gắn mác thao túng tiền tệ sẽ phải thỏa mãn tiêu chí của 2 bộ luật được thông qua vào năm 2015 và 1988. Trong khi đó, dưới thời ông Trump, chỉ các tiêu chí trong đạo luật 2015 được sử dụng.
Cụ thể, đạo luật 1988 quy định Bộ Tài chính cần xem xét việc một quốc gia có thực hiện thao túng tỷ giá hối đoái so với đồng USD nhằm mục đích ngăn chặn quá trình điều chỉnh cán cân thanh toán hoặc đạt được lợi thế cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại quốc tế.
Đạo luật 2015 đưa ra 3 tiêu chí chi tiết hơn trong việc đánh giá thao túng tiền tệ, bao gồm:
- Thặng dự thương mại hàng hóa với Mỹ ít nhất 20 tỷ USD trong giai đoạn 12 tháng;
- Thặng dư cán cân vãng lai với Mỹ ở mức ít nhất 2% trong giai đoạn 12 tháng;
- Thường xuyên can thiệp 1 chiều đối với tỷ giá thể hiện qua việc liên tục mua ngoại tệ ròng ít nhất 2% GDP trong 6/12 tháng.
Một quốc gia sẽ được đưa vào danh sách theo dõi của Bộ Tài chính Mỹ nếu vi phạm 2/3 tiêu chí trên hoặc có mức độ thặng dư thương mại lớn và mất cân đối với Mỹ. Một khi đã ở trong danh sách trên, các nước này sẽ phải chịu sự giám sát chặt chẽ trong ít nhất 2 kỳ báo cáo tiếp theo.
Tình hình tại khu vực Đông Nam Á
Trong báo cáo gần nhất vào tháng 4/2021, Bộ Tài chính Mỹ đã kết luận Việt Nam đã vượt cả 3 tiêu chí của đạo luật 2015. Tuy nhiên, theo đạo luật 1988, phía Mỹ cho rằng chưa có bằng chứng đầy đủ về việc Việt Nam can thiệp vào tỷ giá nhằm đạt được lợi thế cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại quốc tế. Do đó, Việt Nam đã được gỡ nhãn thao túng tiền tệ và sẽ tiếp tục phối hợp với phía Mỹ nhằm từng bước cải thiện các tiêu chí trên. Bên cạnh Việt Nam, Singapore cũng được xác định có mức thặng dư cán cân vãng lai với Mỹ tăng vọt trong giai đoạn đại dịch và có động thái can thiệp mạnh tới tỷ giá.
Diễn biến các đồng tiền tại khu vực Đông Nam Á so với đồng USD
Dữ liệu mới nhất tính tới tháng 6/2021 cho thấy Malaysia và Việt Nam là 2 nước đáp ứng cả 3 tiêu chí của đạo luật 2015 về thao túng tiền tệ. Trong đó, Việt Nam là nước duy nhất của khu vực Đông Nam Á cũng đáp ứng các tiêu chí này trong báo cáo tháng 4/2021.
Tuy vậy, chúng tôi cho rằng Bộ Tài chính Mỹ sẽ ít có khả năng gán nhãn thao túng tiền tệ với 2 quốc gia trên trong báo cáo sắp tới. Cơ quan này đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách thao túng tiền tệ trong báo cáo tháng 4. Chính quyền Biden đã sử dụng thêm tiêu chí từ đạo luật 1988 trong việc xác định mục đích của việc can thiệp vào tỷ giá khiến cho quá trình gắn mác thao túng tiền tệ diễn ra một cách thận trọng hơn so với dưới thời Donald Trump. Dẫu vậy, một khi cuộc khủng hoảng hiện tại đi qua, Mỹ có thể sẽ có động thái cứng rắn hơn đối với các quốc gia vi phạm cả 3 tiêu chí của đạo luật 2015.
Chúng tôi cũng dự báo Philippine sẽ được bổ sung vào danh sách theo dõi cùng với Singapore và Thái Lan trong báo cáo sắp tới.
Tình hình đáp ứng các tiêu chí hiện tại của các nước Đông Nam Á
Bloomberg