Lợi suất thực đang rung lên hồi chuông cảnh báo đối với đà tăng của các tài sản rủi ro toàn cầu.
Tú Đỗ
Senior Economic Analyst
Sự gia tăng trở lại của lợi suất thực có thể sẽ làm trật bánh xu hướng tăng hiện tại của các tài sản rủi ro
Đà tăng của cổ phiếu, tín dụng và các thị trường mới nổi đều dựa trên giả định chính sách tiền tệ nới lỏng được duy trì lâu dài và các mức định giá cao ngất hiện tại rất khó để được duy trì khi viễn cảnh thắt chặt chính sách đang dần hiện ra trước mắt.
Triển vọng tăng trưởng được thúc đẩy bởi các gói kích thích kinh tế đã gợi lại mối tương quan thuận giữa lợi suất thực và kỳ vọng lạm phát của Mỹ. Và điều này có thể sẽ kích hoạt dòng tiền đổ vào các tài sản có mức sinh lợi cao như cổ phiếu.
Kỳ vọng lạm phát hiện tại của thị trường hiện đã ở mức cao hơn mục tiêu của Fed là 2%. Mức lãi suất sát 0 của Fed đã đẩy lợi suất thực xuống mức âm sâu vào năm ngoái khi lợi suất danh nghĩa lúc đó vẫn thiếu đi sự hỗ trợ từ yếu tố tăng trưởng.
Trong bối cảnh triển vọng phục hồi kinh tế được hỗ trợ tích cực bởi các gói kích thích kinh tế mới, kỳ vọng về việc siết chặt chính sách trong tương lai đã gia tăng và loại bỏ bớt một yếu tố thuận lợi quan trọng đối với đà tăng giá của các tài sản rủi ro trong giai đoạn vừa qua. Khả năng chi tiêu tài khóa có thể tiếp tục gia tăng với những kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất sắp tới sẽ kiểm định khả năng đối phó của Fed đối với áp lực tăng lên lợi suất TPCP từ phía nguồn cung, điều đã kéo lợi suất thực tăng lên.
Điều này làm gia tăng khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed như đã diễn ra hồi năm 2013. Vào thời điểm đó, sự tăng vọt của lợi suất thực đã gây nên tác động tiêu cực tới các tài sản rủi ro khi chỉ số S&P 500 giảm 6% trong vòng 4 tuần và thị trường chứng khoán mới nổi đã sụt giảm khoảng 15%.
Lãi suất thực cao hơn có thể khiến đồng đô-la trở nên hấp dẫn hơn, nhất là tại thời điểm mà đồng bạc xanh đã ở trong trạng thái bán ròng lớn trong một thời gian dài. Điều này có thể sẽ đảo ngược xu hướng tăng của các tài sản rủi ro khi mà đồng đô-la chiếm ưu thế trong các giai đoạn tâm lý e ngại rủi ro gia tăng.
Ngoài ra, sự đảo chiều trong chu kỳ tín dụng của Trung Quốc cũng có thể làm dịu đà tăng của thị trường hàng hóa, một yếu tố gây áp lực lên lạm phát kỳ vọng và sau đó là lãi suất thực, khi mức bơm tín dụng tại nước này đã có xu hướng chậm lại.
Tất nhiên rằng, một mức tăng khiêm tốn của lợi suất thực trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng tích cực hoàn toàn có thể được hấp thụ và một đường cong lợi suất thực dốc hơn là điều mà các nhà làm luật muốn thấy. Tuy vậy, khả năng kiểm soát đà tăng trên vẫn sẽ là một thử thách khó khăn đối với Fed, trong đó kỳ hạn 5 năm là mức quan trọng cần theo dõi.
Với việc Fed tập trung vào việc đạt được toàn dụng lao động, chính sách kìm hãm lợi suất danh nghĩa nhiều khả năng sẽ được duy trì. Tuy vậy, cơ quan này có thể tiếp tục quan sát diễn biến thị trường thay vì có những động thái ngay lập tức.
Và mặc dù những lo ngại về lạm phát và khả năng thắt chặt chính sách của Fed có thể sẽ làm gia tăng nhu cầu với các tài sản khác ngoài trái phiếu, sự gia tăng của lợi suất thực mới chính là mối đe dọa lớn nhất đối với đà tăng của các tài sản rủi ro.