Lợi suất trái phiếu giảm sâu nói lên điều gì?
Đức Nguyễn
FX Strategist
Thị trường trái phiếu đang muốn nói rằng, đừng mong Fed sẽ thắt chặt chính sách sớm.
Lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm giảm sâu trong ngày hôm qua, từ 1.437% vào thứ Sáu tuần trước xuống còn 1.315% vào thứ Ba tuần này. Bước sang phiên thứ Tư, lợi suất tiếp tục giảm xuống dưới 1.3%.
Có hai tác nhân chính cho việc này.
Đầu tiên, dữ liệu PMI mảng dịch vụ không đạt kỳ vọng. Điều này đã dấy lên nghi ngờ về sức mạnh của các ngành dịch vụ tại Mỹ. Hơn nữa, lo ngại lạm phát tăng đang biến mất cùng với lo ngại Fed sẽ sớm thắt chặt chính sách tiền tệ và giảm bớt tốc độ mua tài sản (hiện Fed đang mua vào 120 tỷ USD chứng khoán mỗi tháng theo chương trình QE).
Hai yếu tố này đã kích hoạt một đợt bán tháo trên thị trường cổ phiếu, đẩy chỉ số Dow Jones khỏi đỉnh lịch sử với mức giảm 211 điểm, còn chỉ số S&P 500 cũng đã giảm 8 điểm vào phiên thứ Sáu.
Tuy vậy, tiền đang liên tục được đổ vào thị trường trái phiếu, đẩy giá lên cao và hạ thấp lợi suất. Đây là biểu đồ lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của tuần trước:
Sự thay đổi quan trọng trong tâm lý nhà đầu tư
Gần đây xuất hiện tình trạng hỗn loạn trên thị trường trái phiếu do lo ngại lạm phát tăng. Có vẻ như việc Fed nới lỏng chính sách trong hơn một năm trở lại đây bắt đầu có ảnh hưởng tới nền kinh tế và, cùng với khủng hoảng chuỗi cung ứng, khiến nhiều chỉ số giá quan trọng tăng mạnh.
Thị trường bắt đầu lo lắng. Fed có thể sẽ phải thắt chặt và ngừng bơm tiền cho các ngân hàng thương mại.
Nhưng chủ tịch Powell là người biết giữ lời. Ông nói rằng lạm phát tăng chỉ là tạm thời, nảy sinh do các vấn đề trong chuỗi cung ứng và dư âm của đại dịch Covid. Ngoài ra, ông cũng khẳng định rằng Fed không cần thay đổi lập trường, và vẫn sẽ tiếp tục mua vào 120 tỷ USD chứng khoán hàng tháng.
Kỳ vọng lạm phát suy giảm
Kỳ vọng lạm phát liên tục tăng trong nửa đầu năm nay. Điều này có thể thấy được ở đà tăng của lợi suất trái phiếu 10 năm.
Lãi suất đạt đỉnh vào ngày 19/3/2021. Cùng lúc đó, kỳ vọng lạm phát đạt khoảng 2.5%. Trong khoảng thời gian còn lại, kỳ vọng lạm phát dao động từ 2.4-2.6%, nhưng nhìn chung vẫn ổn định.
Nhưng sau đó kỳ vọng lạm phát dần giảm xuống vùng 2.35-2.45% khi những cuộc tranh luận về lạm phát và thay đổi chính sách chiếm lấy tâm điểm. Đến giờ, kỳ vọng lạm phát đã giảm xuống 2.3%. Và hậu quả là lợi suất trái phiếu 10 năm cũng đã giảm xuống dưới 1.3%.
Điều này đưa ta tới kết luận gì?
Mối quan tâm lớn nhất của giới đầu tư vẫn là về chương trình QE của Fed. Có vẻ như chủ tịch Powell và Fed tới giờ đang giành phần thắng, ít nhất là trên số liệu. Nhiều khả năng sẽ không có quá nhiều áp lực lạm phát, và giới đầu tư cũng đang tin là như thế.
Do vậy, thị trường đang nói rằng đừng kỳ vọng nhiều vào khả năng Fed và chủ tịch Powell sẽ thay đổi hướng đi lúc này. Fed sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh tế phục hồi.
Giá trị của đô la sẽ đi xuống. Nếu Fed tiếp tục mua vào chứng khoán và nếu tổng thống Biden tiếp tục triển khai các kế hoạch tài khóa, chính sách kinh tế của Mỹ sẽ nới lỏng hơn rất nhiều các quốc gia khác.
Đây là tiền đề cho sự suy giảm của USD trong tương lai. Và các nhà đầu tư nên để ý kỹ tới điều này. Fed sẽ tiếp tục bảo hộ cho hệ thống ngân hàng, thị trường tài chính và nền kinh tế. Các nhà đầu tư vẫn sẽ giữ vững niềm tin của mình vào Fed.
Seeking Alpha