Lượng reverse repo của Fed tăng mạnh trước suy đoán các quan chức Nhật Bản sẽ can thiệp vào đồng Yên
Đặng Thùy Linh
Junior Analyst
Ngân hàng trung ương các nước khác đang tham gia vào ít nhất một công cụ điều hành chính sách tiền tệ của Fed sau khi quan chức Nhật Bản cảnh báo sẽ hành động để ngăn đồng Yên tiếp tục mất giá.
Tính đến ngày 27/03, các NHTW nước ngoài đã mua 354 tỷ USD hợp đồng reverse repo của Fed, tăng từ mức 349 tỷ USD của tuần trước. Đây là mức cao nhất kể từ 31/1. Ngược lại, dữ liệu của Fed cho thấy lượng TPCP do các NHTW nước ngoài nắm giữ giảm 5.6 tỷ USD xuống còn 2.93 nghìn tỷ USD trong cùng kỳ.
Tương tự như cơ sở RRP nội địa, RRP nước ngoài cho phép các đối tác có thể gửi tiền mặt qua đêm tại Fed. Các cơ quan quản lý tiền tệ như Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có thể gửi một lượng lớn tiền ở đây để sinh lời thay vì đầu tư vào TPCP hoặc các chứng khoán khác. Khi cần, họ có thể rút tiền khỏi cơ sở này mà không gây xáo trộn thị trường.
Động thái tham gia vào cơ sở RRP của nước ngoài tăng lên diễn ra sau khi đồng Yên trượt dốc xuống mức thấp nhất trong 34 năm so với đồng USD, khiến các quan chức cấp cao của Nhật Bản phải đưa ra cảnh báo trước sự suy yếu của đồng tiền này. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki hôm thứ Tư đã cam kết sẽ thực hiện "các biện pháp táo bạo nhằm ngăn chặn những biến động quá mức" và cho biết chính phủ sẽ không loại trừ bất kỳ biện pháp nào sau khi USD/JPY tăng vọt lên mức 151.97.
Trước khi Nhật Bản can thiệp để bảo vệ đồng Yên vào tháng 10/2022, các ngân hàng trung ương đã đẩy số tiền tham gia vào hợp đồng reverse repo lên mức kỷ lục, đạt 333 tỷ USD tại thời điểm đó, nhưng con số này cũng ghi nhận đà giảm mạnh nhất trong 5 tháng ngay vào cuối tháng đó.
Theo số liệu mới nhất của Bộ Tài chính, dự trữ ngoại hối của Nhật Bản đạt gần 1.15 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 2, giảm 11 tỷ USD so với tháng trước. Khoảng 155.2 tỷ USD được gửi tại Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) và các ngân hàng trung ương nước ngoài khác, tăng nhẹ so với mức 154.9 tỷ USD vào cuối tháng 1.
Bloomberg