[Market Brief 16.01.2023]: Chứng khoán Mỹ tăng điểm tuần thứ hai liên tiếp
Nguyễn Vũ Phương Nam
Junior Analyst
Chứng khoán tăng điểm vào phiên giao dịch thứ Sáu tuần trước khi giới đầu tư đánh giá báo cáo thu nhập của các ngân hàng và hy vọng rằng Fed có thể giảm tốc độ tăng lãi suất trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt
Cả ba chỉ số chứng khoán của Mỹ đều giảm điểm khi mở cửa, bị ảnh hưởng bởi báo các thu nhập của các ngân hàng mặc dù chúng đã được dự đoán phần nào. Giới đầu tư đã bỏ qua những tin tức tiêu cực sau đó. Tâm lý người tiêu dùng Mỹ được cải thiện và kỳ vọng lạm phát giảm, như được nhận định qua cuộc khảo sát của Đại học Michigan vào thứ Sáu, cũng đã hỗ trợ cho thị trường. Các chỉ số chính đã chuyển sang sắc xanh để đóng cửa ngày và tuần ở mức cao hơn. Lợi suất trái phiếu Mỹ tăng vào thứ Sáu trong khi USD đi ngang.
Sau báo cáo CPI của Mỹ được công bố vào thứ Năm tuần trước, các nhà hoạch định chính sách của Fed đã bày tỏ sự nhẹ nhõm khi lạm phát tiếp tục hạ nhiệt trong tháng 12 và chuẩn bị cho khả năng giảm tốc độ tăng lãi suất. Tuy nhiên, họ tiếp tục kỳ vọng lãi suất sẽ tăng trên 5% và giữ nguyên ít nhất cho đến hết năm nay. Ngược lại, trong khi HĐTL lãi suất Fed phần lớn định giá 25 điểm cơ bản vào ngày 1/2, họ đang định giá tổng cộng mức tăng chưa đến 60 điểm cơ bản lên 4.9% vào tháng 6, sau đó là các đợt cắt giảm lãi suất với tổng cộng khoảng 50 điểm cơ bản vào cuối năm 2023.
Tuần trước, chỉ số Dow Jones tăng 2%, S&P500 tăng 2.7% và Nasdaq tăng 4.8%. Euro Stoxx 50 tăng 3.3%. Chỉ số DXY giảm 1.6% xuống 102.20 trong tuần trong khi EUR/USD tăng khoảng 190 pip lên 1.0830.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm giảm 1.5 điểm cơ bản xuống 4.23% trong tuần trong khi lợi suất 10 năm giảm 5 điểm cơ bản xuống 3.50%. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Đức và Anh lần lượt giảm 4 điểm cơ bản xuống 2.17% và 10 điểm cơ bản xuống 3.37% vào tuần trước. Giá dầu thô WTI trên sàn NYMEX đã tăng hơn 8% lên 79.86 USD khi thị trường lạc quan với việc Trung Quốc mở cửa trở lại. Vàng tăng 2.9% lên 1,920 USD.
Đối với dữ liệu của Hoa Kỳ, chúng ta đã có:
1) Tâm lý người tiêu dùng tháng 1 của Đại học Michigan cao hơn dự kiến là 64.6 (ước tính của Bloomberg: 60.7) so với 59.7 trước đó. Chỉ số kỳ vọng cũng cao hơn ở mức 62.0 so với 59.9 trước đó. Kỳ vọng lạm phát 1 năm giảm xuống 4.0% so với 4.4% trước đó, mức thấp nhất trong một năm rưỡi. Kỳ vọng dài hạn đối với lạm phát bình quân 5-10 năm ở mức 3.0%, cao hơn một chút so với mức 2.9% của tháng 12; và
2) Chỉ số giá xuất khẩu tháng 12 tăng 5.0% YoY so với 6.1% trước đó và chỉ số giá nhập khẩu tăng 3.5% so với 2.7% trước đó.
Trong tuần này, hôm nay là Ngày Martin Luther King Jr. ở Mỹ nên thị trường sẽ không giao dịch và công bố dữ liệu. Ngày mai, chỉ số sản xuất Empire State tháng 1 sẽ được công bố. Vào thứ Tư, thị trường sẽ nhận được báo cáo Beige Book của Fed, doanh số bán lẻ sơ bộ lần đầu, chỉ số PPI, sản xuất công nghiệp và chỉ số thị trường nhà ở từ NAHB. Thứ Năm sẽ có dữ liệu khởi công nhà ở, giấy phép xây dựng, triển vọng kinh doanh của Philly Fed và đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu. Vào thứ Sáu, doanh số bán nhà hiện có sẽ được công bố.
Trên thị trường ngoại hối, USD/JPY đã giảm 3.2% xuống 127.87 vào tuần trước khi lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản tăng vọt. Vào thứ Sáu tuần trước, lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm của Nhật Bản đã vượt qua mức trần mới của ngân hàng trung ương là 0.5% và có thời điểm đạt 0.545%, buộc BoJ phải thông báo mua trái phiếu khẩn cấp ổn định thị trường. Thị trường sẽ chú ý đến cuộc họp chính sách của BoJ kéo dài hai ngày đến thứ Tư tuần này. Giới đầu tư sẽ chú ý xem liệu BoJ có đưa ra sự sửa đổi chính sách mới để giảm bớt tác dụng phụ của việc mở rộng biên độ mục tiêu lợi suất 10 năm vào tháng trước.
Trong khi đó, AUD/USD đã tăng 90 pip lên 0.6970 vào tuần trước.
Commerzbank