[Market Brief 26.06.2023]: Cổ phiếu và lợi suất trái phiếu đồng loạt suy yếu
Lê Nhật Thanh
Junior Analyst
Diễn biến chính trong phiên giao dịch thứ Sáu tuần trước là tâm lý risk-off.
Các nhà đầu tư đã đánh giá lại triển vọng lãi suất của các ngân hàng trung ương sau phiên điều trần hai ngày của Chủ tịch Fed Jerome Powell, khi ông khẳng định Fed sẽ tăng lãi suất nhiều hơn trong thời gian tới. Ngoài ra, các ngân hàng trung ương ở châu Âu, bao gồm Anh, Na Uy, Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng đã tăng lãi suất trong cuộc họp tuần trước. Chứng khoán Mỹ đã giảm vào phiên giao dịch thứ Sáu tuần trước và trong cả tuần. Lợi suất trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ giảm trong phiên thứ Sáu nhưng dao động 2 chiều trong tuần. Chỉ số USD đã tăng trong cả phiên giao dịch thứ Sáu và trong cả tuần.
Các thị trường sẽ theo dõi sát sao diễn biến chiến tranh Nga-Ukraine sau tình trạng hỗn loạn vào cuối tuần vừa rồi. Cuộc nổi dậy của nhóm lính đánh thuê Wagner đã dừng lại sau khi Điện Kremlin đưa ra thỏa thuận nhằm chấm dứt căng thẳng giữa hai bên. Nhóm lính đánh thuê đã đóng vai trò then chốt trong cuộc chiến ở Ukraine. Cuộc nổi dậy ngắn ngủi là phép thử lớn đối với quyền lực của Tổng thống Putin và nó đặt ra câu hỏi về tương lai của cuộc chiến ở Ukraine. Hợp đồng tương lai dầu thô và chứng khoán Mỹ tăng nhẹ vào đầu phiên châu Á. EUR/USD tăng trong khi JPY và AUD không có nhiều thay đổi.
Tại Mỹ, Bộ trưởng bộ Tài chính Janet Yellen cho biết bà nhận thấy nguy cơ Mỹ rơi vào suy thoái đang giảm dần. Bà nói “tỷ lệ cược của tôi, nếu có, sẽ giảm xuống - bởi vì hãy nhìn vào khả năng phục hồi của thị trường lao động và số liệu lạm phát đang giảm.” Yellen cho rằng việc chi tiêu của người tiêu dùng suy giảm có thể là cái giá phải trả để kiềm chế lạm phát.
Trong lời khai của Chủ tịch Fed Jerome Powell trước Quốc hội vào tuần trước, ông cho biết cuộc chiến mang lạm phát trở lại mục tiêu 2% của Fed “còn một chặng đường dài phía trước” và “gần như tất cả” cử tri tại cuộc họp FOMC tháng 6 đều kỳ vọng các đợt tăng lãi suất tiếp theo vào cuối năm. Ông cũng nói rằng Fed sẽ điều chỉnh lãi suất với “tốc độ thận trọng” từ đây vì “chúng ta đang ở gần đích đến của hành trình này”.
Chủ tịch Fed San Francisco Mary Daly nói rằng hai đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay là một dự đoán “rất hợp lý”. Bà nói thêm rằng tốt hơn là nên tăng lãi suất chậm và cẩn thận hơn trước đây, vì ranh giới giữa việc làm quá ít và làm quá nhiều hiện giờ rất mong manh.
Quan chức Fed Michelle Bowman cũng cho biết bà tin rằng các đợt tăng lãi suất chính sách tiếp theo sẽ là “cần thiết” để lãi suất đạt đến mức đủ hạn chế giúp lạm phát giảm trong lâu dài, do lạm phát lõi về cơ bản đã ổn định kể từ mùa thu năm 2022. Chủ tịch Fed Richmond Tom Barkin cho biết ông không tin rằng lạm phát đang trên đà ổn định xuống mục tiêu 2%, nhưng nói thêm rằng ông sẽ không dự đoán kết quả của cuộc họp chính sách tháng 7 của ngân hàng trung ương.
Thứ Sáu tuần trước, DJIA, S&P500 và Nasdaq Composite Index lần lượt giảm 0.7%, 0.8% và 1.0%. Trong cả tuần, chúng lần lượt giảm 1.7%, 1.4% và 1.4%. Euro Stoxx 50 giảm 0.8% vào thứ Sáu tuần trước và 2.8% trong tuần. Chỉ số DXY đã tăng 0.5% vào thứ Sáu tuần trước lên 102.90 và tăng 0.7% trong tuần. EUR/USD đã giảm 60 pip vào thứ Sáu tuần trước xuống 1.0890 và giảm 40 pip trong tuần. USD/JPY đã tăng 190 pip vào tuần trước lên 143.70 và AUD/USD giảm hơn 190 pip trong tuần xuống 0.6680.
Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm của Hoa Kỳ giảm 5 điểm cơ bản xuống 4.74% vào thứ Sáu tuần trước nhưng tăng 3 điểm cơ bản trong tuần. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã giảm 6 điểm cơ bản vào thứ Sáu tuần trước xuống 3.73% và giảm 3 điểm cơ bản trong tuần. Lợi suất 10 năm của Đức giảm 12 điểm cơ bản xuống 2.35% trong khi lợi suất 10 năm của Anh giảm 9 điểm cơ bản xuống 4.32% trong tuần. Ngân hàng Anh (BoE) duy trì giọng điệu diều hâu và không thay đổi định hướng chính sách về các đợt tăng lãi suất tiếp theo sau đợt tăng lãi suất 50 điểm cơ bản bất ngờ vào thứ Năm tuần trước.
Giá dầu thô WTI trên sàn NYMEX đã giảm 0.5% xuống 69.16 USD vào thứ Sáu tuần trước và giảm 3.7% trong tuần, chịu áp lực từ các yếu tố tiêu cực bao gồm việc ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất và tăng trưởng suy yếu ở Trung Quốc. Vàng tăng 0.4% vào thứ Sáu nhưng giảm 1.9% trong tuần xuống 1,921 USD.
Các số liệu được công bố vào thứ Sáu tuần trước bao gồm:
- PMI sản xuất tháng 6 của S&P Global giảm xuống 46.3 (Bloomberg dự kiến: 48,5) so với 48.4 trước đó. PMI dịch vụ tháng 6 giảm xuống 54.1 (Bloomberg dự kiến: 54.0) so với 54.9 trước đó;
- Chỉ số Hoạt động Dịch vụ tháng 6 của Fed Kansas đã tăng lên 14 so với 3 của tháng Năm.
Trong tuần này, chỉ số hoạt động sản xuất tháng 6 của Fed Dallas sẽ được công bố hôm nay. Vào thứ Ba, chỉ số giá nhà S&P CoreLogic Case-Shiller cho tháng 4, đơn đặt hàng lâu bền và doanh số bán nhà mới cho tháng 5, khảo sát niềm tin của người tiêu dùng Conference Board, chỉ số sản xuất và điều kiện kinh doanh của Fed Richmond và hoạt động dịch vụ của Fed Dallas cho tháng 6 sẽ được công bố.
Vào thứ Năm, báo cáo GDP quý I chính thức và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu sẽ được công bố. Thị trường dự kiến GDP sẽ được điều chỉnh tăng nhẹ từ 1.3% lên 1.4% QoQ so với báo cáo sơ bộ lần 2.
Tâm điểm vào thứ Sáu sẽ là chỉ số PCE. Thị trường kỳ vọng lạm phát PCE sẽ tăng 0.1% MoM so với 0.4% trong tháng 4 và lạm phát PCE lõi duy trì ở mức 0.4% MoM. Điều này đồng nghĩa với việc lạm phát PCE ở mức 3.8% YoY so với 4.4% trước đó và lạm phát PCE lõi ở mức 4.7% YoY, không thay đổi so với tháng Tư. Thu nhập, chi tiêu cá nhân cho tháng 5 và số liệu tâm lý người tiêu dùng chính thức của Đại học Michigan cho tháng 6 cũng sẽ được công bố.
Commerzbank