(Market Sentiment - Phân tích vị thế thị trường vàng) Nắm giữ của Big Boyz lên mức kỷ lục, khối lượng giao dịch tăng vọt, sự kỳ vọng vào việc vàng sẽ tiếp tục bùng nổ!
Market Sentiment, gold, forex, ETF
Có lẽ khái niệm phân tích vị thế (Positioning Analysis) vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Tuy nhiên cá nhân tôi đánh giá đây là một dạng phân tích không thể thiếu, nếu như bạn giao dịch hàng hoá, và cụ thể là vàng.
Muốn lần theo dấu chân của những Big Boyz trên thị trường vàng, một là quan sát nắm giữ của các quỹ ETF (trong số đó lớn nhất là SPDR và Ishares) hàng ngày vì nó thể hiện dòng tiền vào/ra thị trường kim loại quý. Về khối lượng giao dịch, do giá cổ phiếu quỹ SPDR và Ishares là mô phỏng của giá vàng, bạn có thể sử dụng dữ liệu về khối lượng giao dịch thật của 2 nhóm này, cá nhân tôi đánh giá đây là chỉ báo “volume” thu nhỏ của thị trường cực tốt, thay vì sử dụng dữ liệu “Tick Volume” (số lần nến nhảy trong 1 khung thời gian) của các Forex Brokers.
Trong khi đó, báo cáo COT của CFTC công bố lúc 3:30pm giờ NY thứ Sáu, tổng hợp số liệu giao dịch Future hàng tuần tính đến hết thứ Ba trước đó 3 ngày. Điều quan trọng cần quan sát là vị thế của “Money Manager” trên CFTC, đây là các nhà quản lý quỹ có thiên hướng đầu cơ và có kiến thức tốt nhất thị trường. Khối lượng giao dịch Option, Open Interest cũng sẽ cho chúng ta hiểu được sâu hơn về thiên hướng thị trường.
Một điều khá chắc chắn trên thị trường vàng là khi ETF và Money Manager cùng có sự hội tụ về vị thế giao dịch thì xu hướng của vàng thường được xác nhận khá chắc chắn cho giai đoạn tiếp theo, do đây là các nhà giao dịch có tính định hướng cực cao theo phân tích vĩ mô.
Từ giữa tháng 12/2019, tôi đã đưa ra quan điểm cực kỳ tích cực về vàng trong ngắn và dài hạn qua một số bài phân tích. Tuy nhiên cách đây khoảng 10 ngày, tôi đã nghĩ đến việc vàng có thể có một đợt điều chỉnh sâu khi nhìn về tháng Ba thường là tháng thể hiện yếu nhất của vàng theo góc độ chu kỳ, trong khi kỳ vọng đỉnh dịch Corona đang ở gần, và sự phân kỳ về vị thế nắm giữ xuất hiện khi ETF mua ròng điên cuồng nhưng “Money Manager” lại giảm vị thế “Net Long” liên tục từ đầu năm. Tuy nhiên ngay từ thứ Sáu tuần trước tôi đã lưu ý việc vàng luôn tăng mạnh trong phiên cuối tuần để “Hedging” cho rủi ro qua tuần về virus Corona từ đầu năm 2020 (thống kê đang có tỷ lệ 100% tính đến hết tuần này) và rạng sáng thứ 7 tuần trước sau khi dữ liệu CFTC công bố cho thấy Money Manager đã mua ròng trở lại thì tôi đã đánh giá lại quan điểm cũ và cập nhật kỳ vọng vàng có thể tăng lên vùng 1600 trong tuần này, và vàng đã tăng vượt xa mọi kỳ vọng lên mức cao nhất 7 năm tại 1649 hôm qua.
Sáng nay trong báo cáo COT tuần từ 11-18/2 vừa công bố thì Money Manager đã tăng Net Long thêm 54.837 hợp đồng từ 229.369 lên 284.206 hợp đồng - mức cao kỷ lục trong lịch sử, tăng tới 23.9% (mỗi hợp đồng là 1 lot, tương đương 5.48 triệu ounce), đây là con số rất lớn. Trong khoảng giai đoạn này thì giá vàng nằm trong biên độ 1561-1605, và phiên gần nhất đã “break out”. Và thực tế là cả ETF (mua ròng 22 phiên) và Money Manager đều đã đúng. Chúng ta thấy điều gì? Các nhà đầu tư có tịnh định hướng này đang giữ quan điểm rất “Bullish” về vàng trong thời gian tới khi mà vị thế nắm giữ của họ đều cùng chạm mức cao nhất mọi thời đại.
Khối lượng giao dịch Option cũng tăng kỷ lục. Đã có hơn 155k hợp đồng quyền chọn mua trao tay thứ Sáu tại sàn Comex, vượt qua kỷ lục tháng Tám năm ngoái. Ngoài ra, khối lượng cổ phiếu quỹ SPDR giao dịch cuối tuần qua cũng ở mức rất cao khi vàng tăng.
Về lý do mua vàng, các nhà đầu tư có định hướng đang kỳ vọng vào việc tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm xuống do tác động của virus Corona (lợi suất dài hạn toàn cầu giảm và đường cong lợi suất đảo ngược), và đánh giá FED sẽ tiếp tục hạ lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm nay, cùng lo ngại về sự lan rộng của virus bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.
Tôi đang nghĩ về việc mức đỉnh ở vùng 1900 của năm 2011 sẽ xuất hiện trở lại ngay trong năm nay, khi so sánh về vị thế của Big Boyz trong lịch sử. Còn bạn thì sao?
(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của LeeBK, chart Bloomberg)