Một loạt bài toán khó nhằn đang chờ đợi ''kẻ chiến thắng'' trong cuộc bầu cử Anh

Một loạt bài toán khó nhằn đang chờ đợi ''kẻ chiến thắng'' trong cuộc bầu cử Anh

Quỳnh Chi

Quỳnh Chi

Junior Editor

13:52 01/07/2024

Những ''kẻ chiến thắng'' trong cuộc bầu cử Anh vào thứ Năm tới - dự kiến sẽ chấm dứt 14 năm cầm quyền của đảng Bảo thủ - sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai.

Nền kinh tế khó tăng trưởng, các dịch vụ y tế và công cộng chịu áp lực nặng nề, trong khi ngân sách nhà nước hạn hẹp để khắc phục tình hình. Ngoài ra còn cả vấn đề nhập cư và xây dựng nhà ở.

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đảng Lao động đối lập của Keir Starmer dẫn trước đáng kể so với đảng Bảo thủ của Thủ tướng Rishi Sunak. Dưới đây là một số nhiệm vụ chính mà chính phủ mới sẽ phải đối mặt.

Kinh tế

Giống như nhiều quốc gia giàu có khác, Anh chỉ đạt mức tăng trưởng kinh tế chậm chạp trong phần lớn thời gian sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009.

Từ năm 2010, khi đảng Bảo thủ lên nắm quyền, tốc độ tăng trưởng của Anh có phần nhỉnh hơn Đức, Pháp hay Ý, nhưng không đáng kể.

Tuy nhiên, nếu tính theo đầu người - do dân số Anh tăng mạnh nhờ nhập cư - thì từ 2010 đến nay, tăng trưởng của Anh thấp hơn Đức và kém xa Mỹ.

Mức sống của người dân Anh đang đối mặt với nguy cơ suy giảm lần đầu tiên trong một nhiệm kỳ quốc hội kể từ thập niên 1950.

Thủ tướng Sunak cho rằng nền kinh tế đang bắt đầu phục hồi sau đại dịch COVID và cú sốc giá năng lượng. Trong khi đó, lãnh đạo đối lập Starmer hứa hẹn đảng Lao động sẽ đem lại tăng trưởng bền vững mạnh mẽ nhất trong nhóm G7.

Kể từ khi đại dịch COVID bùng phát, nền kinh tế Anh đã trở thành nền kinh tế yếu thứ hai trong nhóm G7.

Tỷ lệ nghèo

Tỷ lệ nghèo tiếp tục giảm nhưng đã chậm lại kể từ năm 2010.

Theo Viện Nghiên cứu Tài chính (IFS), tỷ lệ nghèo tuyệt đối - đo lường số người có thu nhập dưới 60% mức trung vị - giảm nhanh gấp 5 lần trong 13 năm tính đến năm tài chính 2009 - 2010 so với giai đoạn sau đó.

Gần đây, các thước đo khác tỷ lệ nghèo cũng xấu đi, cho thấy rõ hơn tác động của lạm phát cao đối với các hộ nghèo.

Trong giai đoạn 2019 - 2020, có 4% người trưởng thành trong độ tuổi lao động không đủ khả năng ''sưởi ấm nhà cửa'' một cách đầy đủ. Ba năm sau, con số này đã tăng lên 11%.

Lượng di cư

Các chính phủ Bảo thủ liên tiếp đã không đạt được mục tiêu giảm lượng di cư ròng, ngay cả sau khi Anh rời EU và chấm dứt quyền tự do đi lại cho người lao động trong khối này.

Hiện có nhiều lao động từ các nước EU rời Anh hơn là đến, nhưng số người đến từ các nước khác - đặc biệt là Ấn Độ và Nigeria - đã tăng mạnh.

Số lượng di cư ròng giảm xuống còn 685,000 vào năm 2023 từ mức kỷ lục 764,000 vào năm 2022 nhưng gần gấp bốn lần so với mức của năm 2019 khi cựu lãnh đạo Đảng Bảo thủ, ông Boris Johnson hứa, trước cuộc bầu cử năm đó, sẽ hạ thấp con số này.

Tình trạng thiếu lao động

Một trong những lý do nhập cư tăng mạnh là do thiếu hụt lao động.

Các nhà tuyển dụng gặp khó khăn trong việc tìm người kể từ sau đại dịch, khi số người mắc bệnh mãn tính đạt mức cao kỷ lục và số lượng sinh viên cũng tăng lên.

Anh là nước duy nhất trong nhóm G7 ghi nhận tình trạng thiếu lao động cao hơn so với trước đại dịch COVID-19.

Đảng Bảo thủ dự kiến thắt chặt quy định về trợ cấp ốm đau dài hạn. Đảng Lao động cho rằng sẽ giải quyết vấn đề bằng cách đầu tư nhiều hơn vào hệ thống y tế.

Y tế

Hệ thống y tế đang gặp khó khăn. Số người chờ điều trị thuộc diện không khẩn cấp, vốn đã tăng từ 2010 đến đầu 2020, đã tăng vọt sau khi COVID bùng phát và đạt gần 8 triệu người vào cuối 2023 chỉ riêng tại Anh, gần gấp đôi so với bốn năm trước.

Danh sách chờ đã giảm nhẹ trong những tháng gần đây, nhưng Cơ quan Y tế Quốc gia vẫn còn xa mới đạt mục tiêu trong vòng 18 tuần. Cơ quan này cũng không đạt mục tiêu điều trị kịp thời cho bệnh nhân thuộc diện khẩn cấp.

Kể từ năm 2010, chi tiêu y tế điều chỉnh theo lạm phát đã tăng chậm hơn so với mức tăng trung bình kể từ thập niên 1950, trong bối cảnh dân số đang tăng và già hóa.

Xây dựng nhà ở

Một lời hứa khác mà đảng Bảo thủ có vẻ sẽ không thực hiện được là tăng cường xây dựng nhà mới, sau khi gặp phải sự phản đối đối với kế hoạch tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc xây dựng.

Trong 12 tháng tính đến cuối tháng 3/2023, chỉ có hơn 234,000 ngôi nhà mới được xây dựng ở Anh, con số này liên tục thấp hơn mục tiêu 300,000 đặt ra cho giữa thập kỷ 2020.

Năng suất và đầu tư

Yếu tố then chốt để chính phủ mới có cơ hội giải quyết nhiều thách thức cấp bách nhất của Anh sẽ là khả năng đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế, từ đó đưa nhiều tiền hơn vào túi hộ gia đình và kho bạc nhà nước

Để làm được điều đó, cần cải thiện năng suất vốn yếu kém. London và Đông Nam nước Anh là hai khu vực duy nhất ở Anh có sản lượng trên giờ cao hơn mức trung bình quốc gia.

Cần có nhiều đầu tư tư nhân hơn, nhưng các công ty đã thận trọng về đầu tư kể từ năm 2016, năm diễn ra cuộc trưng cầu dân ý Brexit, dẫn đến nhiều năm bất ổn chính trị.

Investing

Broker listing

Cùng chuyên mục

Chi tiêu hộ gia đình Nhật Bản giảm tháng thứ hai liên tiếp
Minh Anh

Minh Anh

Junior Editor

Chi tiêu hộ gia đình Nhật Bản giảm tháng thứ hai liên tiếp

Chi tiêu của các hộ gia đình Nhật Bản đã giảm trong tháng 9, đây đã là tháng thứ hai liên tiếp theo dữ liệu từ chính phủ công bố vào thứ Sáu. Nguyên nhân là do giá cả tăng khiến người tiêu dùng hạn chế chi tiêu, gây lo ngại cho kế hoạch tăng lãi suất của BoJ.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ