Một tương lai tươi sáng phía trước với châu Âu sẽ ảnh hưởng thế nào đến chính sách của ECB
Ngô Văn Thịnh
Economic Analyst
Triển vọng cho nền kinh tế khu vực đồng euro đã sáng lên đáng kể kể từ cuộc họp chính sách tiền tệ cuối cùng của Ngân hàng Trung ương Châu Âu vào tháng 4.
Các biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát Covid-19 đang được dỡ bỏ trên khắp châu Âu. Tiến trình tiêm chủng đang tăng tốc sau khi khởi đầu chậm chạp. Hoạt động kinh doanh, niềm tin của người tiêu dùng và lạm phát đều tăng trở lại mạnh mẽ.
Nhưng một loạt các thành viên hội đồng ECB cho biết họ vẫn thấy có ít lý do để thay đổi chính sách tại cuộc họp hôm thứ năm này, và chủ tịch Christine Lagarde thậm chí còn nói vào cuối tháng trước rằng còn "quá sớm" để thảo luận về kế hoạch đánh giá lại chương trình mua trái phiếu 80 tỷ euro một tháng.
Lạm phát trong khối 19 quốc gia sử dụng đồng tiền chung châu Âu tăng vọt lên 2% trong tháng 5 từ mức 1.6% của tháng trước, lần đầu tiên vượt mục tiêu của ngân hàng trung ương trong hơn 2 năm. Tuy nhiên, các quan chức ECB cho biết đây là mức tăng tạm thời và sẽ giảm dần trong năm tới, có nghĩa là ngân hàng trung ương cần duy trì lập trường chính sách hỗ trợ lâu hơn.
Hầu hết các nhà kinh tế đều đồng ý với quan điểm trên. Holger Schmieding, nhà kinh tế trưởng tại Berenberg, cho biết: “Do mức lạm phát tăng đột biến hiện nay chỉ phản ánh các yếu tố tạm thời, ECB có thể đủ khả năng duy trì chính sách hỗ trợ trong 3 tháng nữa”.
Vấn đề là một số quốc gia, chẳng hạn như Đức, được kỳ vọng sẽ phục hồi nhanh hơn những quốc gia khác như Ý và Tây Ban Nha, mà cơ quan xếp hạng tín dụng Moody's cho biết trong một báo cáo tuần trước, “sẽ đặt thách thức cho ECB trong việc điều chỉnh một chính sách tiền tệ chung” .
Tuy nhiên, Moody’s nói thêm: “Chúng tôi tin rằng ECB sẽ duy trì chính sách tiền tệ có tính hỗ trợ cao trong vài năm tới, sau khi các nền kinh tế tương đối mạnh như Đức đã cạn kiệt năng lực dự phòng.”
Martin Arnold, FT