Mùa vụ củ cải đường ở Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi La Nina tạo đà tăng cho giá đường
Giá đường thô tuần qua đã tăng liên tục trong 3 phiên đầu tuần, sau đó hạ nhiệt vào 2 phiên ngày thứ năm và thứ sáu. Giá đường bắt đầu tuần ở mức 18.50 cent/lbs, đã có lúc đạt mức 19.30 cent/lbs (gần mức cao nhất trong 1 tháng qua) rồi kết thúc tuần 18.90 cent/lbs
Giá đường thô tuần qua đã tăng liên tục trong 3 phiên đầu tuần, sau đó hạ nhiệt vào 2 phiên ngày thứ năm và thứ sáu. Giá đường bắt đầu tuần ở mức 18.50 cent/lbs, đã có lúc đạt mức 19.30 cent/lbs (gần mức cao nhất trong 1 tháng qua) rồi kết thúc tuần 18.90 cent/lbs. Động lực chính thúc đẩy giá đường trong tuần vừa qua là việc tình hình thời tiết cực đoan La Nina ở Trung Quốc gây ảnh hưởng trực tiếp lên sản lượng đường của quốc gia này, đồng thời làm gia tăng thâm hụt cung-cầu trên thế giới. Mặt khác giá dầu tăng cao cũng góp phần thúc đẩy đà tăng của giá đường.
Tình hình giá rét ở Trung Quốc gây tổn hại nghiêm trọng đến mùa vụ củ cải đường
Giới đầu tư trên thị trường đường thô thế giới trong tuần qua đã bày lo mối lo lắng của họ trên thị trường khi sản lượng đường của một trong những quốc gia nhập khẩu hàng đầu thế giới là Trung Quốc sụt giảm. Để đáp ứng cho nhu cầu của thị trường tỷ dân, Bắc Kinh có thể thực hiện các động thái gia tăng thu mua thậm chí là ồ ạt, qua đó tạo ảnh hưởng mạnh đến chuyển động của giá đường.
Công ty chuyên tư vấn về đường và nhiên liệu sinh học Green Pool đã cắt giảm dự báo sản lượng đường Trung Quốc niên vụ 2021/22 xuống mức dưới 10 triệu tấn do tình hình thời tiết cực đoan La Nina đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến quốc gia này. Cụ thể, mức sản lượng dự báo của Trung Quốc niên vụ này sẽ chỉ đạt 9.95 triệu tấn, giảm 0.65 triệu tấn (6.1%) so với niên vụ 2020/21 (đây sẽ là lần đầu tiên sản lượng đường Trung Quốc thấp hơn 10 triệu tấn trong 5 năm). Nếu tình hình băng giá trở nên tồi tệ hơn, sản luợng thậm chí có thể chỉ đạt 9.5 triệu tấn. Trước đó, trong báo cáo tháng 11 của USDA, sản lượng đường của Trung Quốc dự kiến đạt 10.3 triệu tấn trong niên vụ 2021/22.
Sản lượng đường Trung Quốc qua các niên vụ (Đvt: Triệu tấn)
Thâm hụt cung cầu toàn cầu trong niên vụ 2021/22 trên toàn cầu sẽ đạt mức 1.9 triệu tấn
Với việc sản lượng đường của Trung Quốc niên vụ này đang đứng trước nguy cơ giảm mạnh do tác động từ La Nina, các nhà phân tích từ StoneX đã giảm mức sản lượng đường toàn cầu dự kiến của mình trong niên vụ 2021/22. Cụ thể, StoneX dự báo cả thế giới sẽ sản xuất được khoảng 186.5 triệu tấn đường trong niên vụ 2021/22 (tính từ tháng 10/2021 – tháng 09/2022), tăng 1.5% so với niên vụ trước. Tuy nhiên con số này lại thấp hơn 0.14 triệu tấn so với dự báo hồi tháng 11/2021 cũng của StoneX.
Do đó, có thể nhận thấy việc sụt giảm sản lượng đường tại Trung Quốc đã kéo theo sự suy giảm của sản lượng đường thế giới, kèm theo đó tình trạng thâm hụt đường toàn cầu cũng gia tăng. StoneX cho rằng thâm hụt cung-cầu đường của toàn thế giới niên vụ này sẽ đạt mức 1.9 triệu tấn, tăng 0.1 triệu tấn so với dự báo hồi tháng 11. Trước đó, vào cuối tháng 12, S&P Global đã đưa ra dự báo rằng thâm hụt cung – cầu sẽ ở mức 1.5 triệu tấn.
Cung - cầu đường trên thế giới (Đvt: triệu tấn)
Giá dầu tăng góp phần làm thúc đẩy giá đường
Việc các cuộc chiến liên tục nổ ra ở Trung Đông cũng như căng thẳng quân sự giữa Nga và Ukraine đã khiến nhiều nhà phân tích quan ngại về việc thiếu hụt nguồn cung dầu trên thế giới. Điều này đã tạo động lực thúc đẩy giá dầu tăng liên tục trong nhiều phiên vừa qua và đã có lúc vượt 87$/thùng. Việc giá dầu tăng cao có thể làm các nhà máy mía đường của Brazil quyết định chuyển qua sản xuất ethanol thay vì đường.
Trong tình trạng cán cân cung – cầu vẫn nghiêng về phía cầu như hiện nay, quyết định trên có thể làm ảnh hưởng mạnh tới thâm hụt cung – cầu trong niên vụ này, qua đó tạo thêm hỗ trợ thúc đẩy giá đường. Vì thế, trong ngắn hạn, yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng tới giá đường sẽ là giá dầu cũng như tình trạng nguồn cung – cầu dầu thô trên thế giới. Nếu giá dầu tiếp tục đà tăng sẽ giúp thúc đẩy giá đường, ngược lại nếu giá dầu giảm sẽ khiến cho giá đường có thể trượt khỏi xu hướng tăng ngắn hạn của mình. Một yếu tố nữa cần chú ý là thời tiết giá rét ở Trung Quốc, vì nếu tình hình trở nên nghiêm trọng hơn, sản lượng của Trung Quốc có thể sẽ giảm thêm 0.5 triệu tấn so với dự báo, qua đó làm trầm trọng thêm thâm hụt cung – cầu trên thế giới, tiếp sức thêm cho đà tăng của giá đường.
Phân tích kĩ thuật
Giá đường kết thúc phiên cuối tuần qua đang giao động quanh vùng 19 cent, trong trung hạn ở giai đoạn hiện tại giá vẫn trong kênh giá giảm tuy nhiên trong những khung thời gian nhỏ hơn lực mua đã dần tăng lên sau khi phá qua vùng trendline giảm ngắn hạn 18.6 cent.
Về mặt kỹ thuật, chỉ số RSI cho thấy phe mua vẫn đang chiếm ưu thế. Giá nhiều khả năng chỉ tích lũy trong một vài phiên trước khi bứt phá lên mức đỉnh cũ. Các nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ lệnh mua ở vùng 18.6 cent hoặc có thể mở thêm vị thế khi giá hồi lại và chốt lời ngắn hạn ở vùng 19.3 cent.
Nếu lực mua đủ lớn tác động tới giá quanh vùng 19.3 cent thì khả năng cao giá sẽ tiếp tục tăng mạnh theo xu hướng sau khi bứt phá khỏi kênh giá giảm hiện tại và mực tiêu sẽ hướng tới vùng giá 20 cent.
Bài phân tích được thực hiện bởi đội ngũ Phân tích CTCP Saigon Futures - TVKD xuất sắc của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam năm 2020. Mọi thắc mắc về thị trường và tư vấn đầu tư, Quý NĐT vui lòng liên hệ:
- Hotline: 0286 686 0068
- Website: https://saigonfutures.com/
- Fanpage: Saigon Futures Inc.