Mục tiêu tăng trưởng 5% của Trung Quốc liệu chỉ là lời "hứa suông"?
Đặng Thùy Linh
Junior Analyst
Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay khi giới lãnh đạo nỗ lực thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Nhưng đối với một số chuyên gia phân tích, việc Thủ tướng Li Qiang không đưa ra phương hướng chi tiết để đạt được điều đó có thể sẽ tạo ra thêm gánh nặng cho quốc gia.
Thủ tướng Li Qiang đã tuyên bố Trung Quốc sẽ duy trì mục tiêu tăng trưởng từ năm ngoái trong kỳ họp Quốc hội thường niên khai mạc vào ngày 05/03. Điều đó cho thấy tín hiệu rõ ràng rằng Bắc Kinh đang muốn "chấm dứt" sự suy thoái của nền kinh tế, đánh dấu năm thứ hai liên tiếp Bắc Kinh không hạ mục tiêu kinh tế của mình trong một thập kỷ. Lần gần đây nhất là năm 2018, thời điểm bắt đầu cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Mặc dù ông nói với các đại biểu rằng cần có sự hỗ trợ trên “tất cả các mặt trận”, nhưng báo cáo thường niên của ông gửi cơ quan lập pháp không mang lại nhiều hiệu quả tài chính: Thâm hụt của chính phủ vẫn duy trì và thiếu các động thái tích cực nhằm thúc đẩy tiêu dùng hoặc các chính sách mới để giải quyết cuộc khủng hoảng bất động sản. Việc quốc gia châu Á này rơi vào chuỗi giảm phát dài nhất kể từ những năm 1990 không được giải quyết trực tiếp.
Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Natixis SA cho biết: “Đây là mục tiêu không có kế hoạch, họ không hiểu được mức độ nghiêm trọng của tình hình. Bạn sẽ hỗ trợ tiêu dùng như thế nào khi tiền lương đang giảm, giảm phát xảy ra?"
Thứ Tư sẽ diễn ra buổi họp báo với Thống đốc NHTW Pan Gongsheng, cùng với Bộ trưởng Bộ Thương mại và Tài chính, cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu của quốc gia, và Tân Chủ tịch Ủy ban chứng khoán.
Đây là lần đầu tiên trong vòng một thập kỷ, nhiều quan chức kinh tế hàng đầu sẽ tổ chức một cuộc họp báo chung thay vì họp báo riêng lẻ. Bắc Kinh cũng đột ngột hủy bỏ cuộc họp thường niên của Thủ tướng lần đầu tiên sau ba thập kỷ, sự chú ý hiện đổ dồn vào từng Bộ trưởng.
Điều đó càng đẩy sự chú ý sang nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, người dường như đang đặt cược vào sự phục hồi của khu vực tư nhân. Tân Hoa Xã đưa tin hôm thứ Ba rằng Chủ tịch Tập Cận Bình đã phát biểu tại một cuộc họp gồm các đại biểu quốc hội từ tỉnh Giang Tô - nơi được biết đến với khu vực tư nhân lớn - để hỗ trợ các công ty tư nhân và “thúc đẩy niềm tin của toàn xã hội vào sự phát triển”.
Trong khi nền kinh tế trị giá 18 nghìn tỷ USD của Trung Quốc đã giảm tốc trong hơn một thập kỷ, thì sự suy giảm ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn trong hai năm qua, với mức tăng trưởng trung bình chỉ trên 4% một chút.
Tăng trưởng suy yếu trùng hợp với những nỗ lực của Tập Cận Bình nhằm đặt khả năng tự chủ về công nghệ và an ninh quốc gia ngang hàng với phát triển kinh tế. Đồng thời, các biện pháp kích thích mạnh hiện đã vượt quá giới hạn vì giới lãnh đạo cấp cao không muốn đặt trọng tâm vào thị trường bất động sản để thúc đẩy tăng trưởng và cố gắng kiểm soát nợ của chính quyền địa phương.
Li Daokui, giáo sư tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, cố vấn chính sách cho Chính phủ, cho biết mục tiêu tăng trưởng năm nay sẽ “khá quyết liệt” do cơ sở so sánh cao hơn so với năm 2023. “Tôi nói điều này một cách công khai với Thủ tướng, Trung Quốc cần những chính sách tích cực hơn để thúc đẩy tiêu dùng”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình Bloomberg.
Thủ tướng Li đã nhắc lại chương trình trao đổi hàng tiêu dùng của ông Tập để khuyến khích tiêu dùng, theo Goldman Sachs Group ước tính có thể đóng góp thêm 0.6% vào GDP trong năm nay.
Với tỷ lệ thanh niên thất nghiệp vẫn ở mức cao, chính phủ Trung Quốc cho thấy cấp bách khi đặt mục tiêu tạo việc làm ở thành thị ở trên 12 triệu việc làm trong năm nay, mức cao lịch sử, nhưng không nêu chi tiết bất kỳ chính sách mới nào để đạt được điều đó.
Thủ tướng chỉ đạo các quan chức định hướng lại tăng trưởng theo hướng “lực lượng sản xuất mới”, một khẩu hiệu được ông Tập đưa ra, đề cập đến các ngành công nghệ cao. Cụm từ đó làm tăng thêm lo ngại rằng chính sách của Trung Quốc sẽ tập trung vào việc mở rộng nguồn cung nền kinh tế trong khi nhu cầu trong nước yếu, dẫn đến giảm phát và căng thẳng thương mại quốc tế.
“Thúc đẩy lực lượng sản xuất mới không có nghĩa là bỏ rơi các ngành công nghiệp truyền thống. Chúng ta phải ngăn chặn tình trạng bầy đàn & bong bóng, và chúng ta không nên đi theo một mô hình”, ông Tập nói. Báo cáo của thủ tướng cũng kêu gọi cắt bớt công suất dư thừa ở một số lĩnh vực mà không đưa ra thông tin cụ thể.
Bắc Kinh tiếp tục tái cân bằng nợ từ cấp địa phương đến cấp quốc gia, và nói rằng chính quyền trung ương sẽ thường xuyên phát hành trái phiếu chính phủ dài hạn để hỗ trợ chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, các quan chức vẫn thận trọng với mục tiêu phát hành 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (139 tỷ USD), có quy mô tương đương với đợt phát hành năm ngoái.
Theo ước tính của BNP Paribas SA, thâm hụt tài chính tổng thể sẽ vẫn giữ nguyên như năm 2023. Ngân sách ngụ ý tổng chi tiêu tài chính sẽ chỉ tăng 1% vào năm 2024, theo các nhà kinh tế tại Nomura Holdings.
Các nhà hoạch định chính sách tỏ ra nhạy cảm với những lo ngại về tính bền vững của trái phiếu quốc tế sau khi Moody's hạ triển vọng đối với trái phiếu chính phủ Trung Quốc xuống mức âm vào tháng 12. Huang Shouhong, giám đốc văn phòng nghiên cứu của Hội đồng Nhà nước, người tham gia vào kế hoạch của chính phủ, cho biết năm nay sẽ “dành dư địa chính sách để giải quyết các rủi ro và thách thức tiềm ẩn”.
Mục tiêu kinh tế của Trung Quốc
Bắc Kinh có thể bổ sung thêm nhiều biện pháp kích thích, sau khi các quan chức thực hiện đợt sửa đổi ngân sách hiếm hoi vào giữa năm 2023. Các công cụ không tính vào thâm hụt của chính phủ, chẳng hạn như tài trợ của ngân hàng trung ương cho các dự án cơ sở hạ tầng và nhà ở, là một lựa chọn khác. .
Jing Liu, Kinh tế trưởng về Trung Quốc tại HSBC, cho biết mặc dù chi tiêu thực tế rồi sẽ mạnh hơn mức ngân sách đề ra, điều quan trọng là các nhà hoạch định chính sách cũng như chính phủ cần bổ sung thêm nhiều biện pháp hỗ trợ bất động sản. Nhưng chúng tôi vẫn chưa biết họ đang ở đâu.”
Bloomberg