Mỹ - Bàn tay ngầm xáo trộn thị trường trái phiếu châu Âu
Đinh Nguyễn Trường Giang
Junior Analyst
Thị trường trái phiếu châu Âu đang bước vào quý IV với các mức lợi suất trái phiếu 10 năm tăng lên mức cao nhất trong một thập kỷ. Nhưng không có nguyên nhân rõ ràng gây ra đà tăng này, mà thay vào đó, có thể là kết quả của những biến động từ bên kia đại Tây Dương.
Mặc dù Ý và Pháp đã công bố ước tính thâm hụt ngân sách đáng lo ngại, nhưng không có điều gì mới mẻ nếu ta nhìn vào bối cảnh kinh tế châu Âu thời điểm hiện tại. Điểm khác biệt ở đây chính là đà tăng không ngừng của lợi suất trái phiếu Mỹ và sức mạnh của USD. Chỉ số DXY đã tăng 6% kể từ giữa tháng 7, với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng 75 điểm cơ bản trong cùng khoảng thời gian đó. Châu Âu không có khả năng chống cự trước những áp lực này, đặc biệt khi giá dầu thô tiệm cận mức 100 USD/thùng. Mặc dù báo cáo lạm phát có ghi nhận tiến triển, với giá cả cơ bản tăng nhẹ nhất trong một năm, có ít lý do thuyết phục hơn để đầu tư vào tài sản EUR hoặc GBP khi USD mạnh như vậy.
Có một sự chuyển dịch nguồn vốn ra khỏi trái phiếu đang diễn ra, mặc dù lợi suất ngày càng cao, nhu cầu đang không đủ cao để hấp thụ nguồn cung khổng lồ. Cuối quý III đã trải qua nhiều biến động, với tháng 9 khó khăn đối với hầu hết các loại tài sản. Theo Kit Juckes, chiến lược gia tiền tệ trưởng tại Societe Generale SA, "thế giới phải chuyển thêm một phần vốn của mình vào trái phiếu Mỹ với lợi suất cao hơn, và lợi suất cao sẽ xử lý phần còn lại, khiến USD mạnh lên do tiền ở lại Mỹ, hoặc được hút vào Mỹ."
Trong mùa hè, lợi suất Ý tăng nhanh tương đương lợi suất Mỹ, nhưng trái phiếu chính phủ tại Pháp và Đức tăng mạnh hơn tới 50 điểm cơ bản. Có sự lo ngại của nhà đầu tư rằng thâm hụt ngân sách Ý bị điều chỉnh tăng cùng lúc với dự báo tăng trưởng bị điều chỉnh giảm. Những dự báo này vẫn quá lạc quan.
Nhưng điều quan trọng đối với Liên minh châu Âu chính là liệu nó có nằm trong giới hạn cho phép, về mặt chính trị hay không. Thủ tướng Ý Giorgia Meloni chắc chắn là đang kiểm tra những giới hạn đó, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu bà làm quá. Bài học của khủng hoảng đồng Euro là cùng nhau giải quyết vấn đề là cách duy nhất
Pháp, với nợ công còn lớn hơn Ý hiện nay, cũng sẽ vi phạm quy tắc ngân sách của Liên minh châu Âu trong năm nay và năm 2024. Tuy nhiên, thâm hụt ngân sách trong EU vẫn ở mức cao tương đương thời điểm đại dịch - chỉ là với tốc độ tăng chậm hơn. Chênh lệch lợi suất trái phiếu Ý 10 năm so với Đức đã từ 30 điểm cơ bản trong tháng 7 lên 190 điểm cơ bản hiện tại nhưng chỉ ngang với mức đầu năm nay. Một số phiên đấu thầu trái phiếu tiêu cực có thể đã làm tồi tệ tâm lý nhà đầu tư và nghiêm trọng hóa tình hình tại châu Âu - nhưng kẻ đứng sau, không ai khác ngoài Mỹ.
Bloomberg