Nền kinh tế Hoa Kỳ đã thực sự rơi vào suy thoái?
Nguyễn Thanh Lịch
Junior Analyst
Cảnh báo suy thoái đang tăng lên từng ngày sau những quyết định cứng rắn của Fed để đối phó với lạm phát đang trên đỉnh nhiều thập kỷ.
Đầu tiên, NHTW đã tăng lãi suất thêm 75bps trong tháng Sáu, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1994. Theo sau đó, NHTW Hoa Kỳ cũng đã tăng lãi suất Fed mục tiêu lên 150bps trong năm nay, và công bố thu hẹp bảng cân đối kế toán khổng lồ 9 nghìn tỷ USD.
Tại hội nghị thường niên ECB ở Bồ Đào Nha thứ Tư, Chủ tịch Fed Jerome Powell một lần nữa nhấn mạnh rằng chống lạm phát là ưu tiên hàng đầu của NHTW mặc cho nguy cơ rơi vào suy thoái kinh tế.
Đánh giá theo dữ liệu mới nhất, tăng trưởng kinh tế Mỹ đã chậm lại đáng kể trong tháng Sáu, triển vọng kinh tế trong quý III cũng không mấy sáng sủa.
Bên cạnh đó, niềm tin người tiêu dùng cũng đang ở mức báo động cho một cuộc suy thoái sắp tới.
Tại thời điểm này, một cuộc suy thoái dường như không thể tránh khỏi. Nhưng câu hỏi đặt ra là, khi nào thì nó sẽ bắt đầu?
Nếu theo như công cụ theo dõi GDPNowcast của Atlanta Fed, cho ước tính về tăng trưởng GDP thực sử dụng dữ liệu kinh tế có sẵn và phương pháp tương tự với Cục Phân tích Kinh tế Hoa Kỳ, thì Mỹ đã ở trong một cuộc suy thoái kỹ thuật.
Theo mô hình ước tính, tăng trưởng quý II năm 2022 tính đến ngày 30/06 đã giảm xuống còn -1.0% so với mức +1.3% vào ngày 01/06.
Như vậy, cùng với mức tăng trưởng đạt -1.6% trong quý I thì đây có thể coi là một suy thoái kỹ thuật, khi GDP âm 2 quý liên tiếp.
Thú vị là, cuộc khảo sát các chuyên gia Phố Wall của Deutsche Bank cho thấy 17% tin rằng cuộc suy thoái đã bắt đầu trong năm nay, cao hơn 13% so với tháng trước, trong đó hơn 1/3 cho rằng kinh tế đã rơi vào suy thoái.
S&P500 kết thúc nửa đầu năm tệ nhất kể từ năm 1970, giảm 20.6% tính tới thời điểm hiện tại và giảm 22% so với đáy ngày 3 tháng 1, đáp ứng điều kiện đủ cho một thị trường gấu.
Trong khi đó, rổ cổ phiếu công nghệ Nasdaq, đã rơi vào thị trường gấu đầu năm nay, giảm 29.5% so với đầu năm và giảm 32% so với ngày 19 tháng 11 năm 2021, đánh dấu đà giảm kỷ lục trong 6 tháng.
Dow Jones giảm 15.3% trong nửa đầu năm nay, đợt giảm mạnh nhất kể từ năm 1962, chỉ số cũng đã giảm gần 17% kể từ vùng đỉnh mọi thời đại đầu năm.
Áp lực lạm phát leo thang làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng và doanh nghiệp, thúc đẩy Fed tăng tốc độ thắt chặt chính sách, cùng với các vấn đề về chuỗi cung ứng toàn cầu, sẽ khiến viễn cảnh kinh tế nửa cuối năm 2022 còn xám xịt.
Investing