Ngài Powell liệu sẽ giải bài toán "Taper tantrum" bằng cách nào?
Tú Đỗ
Senior Economic Analyst
Bối cảnh thị trường hiện tại có nhiều nét tương đồng vào thời điểm năm 2011 trước khi cơn bão "Taper tantrum" đổ bộ.
Kịch bản mà thị trường không mong muốn nhất vào thời điểm hiện lại đó là sự trở lại của cơn bão "Taper tantrum" xảy ra hồi năm 2013 khi Fed quyết định thu hẹp tốc độ nới lỏng chính sách tiền tệ. Điều này hoàn toàn có lý do khi bối cảnh hiện tại có nhiều nét tương đồng đáng ngạc nhiên với thời điểm năm 2011.
Quay trở lại thời điểm năm 2011, thế giới vẫn đang trong giai đoạn đầu của quá trình phục hồi dẫn dắt bởi các gói kích thích kinh tế. Fed giữ chắc lãi suất điều hành ở sát mức 0% và tiếp tục duy trì chương trình nới lỏng định lượng thứ 2 của mình (QE2). Mặt bằng lạm phát trên toàn cầu bắt đầu đột ngột tăng tốc dấu cho lạm phát cơ bản vẫn ở trong tầm kiểm soát. Lạm phát tổng thể của Mỹ đã tăng từ mức 1.1% y/y vào tháng 11/2010 lên mức 3.9% y/y vào tháng 9/2011, trong khi đó lạm phát cơ bản vẫn thấp hơn mục tiêu 2% cho tới tận tháng 8/2011. Nguyên nhân chính là do xu hướng tăng nhanh và liên tục của giá thực phẩm từ tháng 6/2010 tới tháng 2/2011, và cộng hưởng với sự tăng vọt của giá năng lượng từ cuối năm 2010 dưới tác động của phong trào Mùa xuân Ả-rập.
NHTW Mỹ khi đó, với Ben Bernanke giữ ghế chủ tịch, kiên quyết giữ quan điểm nới lỏng do cho rằng nền kinh tế vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn và sức ép của lạm phát chỉ là nhất thời. Người tiêu dùng đã chi tiêu thỏa mái trở lại tuy nhiên những nhà làm luật vẫn tập trung nhiều hơn vào thị trường lao động, vốn đang phải vật lộn để phục hồi sau khủng hoảng. Điều này khiến cho kỳ vọng lạm phát 2 năm của Mỹ tăng vọt lên mức trên 2.65% vào tháng 4/2011 và cũng là mức đỉnh cho tới tuần vừa qua.
Bất chấp xu hướng nới lỏng tại các nước phát triển, Trung Quốc đã thắt chặt lại chính sách tiền tệ của mình do lo ngại về bong bóng tài sản. Một số thị trường mới nổi khác cũng đã có động thái tương tự.
Đồng đô-la khi đó đang nằm trong xu hướng giảm trong nhiều tháng sau khi tạo đỉnh vào đầu năm 2010. Lợi suất thực 2 năm chạm mức đáy dưới mức -2% vào tháng 4/2011 trước khi tăng mạnh trong vài năm sau đó dù vẫn ở mức âm. Tuy nhiên, lợi suất toàn cầu khi đó lại chịu áp lực tăng do những lo ngại về nợ chính phủ gia tăng sau cuộc khủng hoảng nợ công khu vực Eurozone. Chủ tịch Fed Bernanke nhấn mạnh sự bấp bênh của tình trạng thâm hụt ngân sách đối với nước Mỹ dù cho vẫn tiếp tục cam kết với thị trường sẽ hỗ trợ nhiều hơn về chính sách.
Có thể thấy rằng bối cảnh kinh tế, chính sách, lạm phát và thị trường vào đầu năm 2011 có nét tương đồng kỳ lạ với tình hình hiện tại. Điểm khác biệt lớn nhất có lẽ là thị trường chứng khoán khi đang được định giá tương đồng với thời kỳ bong bóng dot-com. Điều này là rất đáng lo ngại. Trong năm 2011, chỉ số S&P 500 đã tạo đỉnh vào tháng 4 và sau đó giảm 19.4% vào đầu tháng 10. Mức giảm tỉnh từ đỉnh xuống đáy là 21.6%.
Liệu chủ tịch Jerome Powell hiện tại có thể trấn an thị trường tốt hơn hay không? Điều này vẫn là một dấu hỏi. Chúng ta đều biết rằng ông Powell giữ quan điểm nới lỏng và vẫn sẵn sàng bổ sung thêm nhiều sự hỗ trợ hơn nữa, tuy vậy điều thị trường lo sợ lúc này đó chính là lạm phát. Những trấn an về việc chưa có dấu hiệu cho việc tăng kéo dài của lạm phát có thể sẽ tạm thời làm dịu thị trường trong ngắn hạn. Tuy nhiên, việc mọi người bắt đầu tích trữ hàng hóa để phòng ngừa lạm phát sẽ như một vòng tròn khép kín đẩy lạm phát tăng ngày một cao hơn. Mặt khác, nếu ông Powell gây sốc bằng việc ám chỉ khả năng thu hẹp nới lỏng tiền tệ, sự hoảng loạn trên thị trường trái phiếu sẽ lan rộng ra toàn bộ thị trường tài chính.
Hiện vẫn chưa rõ các nhà làm luật sẽ làm cách nào để lèo lái thị trường trong 6 tháng tới và tránh khiến cho thị trường chứng khoán rơi vào nhịp điều chỉnh lớn. Về mặt tích cực, họ đã cho thấy mình sẵn sàng thực hiện các biện pháp vô tiền khoáng hậu so với trước đây. Về mặt tiêu cực, các nhà đầu tư cần cẩn trọng về khả năng ông Powell có thể sẽ nhìn lại bài học của năm 2011 và quyết định cần có những điều chỉnh thích hợp để có lợi cho nền kinh tế, dù có thể sẽ có tác động tiêu cực tới thị trường tài chính. Dù quyết định có như nào chăng nữa, ít nhất vị chủ tịch Fed đã chọn một thời điểm thích hợp để xem xét.