Ngân hàng Signature đối mặt với điều tra hình sự sau khi đóng cửa
Nguyễn Thanh Thùy Dung
Junior Analyst
Các công tố viên và Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch đang nỗ lực điều tra, rà soát các giao dịch giữa Ngân hàng Signature và các khách hàng tiền điện tử để phát hiện ra hành vi rửa tiền, trước khi các cơ quan quản lý bất ngờ yêu cầu ngân hàng dừng hoạt động vào cuối tuần trước.
Theo nguồn tin ẩn danh, các điều tra viên Bộ Tư pháp ở Washington và Manhattan đang kiểm tra xem Signature có thực hiện đầy đủ các bước để phát hiện khả năng rửa tiền của khách hàng hay không - như xem xét kỹ lưỡng những người mở tài khoản và rà soát các giao dịch để tìm dấu hiệu tội phạm. Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán cũng đang điều tra.
Phát ngôn viên ngân hàng và Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang, nắm quyền kiểm soát công ty, đã không phản hồi lại những thắc mắc. Đại diện của Bộ Tư pháp, Văn phòng Luật sư Hoa Kỳ tại Manhattan và SEC từ chối bình luận. Nhưng người phát ngôn của SEC, người chỉ đề cập đến các vụ án dân sự, đã chỉ ra một tuyên bố của giám đốc Gary Gensler vào Chủ nhật, khi các nhà chức trách hành động để hỗ trợ các nhà băng và đóng cửa Signature.
Giám đốc SEC cho biết vào thời điểm đó: “Chúng tôi sẽ điều tra và đưa ra các biện pháp thực thi nếu chúng tôi thấy vi phạm luật chứng khoán liên bang."
Ngân hàng và các nhân viên ngân hàng vẫn chưa bị cáo buộc có hành vi sai trái và cuộc điều tra có thể kết thúc ngay lập tức. Không rõ các cuộc điều tra liên quan đến Ngân hàng Signature bắt đầu từ khi nào và liệu điều này có ảnh hưởng gì đến quyết định đóng cửa ngân hàng vào Chủ nhật hay không. Các cơ quan quản lý cho biết họ đã mất niềm tin vào ban điều hành vì ngân hàng không cung cấp được “dữ liệu nhất quán và đáng tin cậy”.
Phía FDIC đã bắt đầu tìm kiếm người mua.
Các cơ quan giám sát tài chính và quan chức của Bộ Tư pháp đã nhiều lần cảnh báo rằng các công ty hỗ trợ giao dịch tiền điện tử phải thận trọng trong việc xác định khách hàng và đảm bảo dòng tiền hợp pháp. Đặc biệt, các ngân hàng có nghĩa vụ báo cáo bất kỳ giao dịch đáng ngờ nào cho cơ quan liên bang.
“FBI và các đối tác của chúng tôi vẫn kiên định với cam kết giữ cho thị trường tiền điện tử hay bất kỳ thị trường tài chính nào không xảy ra hoạt động bất hợp pháp”, Michael Driscoll, trợ lý giám đốc phụ trách văn phòng FBI New York, cảnh báo sau khi Hoa Kỳ đưa ra cáo buộc vi phạm của một chủ sàn giao dịch tiền điện tử vào tháng 1.
Các cơ quan quản lý đã gây áp lực buộc các ngân hàng và các công ty được quản lý khác rút lui khỏi thị trường tiền điện tử và các tài sản khác để hạn chế rủi ro tiềm ẩn đối với hệ thống tài chính. Signature sụp đổ sau tập đoàn Silvergate Capital, một công ty cũng phục vụ cho ngành công nghiệp tiền điện tử. Trước Signature vài ngày, SVB cũng tuyên bố phá sản.
Cả ba ngân hàng hiện đang phải đối mặt với sự giám sát của chính phủ. Silvergate đang bị Bộ Tư pháp điều tra về các giao dịch với sàn FTX đã ngừng hoạt động của Sam xoăn và Alameda Research. Các công tố viên liên bang và SEC cũng đang xem xét sự sụp đổ của SVB, bao gồm cả việc liệu việc bán cổ phiếu của các CEO có vi phạm các quy tắc giao dịch hay không.
Sau sự sụp đổ của FTX vào tháng 11, ban điều hành của Signature cho biết họ dự định giảm tới 10 tỷ USD tiền gửi từ các khách hàng tài sản kỹ thuật số, vào thời điểm đó chiếm hơn 1/5 tổng số tiền gửi của họ. Nhưng họ vẫn có kế hoạch giữ lại một ít.
“Chúng tôi sẽ không sụp đổ” Eric Howell, giám đốc điều hành của ngân hàng Signature, cho biết vào tháng 12. “Chúng tôi vẫn sẽ tham gia vào thị trường nhưng theo một cách đắn đo và cẩn trọng hơn.”
Bloomberg