Ngân hàng Thế giới lo ngại lãi suất cao sẽ chèn ép các quốc gia nhiều nợ
Đức Nguyễn
FX Strategist
Viễn cảnh lãi suất cao tiếp tục hạn chế nền kinh tế toàn cầu đang khiến các lãnh đạo Ngân hàng Thế giới lo lắng khi họ đánh giá tác động với các quốc gia đang phải gánh những khoản nợ lớn.
Cả chủ tịch Ajay Banga và kinh tế trưởng Indermit Gill đều cảnh báo rằng hậu quả từ sự chuyển đổi đột ngột sang kỷ nguyên lãi suất cao có thể rất khó khăn.
“Tôi thực sự nghĩ rằng lãi suất sẽ duy trì ở mức cao lâu hơn”, người đứng đầu Ngân hàng Thế giới nói với các phóng viên ở Marrakech, Maroc vào thứ Tư. “Đó có thể là một sự kiện phức tạp về nhiều mặt, đối với cả các nhà đầu tư cũng như những người đã quen với môi trường lãi suất thấp hơn trong nhiều năm.”
Trước đó Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo rằng lạm phát trong năm tới sẽ cao hơn dự báo trước đây, trong khi hầu hết thế giới hiện phải đối mặt với tăng trưởng yếu hơn trước.
“Bất chấp tất cả những cú sốc này, chúng tôi chưa thấy nền kinh tế lớn nào thực sự gặp khó khăn - nhưng tin tốt về cơ bản chỉ kết thúc ở đó, phải không?” ông Gill cho biết trong cuộc họp báo tại cuộc họp thường niên các ngân hàng toàn cầu. “Vấn đề bây giờ là, vì lãi suất cao, tốc độ tăng trưởng đang chậm lại rất nhiều.”
Ông trích dẫn ví dụ vào những năm 1970, khi Fed cũng duy trì lãi suất cao trong thời gian lâu dài và nói rằng một bài học từ đó là chu kỳ thắt chặt không chỉ mất một hoặc hai năm.
Ông nói: “Nó khiến khoảng 24 nền kinh tế bị phá sản. Ta có thể đoán trước rằng một số quốc gia sẽ gặp rắc rối ngay lúc này.”
Vấn đề là các quốc gia có khoản vay lớn sẽ phải đối mặt với hiệu ứng lấn át lên đầu tư tư nhân.
“Ví dụ, nếu bạn nhìn vào Brazil, nếu bạn nhìn vào một số quốc gia khác, họ không gặp khó khăn về nợ nần, nhưng do hiệu ứng lấn át của nợ công cao đối với đầu tư tư nhân, tốc độ tăng trưởng của Brazil liên tục giảm, và bạn đang thấy điều đó trên khắp thế giới,” ông Gill cho biết.
Ông Banga có bày tỏ chút lạc quan trong nhận xét của mình.
“Nền kinh tế thế giới tốt hơn những gì chúng ta mong đợi vào thời điểm này năm ngoái” và nói thêm rằng “không còn nghi ngờ gì nữa, lạm phát đã bắt đầu giảm”.
Bloomberg