Ngân hàng Trung ương Châu Âu họp khẩn thảo luận về tình hình thị trường
Nguyễn Vũ Phương Nam
Junior Analyst
Quyết định họp vào thứ Tư của ECB được đưa ra chỉ vài giờ trước quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ. Sau thông báo hôm thứ Tư, lợi suất trái phiếu đã giảm và đồng Euro tăng cao hơn so với đô la Mỹ.
Ngân hàng Trung ương châu Âu đã công bố một cuộc họp chính sách tiền tệ đột xuất vào thứ Tư, cùng thời điểm lợi suất trái phiếu của nhiều quốc gia Eurozone tăng vọt.
Người phát ngôn của ngân hàng trung ương cho biết “họ sẽ có một cuộc họp đột xuất để thảo luận về các điều kiện thị trường hiện tại.”
Chi phí đi vay của nhiều quốc gia đã tăng mạnh trong những ngày gần đây. Thước đo nỗi sợ hãi của châu Âu - chênh lệch lợi suất trái phiếu của Ý và Đức - đã nới rộng lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2020.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Ý kỳ hạn 10 năm cũng đã vượt mốc 4% vào đầu tuần này.
Các động thái trên thị trường trái phiếu có liên quan đến việc ngân hàng trung ương sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh hơn dự kiến trước đây.
Đồng thời, ECB tuần trước đã không cung cấp bất kỳ thông tin chi tiết nào về các biện pháp khả thi để hỗ trợ các quốc gia mắc nợ cao, càng làm gia tăng thêm lo ngại cho các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, sau thông báo hôm thứ Tư, lợi suất trái phiếu đã giảm và đồng Euro tăng cao hơn so với đô la Mỹ. EURUSD hiện tăng 0.7% lên 1.0480.
Cổ phiếu của các ngân hàng Ý cũng tăng sau thông báo. Intesa Sanpaolo và Banco Bpm đều tăng 5% trong phiên Âu.
Phản ứng của thị trường một số đang mong đợi ECB giải quyết những lo ngại về tình trạng phân mảnh tài chính và cung cấp thông tin rõ ràng về những biện pháp có thể thực hiện để hỗ trợ các quốc gia mắc nợ cao.
Quyết định họp vào thứ Tư của ECB cũng được đưa ra chỉ vài giờ trước quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ. Kỳ vọng của thị trường đang là tăng lãi suất 75bp, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1994.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết ông không lo ngại nếu các động thái của Fed sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Pháp.
Ông nói: “Điều quan trọng hiện nay và trong những tháng tới là kìm hãm lạm phát.”
Hành động khi cần thiết?
Thông báo hôm thứ Tư theo sau một bài phát biểu của một trong những thành viên ECB nhằm giải quyết một số tình trạng khó hiểu của thị trường gần đây về tình trạng phân mảnh tài chính.
Isabel Schnabel, thành viên ban điều hành của ECB, cho biết: “Cam kết của chúng tôi đối với đồng Euro là công cụ chống phân mảnh. Cam kết này không có giới hạn. Và chúng tôi luôn theo dõi để hỗ trợ cho cam kết này khi cần thiết. "
Một trong những thời điểm quan trọng nhất trong lịch sử của ECB diễn ra vào năm 2012 khi cựu Chủ tịch Mario Draghi cho biết ngân hàng trung ương sẽ làm "bất cứ điều gì cần thiết" để bảo vệ đồng tiền chung. ECB cũng được nhiều người coi là đã thúc đẩy đáng kể và kịp thời trước đại dịch coronavirus.
Sự phân mảnh tài chính là một rủi ro đối với khu vực đồng Euro. Mặc dù 19 thành viên có năng lực tài chính khác nhau, nhưng họ sử dụng chung một loại tiền tệ. Do đó, sự bất ổn ở một quốc gia có thể lan sang các quốc gia khác.
“Chúng tôi sẽ phản ứng với các trường hợp khẩn cấp bằng các công cụ mới và hiện có. Chắc chắn rằng, nếu và khi cần, chúng tôi có thể và sẽ triển khai các công cụ để đảm bảo việc thực hiện chính sách tiền tệ và do đó nhiệm vụ chính của chúng tôi là ổn định giá cả, ”Schnabel cho biết.
CNBC