Ngành chăn nuôi lợn phục hồi tại Trung Quốc, nhóm đậu tương kỳ hạn tăng điểm mạnh
Thị trường hàng hoá vào ngày 21/04 đã có một phiên giao dịch trái chiều
Diễn biến thị trường ngày 21/04/2022
Dầu thô đã có sự hồi kỹ thuật nhẹ sau phiên trước đó, nhưng vẫn không đủ để làm giá dầu bứt phá do bối cảnh vĩ mô vẫn đang là tâm điểm nóng. Đồng thời, giá đậu tương tăng nhờ nhu cầu cao của dầu đậu và khô đậu tương. Ngược lại, bán hàng lúa mì Mỹ trong tuần trước cũng cho thấy số liệu tiếp tục giảm so với tuần trước đó. Điều này đã gây sức ép tiêu cực lên cho giá, khiến mặt hàng này dường như không còn được hưởng lợi từ chiến sự giữa Nga và Ukraine.
Tin tức chung
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell đã báo hiệu rằng ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) có khả năng sẽ tăng lãi suất thêm nửa điểm phần trăm tại cuộc họp vào tháng tới và chỉ ra rằng các đợt tăng lãi suất tương tự sau đó gần như là chắc chắn để giảm áp lực lạm phát. Fed cũng đã cho biết họ sẽ chính thức công bố kế hoạch tại cuộc họp ngày 3-4 tháng 5 để bắt đầu thu hẹp danh mục tài sản trị giá 9 nghìn tỷ đô la vào tháng 6, một nỗ lực kép nhằm thắt chặt nền kinh tế để hạn chế áp lực giá đang ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ.
Thị trường đã nhận xét giọng điệu của Fed đã có phần mạnh mẽ hơn về việc thắt chặt chính sách tiền tệ khi Ông Powell cho biết: “Theo quan điểm của tôi, việc di chuyển nhanh hơn (trong việc tăng lãi suất) một chút là thích hợp” so với những gì Fed đã gần đây. Các quan chức Fed, bao gồm cả thống đốc Lael Brainard, người đang chờ Thượng viện xác nhận để làm phó chủ tịch ngân hàng trung ương, đã gần như nhất trí báo hiệu mong muốn tăng lãi suất nhanh chóng đến một bối cảnh trung lập hơn và không mang tính kích thích nữa.
Việc siết chặt lãi suất và các chính sách tiền tệ này cùng với dự báo ít khả quan hơn từ IMF gần đây đã gia tăng tâm lý tiêu cực về khả năng suy thoái kinh tế trong giai đoạn 2022-23. IMF cho biết hôm thứ Ba rằng họ dự kiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại đáng kể trong năm nay khi hậu quả của cuộc chiến ở Ukraine lan rộng trên toàn thế giới, một trở ngại đối với nhiều quốc gia đang phải vật lộn với đại dịch Covid-19 cũng như lạm phát và lãi suất gia tăng. IMF dự kiến nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3.6% trong năm nay, giảm từ 6.1% của năm ngoái. Dự báo mới thấp hơn 0.8 điểm phần trăm so với dự báo trước vào tháng Giêng.
Lịch sự kiện
Nhóm năng lượng
Giá dầu thô đã chịu các áp lực trái chiều trong phiên giao dịch qua. Các lo ngại về nguồn cung bị thắt chặt khi Liên minh châu Âu (EU) thảo luận về một lệnh cấm vận đối với nhập khẩu dầu của Nga và việc gián đoạn sản xuất ở Libya vẫn tiếp tục hỗ trợ cho giá dầu. Văn phòng truyền thông của Tập đoàn Dầu mỏ thuộc Libya đã cho biết nước này đang mất hơn 550,000 thùng/ngày sản lượng dầu do phong tỏa các mỏ chính và các bến xuất khẩu, vào hôm thứ Tư. Tuy nhiên, giá đã chịu áp lực tiêu cực từ phát biểu của Chủ Tịch Fed Powell về việc thắt chặt chính sách tiền tệ trong thời gian tới.
Đánh giá: Tích cực
Đậu tương
Theo tin tức tối 21/04 (giờ Việt Nam), ở Argentina, Sàn giao dịch ngũ cốc Rosario cho biết năng suất tốt hơn mong đợi trong các đợt thu hoạch gần đây có thể tăng tiềm năng sản xuất đậu tương cho niên vụ 2021/22 của đất nước lên mức 1.514 tỷ giạ (41.2 triệu tấn). Nông dân Argentina đã thu hoạch khoảng 27% vụ đậu tương của mùa này cho đến nay. Con số này vẫn thấp hơn so với dự đoán của USDA vừa qua cho sản lượng của Argentina là 43.5 triệu tấn.
Dự trữ đậu tương tại các nhà máy lớn tại Trung Quốc có tuần tăng thứ ba liên tiếp, lên 3.19 triệu tấn, cao hơn khoảng 340,000 tấn so với mức ghi nhận một tuần trước đó nhưng thấp hơn 1.21 triệu tấn so với mức báo cáo một năm trước. Quốc gia này đã gia tăng nhập khẩu đậu tương trong thời gian gần đây, để lấp đầy mức dự trữ trước sự kiện tiêu thụ khô đậu tương tăng cao đột biến. Điều này cũng giúp hỗ trợ giá đậu tương. 3. Các nhà máy nghiền của Trung Quốc thời gian qua đã giảm mua đậu tương của họ để giao hàng vào mùa hè trong bối cảnh biên sản xuất kém. Mới chỉ 20% nhu cầu đậu tương của Trung Quốc từ tháng 6 đến tháng 9 là được đáp ứng, dự kiến là 7-8 triệu tấn mỗi tháng. Sắp tới quốc gia này cần đẩy mạnh nhập khẩu hơn, khi mức biên lợi nhuận đối với thành phẩm đầu ra được cải thiện.
Đánh giá: Tích cực
Lúa mì
Công ty tư vấn Ikar ở Nga tăng nhẹ các ước tính cho sản xuất lúa mì năm 2022 của đất nước lên tới 3.068 tỷ giạ (82.8 triệu tấn). Một đơn vị tư vấn khác, Sovecon, đã ước tính sản lượng sẽ đạt mức kỷ lục là 3.211 tỷ giạ (86.7 triệu tấn). Nga chiếm 10% tỷ trọng sản lượng và 19% tỷ trọng xuất khẩu lúa mì thế giới.
Dữ liệu bán hàng lúa mì cho niên vụ hiện tại ở Mỹ tiếp tục giảm xuống mức 26.4 triệu tấn, giảm 72.5% so với tuần trước đó. Hiện Mỹ đã xuất khẩu 16.7 triệu tấn lúa mì cho niên vụ 2021/22 và đã hoàn thành 77% dự kiến xuất khẩu của USDA. Tuy nhiên, con số này thấp hơn mức trung bình là 85% trong các năm qua. Các số liệu bán hàng và xuất khẩu tạo tín hiệu khá tiêu cực cho nhu cầu lúa mì từ Mỹ.
Đánh giá: Tiêu cực
Ngô
Đối với ngô, ước tính sản lượng ngô Argentina cũng được nâng cấp mặc dù sản lượng dự kiến giảm do diện tích đã tăng 460,000 ha so với số liệu trước đó. BCR cho biết: “Diện tích tăng hàng năm được ước tính là 8% nhưng dữ liệu và phân tích dựa trên vệ tinh mới đã chỉ ra rằng diện tích gieo trồng đã tăng 14%.” Diện tích cao hơn đã làm tăng ước tính tổng sản lượng ngô trong vụ thêm 1.5 triệu tấn, chống lại năng suất thấp được báo cáo cho đến nay và thiệt hại liên quan đến các đợt gió lạnh gần đây.
Tuy nhiên, Hội đồng ngũ cốc quốc tế (IGC) dự kiến sản lượng ngô toàn cầu vào niên vụ 2022/23 sẽ giảm hơn 500 triệu giạ (13 triệu tấn), trích dẫn việc giảm mức dự kiến ở Ukraine và Hoa Kỳ. Mùa vụ tốt hơn ở Brazil và Argentina được dự kiến sẽ giúp bù đấp một phần cho mức giảm. Mức giảm trên tương ứng với 1% sản lượng được dự kiến cho niên vụ 2021/22.
Đánh giá: Tích cực
Dầu đậu tương
Tồn kho dầu đậu tương lại tăng 10,000 tấn so với tuần trước lên 790,000 tấn trong bối cảnh sản lượng cao hơn do sản xuất cùng dầu đậu tương và thu mua chậm lại, đồng thời tăng 200,000 tấn so với một năm trước đó.
Đánh giá: Trung lập
Khô đậu tương
Các kho dự trữ khô đậu của Trung Quốc đã giảm trong tuần kết thúc vào ngày 17 tháng 4, mặc dù sản lượng tăng do các công ty hạ nguồn tăng tốc thu mua, Trung tâm Thông tin Dầu và Ngũ cốc Quốc gia (CNGOIC) cho biết. Dự trữ khô đậu tương giảm 30,000 tấn trong tuần xuống 310,000 tấn, thấp hơn 10,000 tấn so với tháng trước và 360,000 tấn so với một năm trước.
Đánh giá: Tích cực
Bài phân tích được thực hiện bởi đội ngũ Phân tích CTCP Saigon Futures - TVKD xuất sắc của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam năm 2020. Mọi thắc mắc về thị trường và tư vấn đầu tư, Quý NĐT vui lòng liên hệ
Hotline: 0286 686 0068
Website: https://saigonfutures.com/
Fanpage: Saigon Futures Inc