Nghịch lý chính sách của Fed: Tăng trưởng quá chậm đe dọa đến cuộc chiến chống lạm phát
Hoàng Thế Vinh
Junior Analyst
Đối mặt với những dấu hiệu hạn chế về sự suy giảm nhu cầu của Mỹ mặc dù lãi suất tăng hơn 5 điểm phần trăm, theo logic, Cục Dự trữ Liên bang cần phải làm nhiều điều hơn nữa.
Nhưng các nhà hoạch định chính sách và những người theo dõi Fed hiện đang chú ý nhiều hơn đến một giả thuyết mới, rằng các ngân hàng trung ương cần tính đến hành động của họ có ý nghĩa như thế nào đối với nền kinh tế. Hiện tại, lãi suất quá cao thực sự có thể làm cản trở cuộc chiến chống lạm phát, bằng cách làm mất đi lợi ích của việc tăng nguồn cung - vốn vừa mới được triển khai.
Lý thuyết kinh tế vĩ mô cho rằng chính sách tiền tệ hoạt động chủ yếu theo cầu của thị trường. Việc tăng lãi suất khiến việc vay mượn trở nên đắt đỏ hơn và cầu giảm khiến lạm phát cũng giảm. Suy thoái là liều thuốc cuối cùng cho cầu quá lớn.
Các nhà kinh tế đang cảnh báo rằng chính sách tiền tệ có thể có tác động quan trọng đến nguồn cung, ảnh hưởng đến yếu tố dài hạn của nền kinh tế. Chủ tịch Fed Jerome Powell và các thành viên hội đồng thống đốc ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã nghe thấy giả thuyết này trong một bài phát biểu quan trọng tại hội nghị chuyên đề Jackson Hole hàng năm vào tháng trước.
Bà Yueran Ma và đồng tác giả - ông Kaspar Zimmermann nói trong bài báo rằng bằng chứng cho thấy việc tăng lãi suất ảnh hưởng đến điều kiện tài chính và khẩu vị rủi ro, hạn chế cung của nền kinh tế bằng cách ức chế sự đổi mới.
Cung cầu ảnh hưởng tới lạm phát
Bản thân ông Powell tại hội nghị đã nhấn mạnh vai trò của nguồn cung như một yếu tố quan trọng bổ sung cho nhu cầu.
Chủ tịch Fed cho biết vào ngày 25/8: “Mặc dù cung và cầu bổ trợ nhau để giảm lạm phát, nhưng quá trình này vẫn còn một chặng đường dài phía trước”. Chính sách của Fed được thiết kế để “làm chậm sự tăng trưởng của tổng cầu, cho phép nguồn cung có thời gian bắt kịp”.
Ông Powell sẽ có cơ hội thảo luận về hai yếu tố này vào thứ Tư, trong cuộc họp báo sau quyết định lãi suất mới nhất của Fed và các dự báo cập nhật về lãi suất trung lập. Các nhà kinh tế dự đoán lãi suất sẽ không thay đổi vào thời điểm này, nhưng vẫn có thể tăng thêm 1 lần nữa trong năm nay.
Tăng trưởng lương đang hạ nhiệt những tháng gần đây khi sức mạnh kinh tế thúc đẩy sự tham gia vào lực lượng lao động, giúp giải quyết tình trạng thiếu lao động, hạ nhiệt mức lương. Điều tương tự được cho là đã xảy ra với giá tiêu dùng.
Vai trò lớn hơn
Ông Mike Konczal, giám đốc phân tích kinh tế vĩ mô tại Viện Roosevelt, cho biết: “Phần lớn tình trạng lạm phát hạ nhiệt được thúc đẩy bởi nguồn cung mở rộng thay vì nhu cầu giảm”.
Nhu cầu duy trì sức mạnh có thể là một điều tốt, giúp các nhà sản xuất cấp vốn đầu tư để tổ chức lại chuỗi cung ứng. Và chính sách tiền tệ thắt chặt cũng có thể phản tác dụng đối với các lĩnh vực cụ thể của nền kinh tế, chẳng hạn như nhà ở - chi phí vay vốn cao trong lịch sử ảnh hưởng đến việc xây dựng, khiến chi phí nhà ở tăng cao.
Đó là một nghịch lý về chính sách khi Fed xem xét vai trò của việc cho phép tăng trưởng hạ nhiệt - thay vì hãm hoàn toàn tăng trưởng - để đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% một cách bền vững trong vài năm tới.
Bà Ma của Đại học Chicago cho biết: “Tăng lãi suất trung bình 100 điểm cơ bản sẽ kéo theo GDP giản 1%’’. Bà nhấn mạnh rằng, trong chu kỳ hiện tại của Fed, khẩu vị rủi ro thị trường đầu tư mạo hiểm “hiện đã thấp hơn nhiều so với trước khi bắt đầu thắt chặt”.
Nguồn cung mở rộng là lý do khiến tăng trưởng kinh tế Mỹ đạt tốc độ 2% hoặc nhanh hơn trong 4 quý vừa qua, bất chấp việc Fed tăng lãi suất. Hoạt động xây dựng nhà máy đã tăng gần gấp đôi trong năm qua, đóng góp vào tổng sản phẩm quốc nội đạt mức cao nhất kể từ năm 1981.
Sự bùng nổ xây dựng nhà máy ở Mỹ
“Nếu việc thắt chặt tiền tệ thực sự khiến việc giảm chi phí cận biên ở phía cung trở nên khó khăn hơn – ví dụ, do tiến bộ công nghệ chậm hơn hoặc phân bổ vốn sai – điều đó có thể khiến áp lực lạm phát dai dẳng hơn,” bà Ma cho biết.
Các nghiên cứu trước đây
Nghiên cứu này dựa trên các nghiên cứu trước đây cho thấy sự phục hồi kinh tế yếu kém có thể làm suy yếu nguồn cung như thế nào - bằng cách giảm mục tiêu để đầu tư kinh doanh và làm trì trệ sự phát triển kỹ năng lao động. Cựu Chủ tịch Fed Janet Yellen đã đề cập đến vấn đề này trong một bài phát biểu có phần gây tranh cãi vào năm 2016, sau khi cuộc khủng hoảng tài chính khiến nước Mỹ gặp khó khăn.
Bà nói: “Kinh nghiệm hậu khủng hoảng này cho thấy những thay đổi trong tổng cầu có thể có tác động đáng kể và lâu dài đến tổng cung - tức là đến sản lượng tiềm năng. Câu hỏi tiếp theo là liệu có thể đảo ngược những tác động bất lợi này bằng cách tạm thời vận hành một ‘nền kinh tế có thể chịu áp lực cao’ với tổng cầu mạnh mẽ và thị trường lao động thắt chặt hay không.”
Bài phát biểu diễn ra vào thời điểm lạm phát thấp. Nhưng ngày nay, với mức giá tăng vượt xa mục tiêu, các quan chức Fed không thể làm giảm uy tín của họ bằng lời nói như vậy về việc hỗ trợ tăng trưởng để thúc đẩy nguồn cung.
Mặc dù vậy, sự chú ý đến nguồn cung vẫn hiện rõ khi các quan chức Fed nhấn mạnh rằng họ không muốn thu hẹp tăng trưởng và đẩy nền kinh tế vào tình trạng phục hồi chậm chạp một lần nữa.
Trong khi Chủ tịch Fed Dallas Lorie Logan nhấn mạnh sự cần thiết phải thắt chặt chính sách tiền tệ ngay cả khi khủng hoảng ngân hàng đang ở giai đoạn căng thẳng, thì tháng này bà lại đưa ra quan điểm khác.
Bà cho biết trong bài phát biểu ngày 7/9: “Chúng ta phải tiến hành dần dần, cân nhắc rủi ro lạm phát cao cùng nguy cơ nền kinh tế suy giảm”.
Bloomberg