Nguồn cung thắt chặt và nhu cầu tăng cao kỳ vọng đẩy giá dầu đậu tương hướng đến mốc cao mới
Triển vọng nguồn cung thu hẹp tại Nam Mỹ không những thúc đẩy giá đậu tương kỳ hạn trên Sàn giao dịch Chicago (CBOT) chạm mức kỷ lục mà còn là yếu tố nền tảng cho giá dầu đậu tương – một sản phẩm quan trọng của quá trình ép dầu đậu tương liên tục tăng điểm. Điều này còn chưa kể đến việc thị trường hàng hóa đang trải qua giai đoạn bất ổn về rủi ro chính trị tại khu vực Biển Đen, giá dầu thô neo ở mức cao và nhu cầu từ quốc gia nhập khẩu dầu đậu tương lớn nhất thế giới là Ấn Độ ngày một tăng cao. Trung Quốc cũng đang có khả năng lớn sẽ tăng cường thu mua trong ngắn hạn cho nhu cầu nội địa khi nguồn cung cho hoạt động ép dầu đang thiếu hụt nghiêm trọng.
Nguồn cung dầu đậu tương tại khu vực Nam Mỹ thu hẹp lại
Thị trường đậu tương kỳ hạn đang hình thành một xu hướng tăng rất vững chắc khi triển vọng kém tích cực về nguồn cung tại Nam Mỹ, đặc biệt là Brazil đang dần hiện rõ hơn. Điều này là trái ngược so với giai đoạn quý 4 năm 2021 khi đậu tương được gieo trồng trong thời gian lý tưởng, khiến cho giới đầu tư lầm tưởng rằng Brazil sẽ có được một vụ mùa với sản lượng kỷ lục mọi thời đại. Triển vọng nguồn cung đậu tương liên tục được cắt giảm tại Nam Mỹ cũng dẫn đến xu hướng giảm sản lượng dầu đậu tương.
Dầu đậu tương là một trong những sản phẩm được chiết xuất từ quá trình nghiền đậu tương. Do đó sản lượng đậu tương sụt giảm có thể khiến cho lượng đậu tương dùng cho việc ép dầu đậu tương giảm đi. Điều này sẽ làm cho nguồn cung thu hẹp lại. Đặc biệt Nam Mỹ lại là quốc gia xuất khẩu dầu đậu tương lớn nhất thế giới.
Cụ thể trong Báo cáo Cung – cầu mùa vụ thế giới (WASDE) tháng 2, đi cùng với việc cắt giảm mạnh sản lượng đậu tương tại khu vực Nam Mỹ là Brazil và Argentina thì Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cũng cắt giảm mạnh xuất khẩu dầu đậu tương của hai quốc gia này trong vụ 2021/22. Như đồ thị bên dưới đã thể hiện, xuất khẩu dầu đậu tương tại Brazil cắt giảm dự báo từ 5.9 triệu tấn xuống còn 5.8 triệu tấn. Trong khi đó lượng xuất khẩu tại Argentina cắt giảm từ mức 1.53 triệu tấn xuống còn 0.95 triệu tấn.
Bên cạnh đó, giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 12 thường sẽ là giai đoạn mà hoạt động ép dầu đậu tương giảm dần, tức là giai đoạn thấp điểm trong hoạt động ép dầu đậu tương tại Nam Mỹ. Trái lại hoạt động ép dầu đậu tương tại Hoa Kỳ thì đang trong giai đoạn cao điểm. Quan trọng hơn hết, trong bối cảnh hiện tại hoạt động ép dầu đậu tương tại Brazil và Argentina có dấu hiệu sụt giảm thì các nhà máy ép dầu tại Hoa Kỳ đang hoạt động rất mạnh mẽ để có thể tận dụng được lợi thế về nguồn cung dồi dào của mình cho việc xuất khẩu ngay tại thời điểm mà giá thế giới và nhu cầu đang cao (đặc biệt tại Ấn Độ). Sản lượng ép dầu đậu tương của Mỹ đã 3 lần chạm đến mức cao kỷ lục là gần 6 triệu tấn vào tháng 1, tháng 10 và tháng 12 năm 2021. Nhưng nhìn vào thị phần xuất khẩu của Mỹ trên thế giới, quốc gia này chỉ có thể đáp ứng được một phần rất nhỏ trong thương mại quốc tế, đặc biệt đối với nhu cầu đang tăng cao từ Ấn Độ và trong thời gian sắp tới có thể là Trung Quốc, đây là những thị trường tiêu thụ dầu thực vật lớn nhất thế giới. Do đó, điều này có thể dẫn đến lượng cung khó đáp ứng được cho nhu cầu nhập khẩu từ các quốc gia kể trên.
Ấn Độ tăng cường nhập khẩu dầu đậu tương do giá dầu cọ tăng cao và rủi ngo nguồn cung dầu hướng dương tại Ukraine
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Dầu cọ Malaysia (MPOC), mức tồn kho dầu thực vật của Ấn Độ trong năm 2021 ở mức 7.87 triệu tấn, thấp hơn 16% so với mức tồn kho năm 2020 là 9.36 triệu tấn. Trong năm 2021, Ấn Độ đã phải trả qua một năm kinh hoàng đối diện với làn sóng Covid-19 làm tác động mạnh mẽ đến nhu cầu tiêu thụ dầu thực vật của nước này, qua đó làm sụt giảm nhu cầu nhập khẩu. Khi khủng hoảng qua đi, mọi thứ dần đi đúng trở lại quỹ đạo bình thường thì nhu cầu về các sản phẩm dầu thực vật của Ấn Độ rồi sẽ hồi phục trở lại, mức tồn kho sẽ được bổ sung.
Biểu hiện rõ ràng nhất cho việc này là mức giá dầu cọ nội địa quốc gia đang tăng cao và chính phủ phải liên tục điều chỉnh các mức thuế nhập khẩu nhằm kiềm chế đà tăng nóng đó. Tuần trước, chính phủ Ấn Độ cũng đã cắt giảm thuế nhập khẩu dầu cọ thô từ 7.5% xuống còn 5%, giúp các nhà nhập khẩu với mức chi phí rẻ hơn. Lệnh giảm thuế hải quan đối với các sản phẩm dầu ăn khác cũng được gia hạn thêm đến ngày 30/09 năm 2022, tức là thêm 6 tháng so với mức cũ.
Trong cơ cấu tồn kho của Ấn Độ, phần lớn là dầu cọ với tỷ trọng trung bình trong năm 2021 là 52%, dầu đậu tương là 25%, còn dầu hướng dương có một tỷ lệ nhỏ hơn ở mức 23%. Đây là ba sản phẩm dầu thực vật thiết yếu dùng trong đời sống hàng ngày và có nhu cầu ít co dãn với giá, tức là giá tăng như thế nào đi nữa thì nhu cầu dùng dầu thực vật ít có sự thay đổi. Sự thay đổi chỉ diễn ra trong nội bộ của nhóm này khi giá sản phẩm này cao thì có thể được thay thế bằng sản phẩm khác có chi phí thấp hơn nhưng cùng công dụng.
Ấn Độ, do đó quốc gia này sẽ phải chuyển đổi sang dầu đậu tương hoặc dầu hướng dương có mức giá tương đối rẻ hơn hoặc nguồn cung đảm bảo hơn.
Theo đồ thị trên thì có thể thấy các giai đoạn mà chỉ số giá dầu thực vật thế giới tăng cao kể từ tháng 10 năm 2021 thì Ấn Độ đã giảm tồn kho dầu thực vật xuống, đặc biệt mức giảm mạnh nhất là dầu cọ, các tháng sau đó Ấn Độ tiếp tục ghi nhận các đợt giảm mạnh tồn kho dầu cọ, nhưng tháng tăng thì mức tăng cũng rất khiêm tốn. Trong khi đó, tồn kho các sản phẩm khác như dầu đậu tương và dầu hướng dương ghi nhận mức tăng, đặc biệt là dầu đậu tương.
Mặt khác, nguồn cung dầu hướng dương tại khu vực cung ứng lớn nhất thế giới là Biển Đen đang rất rủi ro do căng thẳng về địa chính trị giữa Nga – Ukraine – phương Tây đang được đẩy lên cao trào. Do đó để đảm bảo cho nhu cầu trong nước, ngoài việc gia hạn thêm thuế hải quan thì Ấn Độ đã tăng cường chuyển đổi sang nhập khẩu dầu đậu tương. Thông thường Ấn Độ thường thu mua dầu đậu tương tại Nam Mỹ, bao gồm Argentina thường chiếm 2/3 lượng nhập khẩu còn Brazil chiếm 1/3 lượng nhập khẩu dầu đậu tương. Nhưng sản lượng dầu đậu tương có khả năng thu hẹp tại Nam Mỹ đang thúc đẩy Ấn Độ nhập khẩu nhiều hơn từ Mỹ. Theo một báo cáo từ Reuters cho thấy, Ấn Độ đã đặt mua một mức kỷ lục là 100,000 tấn dầu đậu tương từ Mỹ theo một báo cáo bán hàng từ nhân lô lớn từ USDA tại ngày 11/02.
Điều này chưa kể đến việc Trung Quốc cũng có thể gia tăng nhập khẩu dầu đậu tương từ Mỹ khi nguồn cung đậu tương tại nội địa quốc gia đang thiếu hụt cho nhu cầu ép dầu của các nhà máy, bên cạnh lý do khác là biên lợi nhuận nghiền suy giảm. Nhiều nhà máy ép dầu đậu tương Trung Quốc trải dài từ phía Bắc đến phía Nam đã hoặc đang lên kế hoạch ngừng hoạt động.
Các nhà máy ép dầu của Bunge tại khu vực Thiên Tân đã tạm ngừng hoạt động 49 ngày từ 10/02 đến ngày 03/04. Một nhà máy ép dầu khác tại Nam Kinh thông báo sẽ đóng cửa trong vòng 1 tháng từ cuối tháng 2 đến tháng 3. Cùng thời điểm đó, một nhà máy ép dầu khác của Louis Dreyfus Company (LDC) tại Thiên Tân và Cargill tại tỉnh Hồ Bắc sẽ ngừng hoạt động trong tuần tiếp theo. Theo một báo cáo từ công ty tư vấn công nghiệp của Trung Quốc là Mysteel hôm thứ sáu, họ cho biết rằng nhiều nhà máy ép dầu của Trung Quốc tại tỉnh phía Nam là Quảng Tây đã lên lịch trình đóng cửa vào tháng 3. Một số nguồn tin cho biết, chính phủ Trung Quốc có thể giải phóng kho dự trữ quốc gia nhằm tăng cung cho thị trường.
Bối cảnh nguồn cung thu hẹp tại Nam Mỹ, nhu cầu từ Ấn Độ tăng cao đang là yếu tố hỗ trợ cho giá dầu đậu tương nói riêng và giá dầu thực vật thế giới tăng cao nói chung. Bên cạnh đó, các rủi ro về cục diện địa chính trị tại khu vực Biển Đen đang ngày càng được đẩy lên cao trào và nhu cầu thu mua từ Trung Quốc khi các nhà máy ép dầu quy mô lớn của quốc gia đang tạm thời gặp khó khăn trong hoạt động ép dầu là các yếu tố có thể tiếp sức cho đà tăng cao hơn nữa của giá dầu đậu tương kỳ hạn. Giá dầu đậu tương kỳ hạn giao dịch trên CBOT có khả năng cán mốc 74 cents/pounds trong thời gian tới, thậm chí mức giá còn cao hơn.
Bài phân tích được thực hiện bởi đội ngũ Phân tích CTCP Saigon Futures - TVKD xuất sắc của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam năm 2020. Mọi thắc mắc về thị trường và tư vấn đầu tư, Quý NĐT vui lòng liên hệ:
Hotline: 0286 686 0068
Website: https://saigonfutures.com/
Fanpage: Saigon Futures Inc.