Nguồn cung USD khan hiếm đẩy nhiều nền kinh tế châu Phi vào bờ vực khủng hoảng
Đoàn Phương Thảo
Junior Analyst
Các chính phủ châu Phi đang phải tranh giành nhau từng đồng đô la một, và giới đầu tư cũng đang bắt đầu chú ý.
Trong bối cảnh khan hiếm tiền tệ mạnh càng trầm trọng trên lục địa, nhiều nước châu Phi phải sử dụng đến các biện pháp ngắn hạn của ngân hàng trung ương như trao đổi hàng hóa, phá giá tiền tệ, kiểm soát tỷ giá hối đoái và sự hỗ trợ từ quỹ Tiền tệ Quốc tế và các nước Trung Đông để cân đối lại nền kinh tế.
Thị trường đang trao thưởng cho những quốc gia có nỗ lực tăng cường thanh khoản USD, nhưng cũng đang trừng phạt những người không thể đảm bảo khả năng tiếp cận loại tiền họ cần để đầu tư và sinh lời, đồng thời tránh xa những quốc gia không có đủ tiền dự trữ để trang trải chi phí nhập khẩu hoặc trả nợ. Các đồng tiền châu Phi đang có hiệu suất kém nhất thế giới trong năm nay, giảm ít nhất 15% so với USD.
Benedict Craven, nhà quản lý rủi ro quốc gia tại Cơ quan Tình báo Kinh tế thuộc The Economist, cho biết nắm giữ USD là một phần của giá trị tại đây và ông lo ngại rằng các nhà đầu tư không thể giao dịch từ các nguồn chính thức và không có khả năng chuyển cổ tức của mình ra nước ngoài.
Thanh khoản USD bị siết chặt đã có tác động lên nội tệ. Các nước phát hành trái phiếu USD bị buộc phải phá giá trong năm nay bao gồm Ai Cập, Nigeria và Angola. Dòng vốn vào suy giảm cũng khiến đồng shilling của Kenya và đồng kwacha của Zambia chạm đáy kỷ lục. Khó khăn chồng chất khó khăn khi khoản nợ USD của Kenya sẽ đến hạn vào năm tới, còn Zambia đã vỡ nợ trái phiếu ngoại tệ.
Trái phiếu USD của Kenya đã khiến các nhà đầu tư lỗ 2.1% kể từ đầu tháng 7, khi lợi suất trái phiếu Hoa Kỳ bắt đầu tăng do câu chuyện lãi suất “cao hơn trong thời gian dài hơn”. Con số này cao hơn rất nhiều so với mức giảm trung bình 1.7% của các thị trường mới nổi và cận biên trong chỉ số trái phiếu chính phủ USD của Bloomberg. Chỉ số chứng khoán Kenya đã giảm 32% trong năm 2023, mức giảm mạnh nhất trong số 92 thị trường toàn cầu được Bloomberg theo dõi, trong khi đồng shilling giảm 19%.
Ở Zambia, Mozambique và Nigeria, việc không thể tiếp cận nguồn vốn nước ngoài đã buộc các chính phủ phải tăng cường phát hành trong nước tại các thị trường nông thôn, đẩy chi phí vay lên cao. Các quốc gia châu Phi đã bị biệt lập khỏi thị trường nợ quốc tế kể từ tháng 4 năm 2022.
Trái phiếu nội tệ kỳ hạn dài nhất của Nigeria đang giao dịch ở mức lợi suất kỷ lục 18%. Nhưng lợi suất trong nước cao hơn không thu hút được người mua nước ngoài, những người lo lắng về việc nội tệ mất giá và khó khăn trong việc chuyển lợi nhuận về nước. Ví dụ, tại Zambia, tỷ lệ nắm giữ nợ trong nước của nhà đầu tư nước ngoài đã giảm từ 29% vào cuối năm 2021 xuống còn khoảng 22%, một phần do quá trình tái cơ cấu cũng như vấn đề thanh khoản.
Sự hỗ trợ đến từ IMF
Tuần trước, IMF cho biết sẽ mở rộng cấp vốn sang Kenya thêm 938 triệu USD để tăng cường dự trữ, trước khi lô trái phiếu châu Âu trị giá 2 tỷ USD đáo hạn vào tháng 6. Điều đó khiến lợi suất trái phiếu năm 2024 giảm gần 200 điểm cơ bản trong 4 ngày cho đến thứ Sáu - dù vẫn trên 14%.
Theo Lars Krabbe, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Coeli Frontier Markets AB, "một quốc gia có lợi suất trái phiếu USD trên 10% thì họ không thể phát hành trên thị trường USD. Điều này tất nhiên là không tốt cho môi trường đầu tư chung và tính bền vững nợ ở những quốc gia này và khiến họ phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn ưu đãi” như các khoản vay của IMF.
Mặt khác, các quốc gia có nhu cầu ngoại hối ít cấp bách hơn đang trở nên hấp dẫn hơn.
Theo David Omojomolo, nhà kinh tế thị trường châu Phi tại Capital Economics, "các quốc gia có lượng nợ USD thấp hơn hay dự trữ ngoại hối lớn hơn sẽ hấp dẫn nhất. Và sẽ càng hấp dẫn nếu tỷ giá các nước này đã điều chỉnh từ trước.”
Ai Cập là một trong số đó. Các chiến lược gia Citi đã chuyển sang bullish với trái phiếu USD của quốc gia Bắc Phi này, khi doanh số bán tài sản tại đây tăng lên và chính phủ dường như đang trên đà đạt được các mục tiêu do IMF đặt ra. Tháng trước, ngân hàng trung ương tuyên bố sẽ đảm bảo được khoản tiền gửi mới lên tới 5 tỷ USD từ Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Trái phiếu ngoại tệ của Ai Cập đã mang lại cho nhà đầu tư lợi nhuận 8.7% trong nửa cuối năm nay, trong khi các thị trường tương đương đang ghi nhận giảm.
Đối với Kaan Nazli, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Neuberger Berman Asset Management, các nhà đầu tư có thể ưu tiên các tổ chức phát hành có chính phủ có khả năng tiếp cận tốt hơn với các nguồn vốn thay thế, như Bờ Biển Ngà và Senegal.
“Bờ Biển Ngà đã dựa được vào các thương vụ tài chính kết hợp với chi phí hợp lý trong năm qua”.
Quốc gia Tây Phi này cũng đã nhận được một khoản vay từ IMF, trong khi đồng tiền của nước này, đồng franc CFA, được neo giá với đồng euro, khiến đồng tiền này ít biến động mạnh. Senegal cũng đang thu hút đầu tư vào các doanh nghiệp hợp danh công-tư trong lĩnh vực tài chính khí hậu.
Mức giảm của trái phiếu ngoại tệ của Sénégal và Bờ Biển Ngà đều không nghiêm bằng Kenya và cũng thấp hơn mức trung bình từ tháng 7. Từ đầu tháng đến nay, hiệu suất của các trái phiếu này đã vượt xa các trái phiếu khác.
Trong khi đó, tình trạng thiếu USD cũng đang gây tổn hại cho người tiêu dùng và doanh nghiệp địa phương khi chi phí nhập khẩu tăng cao, thúc đẩy lạm phát.
Tại Nigeria, giá thuốc điều trị các bệnh như tăng huyết áp và tiểu đường đã tăng gấp ba lần trong năm qua. Một trong những nhà bán lẻ lớn nhất của Zimbabwe, OK Zimbabwe, cho biết khối lượng bán hàng hiện đang ở dưới mức hòa vốn do chi phí và tỷ giá tăng cao đã đẩy khách hàng đến thị trường chợ xám. Và ở Malawi, giá ngô, một lương thực thiết yếu, đã tăng gấp đôi trong năm qua.
Sonu Varghese, chiến lược gia vĩ mô toàn cầu tại Carson Group, cho biết: “Vấn đề là bạn không làm được rất nhiều nếu không có một lượng lớn dự trữ USD. Đối với các nhà đầu tư, rủi ro khủng hoảng tại các quốc gia này vẫn chưa biến mất.”
Bloomberg