Nhận định sau kỳ họp Fed Tháng 6: Khi kỳ vọng và thực tế một lần nữa lỗi nhịp
Tú Đỗ
Senior Economic Analyst
Quyết định chính sách mới nhất của Fed có thể sẽ là yếu tố tác động bước ngoặt đối với đồng USD trong thời gian tới
Quả là một ngày với rất nhiều biến động đối với thị trường và điều này không chỉ tới từ kết quả của phiên họp Fed. Quan điểm về việc lạm phát chỉ mang tính nhất thời đã bị giáng một đòn mạnh mẽ khi số liệu lạm phát của Anh đã bất ngờ tăng vượt mức mục tiêu của BOE lần đầu tiên trong vòng gần 2 năm. Vài giờ sau đó là thông tin về việc lạm phát tại Canada tăng lên mức nhanh nhất trong 1 thập kỷ. Câu hỏi lớn nhất đối với thị trường lúc này đó là đà tăng của đồng đô-la sẽ còn kéo dài tới đâu và liệu có kéo theo lợi suất TPCP tăng theo?
Cần phải điểm lại đôi chút về bối cảnh tình hình hiện tại. Fed đã phát đi tín hiệu dự kiến sẽ tăng lãi suất ít nhất 2 lần cho tới cuối năm 2023 và có những thay đổi trong giọng điệu của mình. Thị trường phản ứng ngay lập tức sau thông tin trên khi tỷ giá EUR/USD giảm khoảng 60 pip và lợi suất TPCP Mỹ 10 năm tăng gần 5 điểm chỉ trong vài phút. Tưởng chừng như thị trường đã trở nên cực kỳ yên ắng trước thềm phiên họp của Fed, tuy nhiên những biến động sau đó cho thấy vẫn còn có thêm những vị thế mở bị rũ bỏ. Tại sao vậy? Hãy nhìn vào lợi suất TPCP của các kỳ hạn dưới 2 năm khi chúng đã tăng lên mức đỉnh trong vòng 1 năm sau một khoảng thời gian dài gần như không biến động. Và chính diễn biến của lợi suất ngắn hạn đã thúc đẩy sự biến động trên thị trường tiền tệ.
Bên cạnh diễn biến bất ngờ của biểu đồ Dot plot, Chủ tịch Powell đã nói rằng lạm phát có thể tăng tốc và duy trì lâu hơn, đồng thời thị trường lao động có thể trở nên sôi động hơn vào mùa hè và mùa thu. Đây có lẽ là giọng điệu thắt chặt nhất mà Fed có thể đưa ra lúc này mà không khiến thị trường sợ hãi. Và trên thực tế, NHTW Mỹ đã thực hiện điều này tương đối thành công. Phản ứng của thị trường đối với động thái của Fed có lẽ đã được khuếch đại thêm bởi các vị thế giao dịch đòn bẩy còn sót lại.
Chỉ số Dollar Index của Bloomberg đang hướng tới chuỗi ngày tăng thứ 5 liên tiếp, lần đầu tiên kể từ tháng 3/2020. Diễn biến trên thị trường quyền chọn cho thấy tâm lý tăng giá đối với USD đã lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 4, đồng thời khối lượng đặt cược vào xu hướng tăng dài hạn của USD cũng đạt mức đỉnh kể từ tháng 7/2020. Có thể nói đây chính là thời khắc bước ngoặt "game-changing".
Hành động giá đang cho thấy tín hiệu tăng giá trên khung đồ thị ngày và tuần. Đồng bạc xanh tăng khoảng 1.7% để kiểm tra lại mức đỉnh từ đầu năm tới nay đồng thời tạo dấu hiệu của mô hình 2 đáy. Dẫu vậy đồng USD vẫn sẽ cần sự hỗ trợ từ yếu tố chênh lệch lãi suất. Kịch bản cơ sở đó là vai trò đồng tiền tài trợ - funding currency - của đồng USD sẽ dần mờ nhạt và sẽ dần được chuyển sang các đồng tiền khác như EUR, Yên Nhật hay CHF.
Diễn biến vừa qua là một trong những lần hiếm hoi mà thị trường quyền chọn đã dự đoán sai mức độ biến động của thị trường. Quyết định chính sách vừa rồi có thể sẽ có những ý nghĩa quan trọng hơn so với những gì phần đông của thị trường đang đón nhận. Dẫu vậy, hãy bàn luận một cách chi tiết hơn vào ngày mai khi những con sóng trên thị trường bình lặng trở lại.
Bloomberg