Nhật Bản cảnh báo sẽ hành động để đối phó với sự biến động quá mức của đồng Yên
Nguyễn Tuấn Đạt
Junior Analyst
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản cho biết các nhà chức trách đã sẵn sàng hành động chống lại sự biến động quá mức của tỷ giá hối đoái.
Suzuki đã ngừng cảnh báo sẽ hành động quyết liệt chống lại những động thái quá mức, điều này cho thấy các quan chức đang dần bình tĩnh trở lại trong việc theo dõi diễn biến tiền tệ.
“Chúng tôi sẽ có hành động thích hợp chống lại sự biến động quá mức”, Suzuki cho biết. Đồng Yên đang trong xu hướng giảm bất chấp quyết định của BoJ vào tháng trước về việc chấm dứt 8 năm lãi suất âm, do các nhà giao dịch kỳ vọng rằng đợt tăng lãi suất tiếp theo sẽ còn xa.
Chủ tịch Fed đã nói rằng Fed sẽ không cần phải vội vàng cắt giảm lãi suất, điều này giữ cho USD ổn định cũng như củng cố kỳ vọng của thị trường rằng chênh lệch giữa lãi suất của Mỹ và Nhật Bản sẽ vẫn lớn.
Thị trường vẫn cảnh giác về khả năng Tokyo can thiệp khi USDJPY dao động quanh mức 151.610, gần mức cao nhất trong 34 năm là 151.975.
Vào ngày USDJPY chạm mức cao nhất trong 34 năm, Suzuki cho biết Tokyo sẽ quyết liệt chống lại những biến động tiền tệ quá mức. Phát biểu này được thị trường coi là lời cảnh báo mạnh mẽ nhất cho thấy sự can thiệp tiền tệ đang đến gần. Tuy nhiên họ đã rút lại tuyên bố này.
Suzuki cho biết: “Chúng tôi đang theo dõi cẩn thận các biến động thị trường hàng ngày”. Suzuki cho biết chính sách tiền tệ chỉ nằm trong số nhiều yếu tố ảnh hưởng đến diễn biến tiền tệ, như số dư tài khoản vãng lai của mỗi quốc gia, diễn biến lạm phát, rủi ro địa chính trị, tâm lý thị trường và động thái đầu cơ.
Ông nói: “Điều quan trọng là đồng Yên cần phải ổn định phù hợp với các yếu tố cơ bản. Việc tỷ giá hối đoái biến động quá mức là điều không mong muốn”.
Nhật Bản đã can thiệp vào thị trường tiền tệ vào năm 2022, lần đầu tiên là vào tháng 9 và một lần nữa vào tháng 10, để hỗ trợ đồng yên khi USDJPY lên đến 152.000.
Suzuki từ chối bình luận khi được hỏi liệu Nhật Bản sẽ can thiệp mạnh tay phong tỏa các vị thế đầu cơ hay tiến hành can thiệp theo nhiều giai đoạn để xoa dịu những biến động bất ngờ.
Các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản từ trước đến nay luôn ưa chuộng đồng yên yếu vì nó giúp tăng lợi nhuận cho các nhà sản xuất lớn của nước này.
Tuy nhiên, sự sụt giảm mạnh gần đây của đồng yên đang gây lo ngại cho họ khi chúng làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên liệu thô, làm tổn hại đến tiêu dùng và lợi nhuận bán lẻ.
Bloomberg