Nhật Bản đứng trước ngã rẽ 9.4 nghìn tỷ Yên: Can thiệp hay bất động trước biến động tiền tệ?

Nhật Bản đứng trước ngã rẽ 9.4 nghìn tỷ Yên: Can thiệp hay bất động trước biến động tiền tệ?

Ngọc Lan

Ngọc Lan

Junior Editor

08:56 31/05/2024

Các nhà đầu tư sẽ biết liệu Nhật Bản có can thiệp để hỗ trợ đồng Yên trong tháng vừa qua hay không vào thứ Sáu này. Đồng tiền này đang rất dễ bị bán tháo nếu chính quyền không can thiệp hoặc phải chi tiêu nhiều hơn dự kiến.

So sánh giữa số tiền gửi tại BoJ và dự báo của các nhà môi giới cho thấy, nước này đã chi khoảng 9.4 nghìn tỷ Yên (60 tỷ USD) trong hai đợt mua vào ngày 29/4 và 1/5. Bất kỳ con số nào vượt quá 9.1 nghìn tỷ Yên sẽ thiết lập kỷ lục can thiệp hàng tháng mới của Nhật Bản.

Bộ Tài chính Nhật Bản từ chối xác nhận hoặc phủ nhận bất kỳ sự can thiệp nào, họ dự kiến sẽ công bố dữ liệu trả lời cho việc liệu có động thái can thiệp hay không vào lúc 7 giờ tối theo giờ Tokyo. Biến động mạnh của thị trường, dòng tiền từ tài khoản của BoJ và thời điểm rõ ràng để tránh tiết lộ ngay lập tức một tháng trước đó cho thấy các nhà chức trách đã mua một lượng lớn Yên và muốn trì hoãn xác nhận việc này càng lâu càng tốt.

Tỷ giá USDJPY được giao dịch giảm khoảng 0.1%, ở mức 156.65 Yên.

Nhật Bản gặp khó khăn khi đồng Yên yếu

Lãi suất ở Nhật Bản chỉ tăng chậm trong khi lãi suất ở Mỹ và Châu Âu vẫn đang ở mức cao, vượt quá mức mục tiêu. Điều này khiến các quan chức Bộ Tài chính và BoJ đang cố gắng "câu giờ" cho đồng Yên cho đến khi khoảng cách lãi suất được thu hẹp lại. Trong khi đó, đồng Yên yếu đang đẩy giá nhập khẩu lên cao, ảnh hưởng đến người dân Nhật Bản và khiến thị trường tài chính bất ổn.

Tỷ giá USDJPY đã giảm xuống từ khoảng 157.52 xuống 153.04 trong vòng 40 phút vào phiên giao dịch cuối giờ New York ngày 1/5. Tuy nhiên, đồng Yên vẫn suy yếu so với tất cả các đồng tiền của các nước G10 trong năm nay và đã giảm 10% so với đồng USD.

Nếu Nhật Bản chi 6.2 nghìn tỷ yên trong lần can thiệp đầu tiên và 3.2 nghìn tỷ yên trong lần thứ hai, thì chính phủ đã chi nhiều tiền hơn để hỗ trợ đồng Yên trong tháng vừa qua so với cả năm 2022. Điều này cho thấy hiệu quả can thiệp tiền tệ đang giảm dần.

Nếu như có động thái can thiệp và số tiền can thiệp thấp hơn thì điều đó sẽ cho thấy Bộ Tài chính đã sử dụng tiền hiệu quả hơn dự kiến, hỗ trợ đồng Yên và có thể cho phép Nhật Bản tiếp tục chiến dịch can thiệp lâu hơn.

Nguồn tiền cho động thái can thiệp

Nhật Bản tài trợ cho việc can thiệp bằng cách bán ra một phần dự trữ ngoại tệ của mình để mua Yên. Số liệu cho đến cuối tháng 4 cho thấy quốc gia này có 1.14 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại tệ. Nhật Bản chỉ có thể sử dụng một phần dự trữ này để hỗ trợ đồng Yên, do cần phải duy trì nguồn ngoại tệ trong trường hợp khủng hoảng toàn cầu hoặc các tình huống khẩn cấp khác. Quốc gia này cũng phải cân nhắc đến cam kết quốc tế về việc để thị trường quyết định tỷ giá hối đoái.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen gần đây liên tục khẳng định, can thiệp tiền tệ nên là công cụ ít được sử dụng và các quan chức cần thông báo công khai trước khi can thiệp. Các nước G7 đã đồng ý không can thiệp vào tỷ giá hối đoái trừ khi cần kiềm chế biến động cực đoan, bà Yellen lưu ý hồi đầu tháng này.

Nếu dữ liệu cho thấy Nhật Bản không hề can thiệp vào thị trường trong tháng vừa qua, điều này có thể gây ra một cú sốc mới cho thị trường. Việc không can thiệp có thể cho thấy hai đợt tăng giá mạnh của đồng Yên vào đầu giai đoạn báo cáo là do tâm lý lo lắng của thị trường, giao dịch thuật toán và thanh khoản thấp. Nó cũng có thể khuyến khích các hoạt động đầu cơ bán khống đồng Yên.

Ông Tsutomu Soma, một nhà giao dịch trái phiếu và tiền tệ tại Monex cho biết: "Mặc dù xu hướng đồng USD mạnh lên vẫn tiếp tục, nhưng nếu dữ liệu không cho thấy sự can thiệp, điều đó sẽ khiến các nhà đầu tư dễ dàng hơn nhiều trong việc đặt cược vào đà tăng của đồng USD so với Yên. Với những bình luận của Bộ trưởng Yellen, Nhật Bản sẽ khó can thiệp nếu đồng USD tiếp tục tăng. Tỷ giá USDJPY có thể một lần nữa ở mức quanh 160."

Bloomberg

Broker listing

Cùng chuyên mục

Số vụ kiện đòi bình đẳng thu nhập tại Anh tăng vọt
Quế Anh

Quế Anh

Junior Editor

Số vụ kiện đòi bình đẳng thu nhập tại Anh tăng vọt

Số vụ kiện đòi bình đẳng thu nhập tại Anh đã tăng hơn 30%. Dữ liệu này cho thấy việc các nhà bán lẻ lớn ở quốc gia này liên tục bị kiện có thể đã thúc đẩy người lao động lên tiếng về vấn đề bất bình đẳng tại nơi làm việc.
Fed "gây bão" với việc cắt giảm 50 bps lãi suất: Thị trường chao đảo
Nguyễn Tuấn Đạt

Nguyễn Tuấn Đạt

Junior Analyst

Fed "gây bão" với việc cắt giảm 50 bps lãi suất: Thị trường chao đảo

Fed bất ngờ cắt giảm lãi suất 50 bps, khiến thị trường chao đảo. Mặc dù Powell khẳng định nền kinh tế Mỹ không suy thoái, chứng khoán nhanh chóng lao dốc khi ông cảnh báo không nên kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục hạ lãi suất mạnh tay. Quyết định này đã gây ra phản ứng trái chiều và lo ngại về hướng đi tiếp theo của Fed.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ