'Nhảy múa' trong năm 2021, lực cản nào sẽ đổi hướng giá kim loại công nghiệp năm 2022?
Tin Tức Tổng Hợp
feeder
Trong một năm 2021 đầy biến động, giá đồng đã từng chạm mức cao kỷ lục hơn 10.400 USD/tấn khi quốc gia tiêu thụ hàng đầu là Trung Quốc khôi phục kinh tế.
Hiệp định Paris và sự nhảy múa của giá kim loại công nghiệp
HIện nay, Liên minh châu Âu, Mỹ và Trung Quốc đều đã cam kết chuyển đổi năng lượng, hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng về 0. Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu có hiệu lực từ ngày 4/11/2016 với sự tham gia của hơn 190 quốc gia đã thể hiện quy mô khổng lồ của hành trình này. Theo Bộ Năng lượng Mỹ, nhu cầu điện của quốc gia này có thể tăng lên gần 40% nếu tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế được điện khí hóa trong 30 năm tới.
Quá trình chuyển đổi năng lượng sạch đang diễn ra trên toàn cầu có thể là một trong những dự án lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Bởi hầu hết hệ thống năng lượng tái tạo - bao gồm xe điện, tuabin gió, tấm pin mặt trời đều sử dụng một lượng lớn kim loại công nghiệp.
Trong một năm 2021 đầy biến động, giá đồng đã từng chạm mức cao kỷ lục hơn 10.400 USD/tấn khi quốc gia tiêu thụ hàng đầu là Trung Quốc khôi phục kinh tế. Kết thúc phiên giao dịch 30/12, giá đồng tương lai trên Sở LME đạt 9.680 USD/tấn, tăng 23% so với thời điểm đầu năm. Còn trên Sở Thượng Hải, giá đồng cũng tăng gần 20% trong một năm qua, hiện giao dịch quanh ngưỡng 70.000 NDT/tấn, tương đương 10.991 USD/tấn.
Trung Quốc hiện tiêu thụ gần 14 triệu tấn đồng mỗi năm, nhiều hơn phần còn lại của thế giới cộng gộp. Nhập khẩu đồng 11 tháng đầu năm nay đạt gần 5 triệu tấn, dù đã giảm 20% so với mức kỷ lục của cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, sự gián đoạn của các nhà khai thác đồng hàng đầu như Chile và Peru cùng kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng tạo động lực thúc đẩy giá đồng.
Giá trung bình một số mặt hàng kim loại trên sở LME năm 2021. Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam |
Không riêng kim loại đồng, các mặt hàng khác như kẽm, nikel trên Sở Kim loại London (LME) cũng tăng trung bình hơn 20% trong năm qua, đặc biệt nhôm đã tăng mạnh hơn 40%. Chỉ số LME Index cũng tăng 30%, thể hiện đà đi lên rõ rệt của nhóm kim loại công nghiệp. Theo Trung tâm Thanh toán Bù trừ của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), diễn biến của các mặt hàng này rất thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong năm nay, minh chứng bằng số liệu dòng tiền giao dịch nhóm kim loại công nghiệp đã tăng 40% chỉ trong quý IV, đạt khoảng 2.000 tỷ đồng/ngày.
Theo MXV, các mặt hàng như đồng, nhôm, kẽm hay nikel đều đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng sắp xảy ra, và do đó, đây có thể là một cơ hội đầu tư tiềm năng. Nhu cầu kim loại sẽ cao hơn và quan trọng hơn đối với nhiều nền kinh tế, tập trung vào chuỗi cung ứng nguyên liệu cho năng lượng tái tạo. Trung Quốc cũng đã mua nhiều mỏ nguyên liệu ở châu Phi và các nơi khác để tái thiết ngành năng lượng trong nước, trước khi đạt đến mục tiêu trung hòa carbon. Khi ngày càng có nhiều quốc gia nghiêm túc thực hiện các cam kết giảm phát thải, nhu cầu về các kim loại này dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên.
Áp lực từ khủng hoảng điện và một nhiệm vụ của Trung Quốc – sự ổn định
Giá điện ở châu Âu tăng vọt những tháng cuối năm. Hôm qua, giá điện đạt mức cao nhất mọi thời đại với hơn 400 euro/mwh ở Pháp, Đức, Hà Lan, Bỉ, Thụy Sĩ, Áo, Slovenia, Croatia, Hungary, Ý và Slovakia. Trong khi giá khí đốt đã tăng gần 500%, thì giá điện đang ảnh hưởng trực tiếp tới công suất sản xuất kim loại màu, chẳng hạn như nhôm và kẽm. Cùng diễn biến, sản xuất của Trung Quốc cũng rơi vào khoảng thời gian hồi phục chậm sau nhiều khủng hoảng ập đến cùng lúc, bao gồm bất động sản, giá điện và dịch bệnh.
Theo MXV, thị trường đồng, kẽm và nikel dự kiến sẽ cân bằng trở lại trong năm 2022 với mức giá có thể hạ nhiệt và dần ổn định trở lại sau những tác động của Trung Quốc trước việc kiểm soát sản xuất. Chiều ngược lại, giá nhôm có thể tiếp tục giữ ở mức hòa vốn. Mặt hàng này đã tăng giá lên mức cao nhất 13 năm là gần 3.300 USD/tấn vào tháng 10 trên Sở LME, chủ yếu do thiếu hụt nguồn cung và nhu cầu tăng mạnh.
Nhôm nổi bật ở chỗ, hoạt động sản xuất của Trung Quốc khó có thể phục hồi nhanh chóng sau Thế Vận hội Mùa đông vào tháng 2/2022. Và các nhà phân tích của Citi Group cho rằng thị trường nhôm sẽ thiếu hụt 1,28 triệu tấn trong năm tới với giá trung bình là 2.950 USD/tấn trong quý IV/2022, tăng 7% so với cùng kỳ năm nay.
Ở Trung Quốc, hầu hết các nhà máy sản xuất nhôm, đặc biệt là các nhà máy sử dụng điện tự sản xuất, đều bị thua lỗ từ cuối tháng 10 đến tháng 11 do chi phí điện (chiếm gần 40%) và giá nguyên vật liệu phụ trợ tăng cao. Tình trạng thiếu than nhiệt điện khiến chi phí nhiệt điện lớn hơn, còn giá nhôm vẫn ở mức thấp trong tháng 11. Tuy nhiên, các nhà máy nhôm đã có lãi trở lại trong tháng 12 khi giá than nhiệt, alumina và các nguyên liệu thô khác tiếp tục giảm và giá nhôm ở dưới mức 18.000 NDT, tương đương 2.820 USD/tấn.
Thiếu điện quả thực là một áp lực rất lớn đối với ngành sản xuất, đặc biệt khi năng lượng mặt trời và gió chưa đủ công suất để đáp ứng. Khó khăn này nhanh chóng lan sang các ngành công nghiệp, bao gồm cả luyện kim đen.
Giá thép thanh trung bình tháng trong năm 2021 của Trung Quốc. Nguồn: MXV |
Ở Trung Quốc hiện nay, phần lớn thép được sản xuất bởi lò cao. Tuy nhiên, theo MXV, tỷ trọng thép sản xuất giữa lò điện hồ quang và lò cao sẽ dần dịch chuyển trong vài năm tới, bởi các hồ chứa phế liệu thép ở quốc gia này đang tăng lên. Và nếu sản lượng thép từ các nhà máy điện hồ quang nhiều hơn thì điện năng là một áp lực, thậm chí là hạn chế giữa lúc khí đốt và dầu mỏ đang tăng chóng mặt.
Trung Quốc đang tìm cách cân bằng giữa nguồn cung và ổn định giá cả nguyên liệu thô. Nếu giá thép tiếp tục tăng lại, chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ thực hiện các biện pháp làm dịu giá thép. Điều này có thể sẽ rõ nét hơn ở nhiệm vụ công tác kinh tế năm 2022, với mục tiêu đảm bảo tăng trưởng ổn định cùng các chính sách hỗ trợ thị trường và giảm phát thải khí carbon.
Link gốc tại đây.
Theo NDH