Nhiệm vụ "bất khả thi" của Donald Trump: "Thoả mãn giới tài phiệt" đồng thời "Làm hài lòng tầng lớp lao động"?
Trần Quốc Khải
Junior Editor
Điều bất ngờ lớn nhất trong đêm bầu cử là một cuộc đua tổng thống được dự đoán ngang ngửa lại kết thúc không mấy sít sao. Donald Trump đã giành chiến thắng ở cả 7 bang chiến trường, tăng tỷ lệ phiếu bầu so với năm 2020 ở gần như mọi nơi. Đặc biệt, ông đạt được những bước tiến đáng kể với cử tri lao động người Latinh và da màu, tạo nên liên minh Đảng Cộng hòa đa dạng nhất kể từ thời phong trào dân quyền, đồng thời công khai sự ủng hộ của các tỷ phú như Elon Musk và Howard Lutnick tại các buổi vận động.
Giờ đây, khi quay trở lại Nhà Trắng, Trump phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là giữ cho liên minh rộng lớn này đoàn kết. Trong chiến dịch tranh cử, ông đã hứa hẹn rất nhiều. Ông cam kết gia hạn các đợt cắt giảm thuế năm 2017, vốn được giới giàu có và Phố Wall ưa chuộng (chi phí: 4.6 nghìn tỷ USD); miễn thuế cho tiền lương nhận được từ tiền tip của lao động dịch vụ (250 tỷ USD); tăng tín dụng thuế cho trẻ em từ 2,000 USD lên 5,000 USD để hỗ trợ ngân sách gia đình (3 nghìn tỷ USD); và loại bỏ thuế trên phúc lợi An sinh Xã hội để hỗ trợ người cao tuổi (1.8 nghìn tỷ USD). Tuy nhiên, Đảng Cộng hòa không thể thực hiện tất cả những điều này, thậm chí là phần lớn trong số đó, dù họ kiểm soát hoàn toàn Washington.
Đây chính là mâu thuẫn cốt lõi trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Trump: Liệu ông có thể làm hài lòng các nhà tài trợ tỷ phú và đồng minh Phố Wall trong khi vẫn đáp ứng được kỳ vọng của tầng lớp lao động đa sắc tộc, những người đã đưa ông quay trở lại Nhà Trắng? Nếu “chủ nghĩa dân túy vì giới thượng lưu” của Trump không cải thiện đời sống của họ tốt hơn so với thời Biden và Harris, các cử tri này có thể dễ dàng quay lưng lại với Đảng Cộng hòa. “Đây là vấn đề mà bất kỳ liên minh cầm quyền nào cũng gặp phải,” Dan Geldon, chánh văn phòng chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020 của Elizabeth Warren, nhận xét. “Làm thế nào để quản lý các mâu thuẫn trong liên minh mà không gây ra phản ứng ngược?”
Chiến thắng của Trump không phải là điều khó hiểu. Bất chấp những tranh cãi hậu bầu cử trong nội bộ Đảng Dân chủ về các vấn đề như "thức tỉnh" hay Joe Rogan, các cuộc khảo sát cho thấy cử tri tức giận về lạm phát và tin rằng Trump sẽ làm tốt hơn Harris trong việc hạ nhiệt lạm phát, hoặc ít nhất sẵn sàng đặt cược rằng ông có thể làm được. Trong một quốc gia bị chia rẽ sâu sắc về hầu hết mọi thứ, người Mỹ lại đồng thuận trong sự thất vọng về giá thực phẩm cao, một mối quan tâm hàng đầu của 9 trên 10 cử tri, theo khảo sát AP VoteCast.
Chiến dịch của Trump đã thu hút các cử tri này bằng cách không ngừng đổ lỗi cho Harris về giá cả leo thang. “Chúng tôi hầu như không chạy quảng cáo tích cực nào, và tất cả các quảng cáo về lạm phát đều sử dụng chính lời nói của bà ấy,” John Brabender, chiến lược gia và nhà sản xuất quảng cáo cho chiến dịch của Trump, chia sẻ. Một quảng cáo đặc biệt hiệu quả, có tên “Cuộc tranh luận vĩ đại,” chiếu cảnh Harris trong một buổi họp mặt, nhắc đến giá cả tăng cao: “Giá thực phẩm, tiền thuê nhà, xăng dầu, đồng phục học sinh - tất cả đều quá cao.” Sau đó, đoạn quảng cáo chuyển sang Harris khẳng định: “Bidenomics đang hoạt động.”
Hầu hết cử tri không đồng ý. Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học chính trị về tác động của lạm phát trong bầu cử xác nhận rằng sự bất đồng này trở nên mạnh mẽ hơn khi cử tri được nhắc nhở về giá cả tăng cao. “Chúng tôi nhận thấy rằng việc khiến người Mỹ suy nghĩ về lạm phát làm giảm sự ủng hộ đối với chính quyền Biden-Harris và làm giảm niềm tin vào khả năng quản lý kinh tế của Đảng Dân chủ”, nhóm nghiên cứu kết luận.
Tất cả điều này dường như ủng hộ một nhiệm kỳ tổng thống của Trump tập trung mạnh mẽ vào việc hạ nhiệt lạm phát. Nhưng đó không phải là những gì đang được dự kiến. Các dấu hiệu ban đầu cho thấy ông sẽ tập trung vào các vấn đề kích thích giới tài phiệt Phố Wall trước. Với nhiều điều khoản trong đợt cắt giảm thuế năm 2017 sẽ hết hạn vào năm tới, Chủ tịch Hạ viện Đảng Cộng hòa Mike Johnson đã tiết lộ một chương trình lập pháp cho 100 ngày đầu tiên của Trump, đặt việc gia hạn các khoản cắt giảm thuế này là ưu tiên hàng đầu. Trump thậm chí còn muốn tiến xa hơn. Vào tháng 7, ông nói với Bloomberg Businessweek rằng ông muốn giảm thêm thuế doanh nghiệp, xuống thấp hơn mức 21% đã thiết lập trong nhiệm kỳ đầu. “Tôi thích mức 15% hơn”, ông nói.
Ưu tiên cắt giảm thuế cho doanh nghiệp và những người có thu nhập cao sẽ đặt ra rủi ro chính trị mà ngay cả một số người ủng hộ Trump trung thành cũng tỏ ra cảnh giác. Steve Bannon, chiến lược gia trưởng trong nhiệm kỳ đầu của Trump, nhận xét: “Ưu tiên cần phải là tầng lớp lao động và trung lưu - mọi thứ nên xoay quanh sự thịnh vượng kinh tế của họ. Tôi không thấy cần thiết phải cắt thuế cho tỷ phú và những người có thu nhập cao cho đến khi Tổng thống Trump có cơ hội kiểm soát nợ công và thâm hụt”.
Rủi ro lớn hơn so với hình ảnh chính trị khi ưu ái giới tỷ phú có thể là tác động lạm phát. Việc đưa bơm thêm tiền có thể khiến nền kinh tế trở nên quá nóng, phá vỡ nỗ lực của Fed trong việc hạ lãi suất và giảm giá các hàng hóa như ô tô và nhà ở.
Rủi ro lạm phát còn tăng lên bởi ý định của Trump trong việc áp đặt thuế quan cao đối với cả đồng minh lẫn đối thủ, có thể lên tới 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Hầu hết các nhà kinh tế chính thống đều tin rằng các thuế quan này, nếu được áp đặt, sẽ được chuyển sang người tiêu dùng dưới hình thức giá cao hơn, dù Trump không đồng tình. Stephen Myrow, đối tác quản lý tại Beacon Policy Advisors, một công ty nghiên cứu độc lập ở Washington, nhận xét: “Tôi nghĩ mọi người đang đánh giá thấp mức độ Trump sẽ thực hiện với thuế quan. Ông ấy sẽ không chùn bước trước nỗi sợ lạm phát, vì ông không tin rằng chúng sẽ gây ra lạm phát. Ông sẽ cần phải chứng kiến điều ấy xảy ra trước khi điều chỉnh. Vì vậy, chúng ta sẽ không biết cho đến khi điều ấy xảy ra”.
Chương trình nghị sự của Trump, cùng với thế ba chân của Đảng Cộng hòa tại Washington, đã khiến các cựu quan chức Nhà Trắng như cựu Bộ trưởng Tài chính Lawrence Summers cảnh báo về một thảm họa kinh tế. "Nếu ông ấy thực hiện những gì đã nói trong chiến dịch tranh cử, sẽ có một cú sốc lạm phát lớn hơn nhiều so với những gì nước Mỹ phải chịu vào năm 2021", Summers nói với CNN.
Tuy nhiên, ngay cả khi Trump cắt giảm thuế và tăng thuế quan, ông vẫn có thể làm hài lòng các cử tri lao động bất mãn, bởi dường như ông đang được hưởng lợi từ thời điểm thuận lợi đặc biệt. Hầu hết các chỉ số kinh tế quan trọng đều đang đi theo hướng tích cực. Lạm phát đã đạt đỉnh cách đây hai năm rưỡi và giảm đều đặn kể từ đó. Tỷ lệ thất nghiệp đang gần mức đáy. GD) thực đang tăng trưởng với tốc độ hàng năm khoảng 3%. Fed đã bắt đầu cắt giảm lãi suất và dự kiến sẽ tiếp tục làm như vậy, miễn là Trump không thực hiện điều gì quá đột ngột gây xáo trộn nền kinh tế.
Một điều khiến Đảng Dân chủ đặc biệt khó chịu là Trump, chứ không phải Harris, lại có thể nhận được công lao chính trị từ những khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng và sản xuất của Mỹ - những thành tựu trung tâm trong nhiệm kỳ tổng thống của Biden. Tổng cộng, Biden đã ký các dự luật trị giá 3 nghìn tỷ USD nhằm phục hồi nền kinh tế Mỹ "từ giữa đi ra" tức là tập trung vào lợi ích của tầng lớp lao động, những người phần lớn đã quay lưng với Harris trong ngày bầu cử và ủng hộ Trump.
Những công việc mới được tạo ra trong những năm tới nhờ vào các chính sách của Biden cũng chủ yếu tập trung ở các bang chiến trường mà Trump đã thắng vào ngày 5 tháng 11, và các bang này là chỗ dựa quan trọng cho đa số của Đảng Cộng hòa tại Hạ viện và Thượng viện. “Những người hưởng lợi từ chính sách của Biden, một cách mỉa mai, lại chủ yếu ở các bang đỏ như Texas, Georgia và Carolinas”, David Autor, giáo sư kinh tế tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và chuyên gia về toàn cầu hóa và thị trường lao động, nhận xét. Một thành viên Đảng Dân chủ từng hỗ trợ thông qua các cải cách của Biden đã than phiền rằng Trump được trao các điều kiện đơn giản để quản lý nền kinh tế Mỹ.
Nhưng bất kỳ ai còn nhớ nhiệm kỳ Tổng thống trước đây của Trump đều biết rằng hỗn loạn là một phần của thương hiệu, và mọi thứ hiếm khi diễn ra như kế hoạch. Ông đã đe dọa sẽ hủy bỏ nhiều khoản đầu tư của Biden vào năng lượng sạch, có khả năng đặt những công việc mới vào tình trạng nguy hiểm. Kế hoạch tiến hành các cuộc đột kích quy mô lớn và trục xuất hơn 11 triệu người nhập cư không có giấy tờ có thể khiến GDP giảm, thậm chí gây ra suy thoái, theo một nghiên cứu của Bloomberg Economics. Một số đề cử nội các của ông - như Matt Gaetz, nghị sĩ gây tranh cãi từ Florida, làm Bộ trưởng Tư pháp, hoặc người dẫn chương trình Fox News Pete Hegseth làm Bộ trưởng Quốc phòng - đã khiến Washington bất ngờ và gần như chắc chắn sẽ tạo ra những hiệu ứng không thể lường trước. Lần này, Trump cũng sẽ không còn phải đối mặt với nhiều sự phản đối từ chính nội bộ Đảng Cộng hòa để ngăn ông phá vỡ các chuẩn mực chính trị và kinh tế. “Không còn bất kỳ phiên bản nào của Đảng Cộng hòa tồn tại mà có thể đối lập công khai và cố ý với Trump”, Liam Donovan, một nhà vận động hành lang Đảng Cộng hòa, nhận xét.
Dù tốt hay xấu, thương hiệu "chủ nghĩa dân túy vì giới thượng lưu" độc đáo của Trump, với tất cả những mâu thuẫn nội tại, sẽ có cơ hội thực sự để được thử nghiệm. Một trong những thành tựu ông đạt được vào đêm bầu cử là trở thành ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa đầu tiên trong 20 năm giành chiến thắng phiếu phổ thông. Điều đó cho thấy mức độ giận dữ của cử tri đối với Harris, người dường như bị đổ lỗi cá nhân cho lạm phát và tình trạng của đất nước: Không ít hơn bốn thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ ở các bang chiến trường đã thắng cử trong khi Harris lại thua ở các bang này.
Khi “từ chối” Harris, người Mỹ đã loại bỏ đảng cầm quyền khỏi Nhà Trắng trong cuộc bầu cử Tổng thống thứ ba liên tiếp. Điều này chưa từng xảy ra kể từ năm 1896 và nói lên bản chất ngắn ngủi của các liên minh chính trị hiện đại, cùng với sự sẵn sàng dễ dàng của cử tri trong việc loại bỏ các chính trị gia mà họ mất niềm tin. Giờ đây, đến lượt Trump một lần nữa. Ông sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn để ngăn điều này lặp lại lần thứ tư.
Bloomberg