Nhìn lại một năm đầy sóng của giá vàng
Tin Tức Tổng Hợp
feeder
Giá vàng trong năm 2021 tăng giảm liên tục theo diễn biến dịch bệnh Covid-19 và những chính sách đóng – mở cửa liên tiếp của các nước trên thế giới.
Giá vàng thế giới diễn biến theo các gói kích cầu và dịch Covid-19
Giá vàng thế giới trong năm Covid-19 thứ hai tăng giảm đan xen theo đà của diễn biến dịch bệnh Covid-19. Có thể thấy giá vàng thế giới có 3 đợt sóng, vào đầu tháng 1, đầu tháng 6 và trung tuần tháng 11 năm nay.
Sau một năm 2020 rực rỡ và liên tục đạt những kỷ lục mới, phiên giao dịch đầu tiên của năm 2021 (04/01), giá vàng thế giới giao ngay tiếp tục tăng lên 1,942.28 USD/oz.
Không dừng lại ở đó, những ngày đầu năm 2021, giá vàng tăng liên tiếp nhờ hỗ trợ từ giá USD xuống mức thấp nhất trong hơn 2.5 năm. Bên cạnh đó, chủng Delta của dịch Covid-19 có khả năng lây nhiễm cao được phát hiện ở Anh cũng đã được tìm thấy ở New York làm gia tăng lo ngại tình hình dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng... đẩy nhu cầu tìm nơi trú ẩn an toàn gia tăng khi thị trường chứng khoán Mỹ bán tháo. Kết quả là giá vàng đạt đỉnh kỷ lục của năm tại mức 1,942.28 USD/oz, cũng vào phiên giao dịch đầu tiên của năm.
Tuy nhiên, sau đó, giá vàng bắt đầu chuỗi ngày trượt dốc vì lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng trên 1% lần đầu tiên kể từ tháng 3/2020. Bên cạnh đó, chỉ số đồng USD ổn định trở lại, cũng khiến vàng trở nên kém hấp dẫn hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác.
Đợt giảm giá vàng kéo dài khi đồng USD hồi phục sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục cam kết hỗ trợ nền kinh tế và sử dụng các công cụ cần thiết để giúp nền kinh tế khởi sắc sau đại dịch.
Vào thời điểm này, chỉ số USD-Index tăng 0.3 điểm, lên 92.4 điểm. Ngày 08/03/2021, giá vàng giao ngay cũng chạm đáy 1,683 USD/oz.
Chỉ số USD-Index từ đầu năm đến 14/12/2021 |
Nguồn: Tradingview |
Trong năm nay, tình hình nền kinh tế toàn cầu đối diện khá nhiều bất ổn, đặc biệt tình trạng gia tăng đột biến các ca mắc Covid-19 ở một số nước như Ấn Độ và Brazil, có thể giáng một đòn mạnh vào đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu... Điều này đã chặn đứng đà rơi của giá vàng từ cuối tháng 4/2021.
Thêm vào đó, trung tuần tháng 5 giữa bối cảnh các đồng tiền số như Bitcoin rơi tự do và giới đầu tư cũng lo ngại về tình hình tài chính của nhiều nước, trong đó có khu vực châu Âu. Đồng Bitcoin tiếp tục lao dốc và lần đầu tiên trong nhiều tháng xuống sát ngưỡng 30,000 USD sau khi Trung Quốc tuyên bố cấm sử dụng tiền kỹ thuật số trong các giao dịch đồng thời cảnh báo giới đầu tư về hoạt động đầu cơ loại tiền này. Đây là điều cũng khiến vàng hưởng lợi.
Sau khi lấy lại mốc 1,900.19 USD/oz vào ngày 01/06, giá vàng sau đó lao dốc không phanh trước bình luận của các quan chức Fed về khả năng tăng lãi suất vào năm 2023 cũng như bắt đầu thu hẹp chương trình mua trái phiếu, đưa giá vàng giao ngay về đáy 1,763.34 USD/oz vào phiên 18/06.
Trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 10, giá vàng thế giới nhiều lần biến động trong biên độ khá rộng theo diễn biến dịch Covid-19 đi cùng với các thông tin kích cầu kinh tế của các nước và dấu hiệu của đà tăng lạm phát.
Tuần đầu tháng 11, giá vàng thế giới bật tăng mạnh sau khi Fed phát đi thông điệp sẽ kiên nhẫn với việc nâng lãi suất cơ bản đồng USD. Tuy nhiên, nửa cuối tháng 11, giá vàng lại bất ngờ đảo chiều và gần như xóa tan đà tăng trong tuần đầu tháng.
2 tuần đầu tháng 12, khi lo ngại về biến thể mới ở Nam Phi tên Omicron cũng có tác động lên giá vàng. Các nhà kinh tế lo ngại bất kỳ biện pháp hạn chế đi lại tại thời điểm này cũng sẽ gây thêm áp lực và sự gián đoạn lên nguồn cung hiện tại, dẫn đến nguy cơ lạm phát và đình trệ sẽ ngày càng tăng.
Đầu phiên sáng 14/12/2021, hợp đồng vàng giao ngay tiến lên 1,788 USD/oz, ghi nhận mức giảm gần 8% so với đầu năm.
Diễn biến giá vàng thế giới từ đầu năm đến 14/12/2021 |
Nguồn: Investing.com |
Giá vàng trong nước bay cao
Giá vàng trong nước không có quá nhiều biến động và vẫn diễn biến theo giá vàng thế giới. Tuy nhiên những tháng cuối năm, trong giai đoạn giá vàng thế giới giảm mạnh thì giá vàng trong nước vẫn giữ xu hướng tăng, khiến chênh lệch giữa 2 thị trường đạt mức cao.
Từng đạt mốc 60 triệu đồng/lượng vào tháng 8/2020, sau đó giá vàng trong nước lao dốc về mức 55-57 triệu đồng/lượng trước khi tăng vọt trở lại trong khoảng tuần thứ 2 của tháng 11.
Giá vàng SJC trong nước lập đỉnh 61.1-61.82 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào-bán ra vào ngày 18/11. Dù sau đó có nhiều phiên điều chỉnh về dưới mốc 60 triệu đồng/lượng, nhưng đến phiên sáng 14/12, giá vàng ghi nhận Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào 60.9 triệu đồng/lượng và bán ra 61.6 triệu đồng/lượng, mức giá này cũng đã cao hơn 10% so với mức 55.55-56.12 triệu đồng/lượng của phiên đầu năm.
Biểu đồ giá vàng SJC trong nước từ đầu năm đến phiên 14/12/2021 |
Nguồn: Tygia.vn |
Hiện nay, giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đang chênh lệch lớn. Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Kim Eng (MBKE) cho biết, chênh lệch hơn 10 triệu đồng/lượng như hiện nay đã đạt mức cao nhất trong lịch sử. Trước đây, dù có chênh lệch nhưng giá vàng trong nước và thế giới thường đi cùng chiều. Những ngày gần đây lại có xu hướng đi ngược nhưng chỉ mới một vài phiên chưa thể khẳng định được xu hướng.
Song song đó, nhu cầu đầu tư vào vàng hiện nay của người dân không còn quá nhiều so với thời gian sốt nóng những năm trước. Nhu cầu đầu tư vàng hiện nay thấp hơn so với những kênh đầu tư khác như bất động sản và chứng khoán. Tỷ lệ lợi nhuận của những kênh đầu tư này hoặc những kênh như tiền số quốc tế lợi nhuận càng cao hơn so với đầu tư vàng. Những nhà đầu tư vào vàng chỉ mang tính chất phòng thủ, nhu cầu và sự quan tâm sẽ không bằng những năm trước.
“Nếu tính ra những người mua vàng từ mức trên 50 triệu đồng/lượng thì lợi nhuận nhận được chỉ ngang ngửa tiền gửi ngân hàng và chắc chắn không thể nào bằng chứng khoán và bất động sản. Nếu giá vàng trong nước tương quan chính xác với giá vàng thế giới thì hầu như những người mua vàng trong năm 2021 đều thua lỗ”, ông Khánh khẳng định.
Link gốc tại đây.
Theo Vietstock