Nhóm G7 chỉ trích Trung Quốc, cảnh báo về căng thẳng thương mại leo thang
Đặng Thùy Linh
Junior Analyst
Các Bộ trưởng Tài chính của các nước thuộc G7 đã đồng loạt chỉ trích sự tham gia của Trung Quốc vào hệ thống thương mại toàn cầu nhằm thể hiện sự đoàn kết kèm theo lời cảnh báo căng thẳng thương mại có thể leo thang hơn nữa.
Nhóm các bộ trưởng và thống đốc ngân hàng trung ương của các nước "giàu có" đã kết thúc hội nghị tại thị trấn Stresa của Ý vào Thứ Bảy với một thông cáo chung nêu đích danh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và cáo buộc nước này đang gây thiệt hại cho nền kinh tế của các đối tác thương mại.
Họ tuyên bố: "Mặc dù tái khẳng định lợi ích của chúng tôi với sự hợp tác cân bằng và có qua có lại, chúng tôi vẫn bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc sử dụng toàn diện các chính sách phi thị trường, điều này làm suy yếu thị trường lao động, các ngành công nghiệp và khả năng phục hồi kinh tế của chúng tôi. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi những tác động tiêu cực tiềm ẩn của tình trạng dư cung và sẽ xem xét thực hiện các bước để đảm bảo một sân chơi bình đẳng."
Những lời cảnh báo đó tiếp nối tuyên bố vào Thứ Sáu của chính quyền Biden về việc tái áp đặt thuế quan đối với hàng trăm mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Giọng điệu cứng rắn này cho thấy đây có thể chỉ là màn dạo đầu cho những căng thẳng hơn nữa nếu Donald Trump đắc cử trong cuộc bầu cử Mỹ vào cuối năm nay.
Washington vẫn là khu vực gây sức ép lớn nhất lên Trung Quốc, mặc dù hồi đầu tuần, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nhấn mạnh rằng các nước G7 từ Đức, Pháp và Liên minh Châu Âu cũng có những bất bình. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire là một trong những người thúc đẩy lập trường thống nhất.
Bộ trưởng Tài chính Italy Giancarlo Giorgetti, chủ tịch cuộc họp, chia sẻ rằng: "Vấn đề thuế quan đối với Trung Quốc là một thực tế khách quan, không phải là lựa chọn chính trị. Khi Mỹ, với Đạo luật Giảm lạm phát của mình, bắt đầu chính sách này, điều này buộc EU phải suy ngẫm lại cách hành xử trong những tình huống này."
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) thông báo vào thứ Sáu rằng Mỹ sẽ kết thúc hiệu lực miễn thuế quan đối với khoảng một nửa trong số 400 sản phẩm trước đó được miễn thuế. 164 mặt hàng khác sẽ được gia hạn miễn thuế đến tháng 5 năm sau.
Đầu tuần, Trung Quốc ra tín hiệu sẵn sàng áp thuế quan lên tới 25% đối với ô tô nhập khẩu có động cơ lớn, cho thấy những tranh chấp về ô tô - một trong những ngành công nghiệp lớn nhất của châu Âu - đang gày càng trở nên căng thẳng.
BYD của Trung Quốc, đã vượt qua Tesla vào năm ngoái khi trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất toàn cầu, có kế hoạch đưa mẫu Seagull hatchback đến châu Âu vào năm tới. Sau khi áp thuế và điều chỉnh để đáp ứng tiêu chuẩn châu Âu, các giám đốc điều hành dự kiến sẽ bán nó với giá dưới 20,000 euro (21,500 USD) trên lục địa này.
Ngôn ngữ trong tuyên bố chung của G7 gợi ý về các biện pháp trừng phạt trả đũa có thể đến từ tất cả các quốc gia trong nhóm.
Các bộ trưởng cho biết: “Chúng tôi sẽ nỗ lực làm cho chuỗi cung ứng của mình trở nên linh hoạt hơn, đáng tin cậy, đa dạng và bền vững hơn, đồng thời ứng phó với các hoạt động gây hại, cũng như bảo vệ các công nghệ then chốt và mới nổi. Khi cần thiết, chúng tôi sẽ xem xét các biện pháp thích hợp để thúc đẩy giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa nguồn cung.”
Vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau trong G-7 về mức độ căng thẳng trong lĩnh vực thương mại toàn cầu.
Ví dụ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh, Jeremy Hunt, cho rằng đất nước của ông sẽ không vội vàng áp đặt các biện pháp.
Ông nói: “Điều thực sự quan trọng là thế giới không nên vô tình quay trở lại chủ nghĩa bảo hộ. Chúng tôi phải suy nghĩ rất kỹ trước khi áp đặt thuế quan hoặc các biện pháp phòng vệ thương mại. Nhưng chúng tôi vẫn đang xem xét các công việc chi tiết cần thiết để đi đến quyết định.”
Bản thân Giorgetti cũng thừa nhận những mức độ quan ngại khác nhau trong nhóm.
Ông chia sẻ: “Không thể phủ nhận rằng có nhiều quan điểm khác nhau về cách giải quyết vấn đề này và chúng ta phải đối mặt với nó khi nhận thức được khả năng Trung Quốc trả đũa”.
Mặc dù vậy, kết quả tổng thể của cuộc họp ban đầu dự kiến sẽ tập trung nhiều nhất vào viện trợ kỹ thuật cho Ukraine, cùng với các cuộc thảo luận về nền kinh tế toàn cầu, hiện bao gồm ngôn từ quyết đoán nhất mà nhóm từng thống nhất về Trung Quốc trong một tài liệu chung, thường ít đề cập đến thương mại.
Điều đầu tiên có thể xảy ra là một nghiên cứu chuyên sâu về mối đe dọa được cho là từ Trung Quốc, một động thái mà Le Maire đã thúc đẩy.
Các Bộ trưởng cho biết thêm: "Chúng tôi ủng hộ việc hợp tác với các lĩnh vực liên quan khác để đánh giá tác động vĩ mô của việc trợ cấp và các biện pháp chính sách công nghiệp và thương mại khác trên toàn cầu," đồng thời cam kết "thúc đẩy đối thoại với các nước thứ ba về các vấn đề liên quan đến chính sách công nghiệp, phân mảnh kinh tế, rủi ro tập trung thị trường và dư thừa cung."
Bloomberg