Nhu cầu cao từ thị trường châu Á đẩy giá vàng tăng cao
Ngọc Lan
Junior Editor
Vàng tiếp tục tỏa sáng. Vượt qua mức kỷ lục trong tháng 5, vàng vẫn là điểm nhấn trên thị trường hàng hóa, với nhu cầu chủ yếu đến từ châu Á. Trong 3 tháng qua, hợp đồng tương lai vàng giao tháng 6 đã tăng khoảng 300 USD, từ mức 2,052 USD/oz lên mức hiện tại là 2,360 USD/oz. Vào thứ Ba, giá vàng tương lai tăng 1.10% lên 2,360 USD/oz, trong khi giá vàng giao ngay tăng 0.32% lên 2,357 USD/oz.
"Thị trường vàng là một thị trường đặc biệt. Mặc dù nhu cầu toàn cầu gần như không tăng trưởng trong thập kỷ qua, giá vàng đã tăng gấp đôi. Điều này là do thay vì tổng cầu tăng, thì chính sự dịch chuyển giữa các phân khúc và khu vực cùng với sức mua mạnh mẽ của khu vực châu Á mới chính là yếu tố thúc đẩy giá vàng", theo nhóm nghiên cứu tại Julius Baer Thụy Sĩ.
Nhóm nghiên cứu của Julius Baer nhận thấy những rủi ro gia tăng đối với kim loại này và cho biết sức mua mạnh mẽ của châu Á đối với vàng không chỉ được thúc đẩy bởi các yếu tố kinh tế mà còn bởi các yếu tố địa chính trị. Không có cơn sốt vàng nhưng nhu cầu ở Trung Quốc vẫn mạnh mẽ, với lượng mua của PBoC chiếm ít nhất 30% đến 50% tổng mua ròng vàng của các ngân hàng trung ương trên thế giới 2 năm qua.
Lý giải cho điều này, theo Carsten Menke - Giám đốc nghiên cứu tại Julius Baer - là do mong muốn giảm phụ thuộc vào đồng USD của Trung Quốc và phòng ngừa các lệnh trừng phạt tiềm ẩn trong tương lai.
"PBoC cho thấy dấu hiệu nhạy cảm với giá, nhưng sức mua của họ đã tăng lên khi giá vàng đi lên", ông nói thêm.
Ngoài vàng, Julius Baer cũng có cái nhìn tích cực về bạc, cả hai đều được điều chỉnh gần đây từ mức thận trọng.
Đối với vàng, dự báo giá 3 tháng và 12 tháng lần lượt là 2,450 USD/oz và 2,550 USD/oz. Trong khi đó, giá ước tính cho bạc lần lượt là 31 USD và 33 USD.
Investing