Những gã khổng lồ ngành đầu tư thế giới đang tăng cường đặt cược hậu Covid-19
Ngô Văn Thịnh
Economic Analyst
Một số nhà đầu tư lớn nhất thế giới cho biết đã đến lúc xây dựng danh mục đầu tư khi đại dịch kết thúc. Tuy nhiên có những bất đồng trong việc xác định đâu là cách tốt nhất để làm điều đó.
Một trong những khuyến nghị của JP Morgan Asset Management Inc. là mua cổ phần của các công ty du lịch, hãng hàng không và khách sạn. Nhóm phân tích đa tài sản của Fidelity International Ltd. đang gia tăng tỷ lệ nắm giữ ở các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi virus như Châu Âu, đặt cược rằng họ sẽ dần hồi phục. Franklin Templeton cho rằng vẫn còn quá sớm để rời khỏi những nơi đã xử lý tốt hơn cuộc khủng hoảng sức khỏe như châu Á.
Ngay cả khi cả ba công ty đều lựa chọn bỏ qua số ca nhiễm tăng đột biến và kéo dài phong tỏa để hướng tới triển vọng phần lớn dân số sẽ được tiêm chủng vào một thời điểm nào đó trong hai năm tới, quan điểm khác biệt của họ về cách đầu tư sẽ quyết định mức tiền thưởng của các nhà quản lý tiền trong thời điểm vô cùng quan trọng này. Những tiến bộ về vắc-xin Covid-19 trong tháng này đã tạo ra những thay đổi lớn về hiệu suất tương đối giữa các ngành, quốc gia và phong cách đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Tai Hui, chiến lược gia thị trường châu Á tại JP Morgan Asset Management cho biết: “Sự luân chuyển dòng tiền giữa các lĩnh vực trong thị trường cổ phiếu có thể là yếu tố chi phối trong những tháng tới”. “Chúng tôi nghĩ rằng các nhà đầu tư nên tìm cách đa dạng hóa danh mục của họ để tận dụng những tin tức tốt về việc phát triển vắc-xin.
Moncef Slaoui, người đứng đầu chương trình tăng tốc vắc-xin của chính phủ liên bang, cho biết trên CNN vào ngày 22 tháng 11: "Hy vọng" sẽ bắt đầu triền khai vắc-xin ở Mỹ trong vòng chưa đầy ba tuần nữa. Điều đó được đưa ra sau khi Pfizer Inc. và đối tác BioNTech SE, và Moderna Inc., cho biết vắc-xin của họ có hiệu quả tới 95%. Một loại vắc-xin được phát triển bởi Đại học Oxford và AstraZeneca Plc cũng đã ngăn chặn phần lớn người mắc bệnh.
Những bước đột phá về vắc-xin đưa khả năng chấm dứt đại dịch trong tầm với
Chỉ số chứng khoán toàn cầu đã tăng hơn 4% kể từ ngày 9 tháng 11, khi Pfizer lần đầu tiên thông báo rằng vắc-xin của họ có hiệu quả hơn 90%. Đà tăng của thị trường chứng khoán đang kéo dài ngay cả khi các nhà đầu tư tính đến các khó khăn như quy trình bảo quản và phân phối ở nhiệt độ cực thấp đối với một số loại vắc-xin. Chứng khoán Mỹ đạt mức đỉnh mới vào thứ Ba, với chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones lần đầu tiên leo lên trên 30,000. Cổ phiếu toàn cầu đã sẵn sàng cho tháng tốt nhất từ trước đến nay trong khi chứng khoán châu Á đang trên đà tăng tốt nhất kể từ năm 2009 trong tháng này.
Theo Salman Ahmed, người đứng đầu bộ phận phân bổ tài sản chiến lược và vĩ mô tại Fidelity International London, đã đến lúc trở nên tích cực với thị trường châu Âu. Ông nói, nhóm phân tích đa tài sản của công ty đã chuyển sang “bullish” đối với khu vực và đó là một “sự thay đổi lớn”. Châu Á, theo Ahmed, đã được hưởng lợi tối đa mà họ có thể nhận được từ việc ngăn chặn virus.
Ông nói: “Các quốc gia đang chịu nhiều áp lực vì Covid-19 có thể là những quốc gia thu được nhiều lợi ích nhất từ một loại vắc-xin đáng tin cậy. "Và châu Âu nằm trong danh mục đó khi tình hình dịch bệnh ở đây khá tệ".
Sự dịch chuyển đã bắt đầu. Một thước đo chứng khoán châu Âu tăng hơn 7% kể từ ngày 9 tháng 11.
Nhưng không phải ai cũng tin vào sự dịch chuyển dòng tiền này. Đối với Stephen Dover, người đứng đầu bộ phận cổ phiếu tại Franklin Templeton cho biết, vẫn còn ít nhất vài tháng trước khi bất kỳ loại vắc-xin nào có thể được triển khai rộng rãi, và điều đó có nghĩa là chúng ta vẫn nên nắm giữ cổ phiếu châu Á.
Vắc-xin: hồi kết của đại dịch
Ông nói trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu tháng: “Châu Á được hưởng lợi khi có thể hoạt động kinh tế đầy đủ trong khi phương Tây phải chờ đợi quá trình tiêm chủng rộng rãi".
Các nhà quản lý tài sản cũng có quan điểm khác nhau về thời điểm vắc-xin sẽ đưa nền kinh tế trở lại bình thường. Ví dụ, đối với Dover, điều đó có nhiều khả năng xảy ra vào nửa cuối năm 2021. Nhưng Ross Cameron của quỹ quản lý tài sản Úc Northcape Capital tại Tokyo đánh giá rằng hơn một nửa dân số thế giới vẫn sẽ không được tiêm phòng vào cuối năm 2023.
Cameron cho biết: “Cảm nhận của chúng tôi là các thị trường đang quá lạc quan về tốc độ triển khai vắc-xin toàn cầu. Quá trình này sẽ mất rất nhiều thời gian và tiền bạc".
Cameron cho biết các nhà sản xuất găng tay - mà ông đã đầu tư vào hơn một thập kỷ - có khả năng là người hưởng lợi lớn từ việc tiêm phòng virus.
Ông nói: “Việc quản lý vắc-xin sẽ dẫn đến nhu cầu về găng tay để bảo vệ các chuyên gia y tế tăng vọt. Nhu cầu găng tay có thể sẽ vẫn tăng trong ít nhất hai năm tới."
Malaysia’s Top Glove Corp., nhà sản xuất găng tay cao su lớn nhất thế giới, đã tăng hơn 4 lần trong năm nay, mặc dù sụt giảm hôm thứ ba sau khi công nhân của họ nhiễm Covid-19, buộc các nhà chức trách phải tạm thời đóng cửa 28 nhà máy của họ.
Ấn Độ, Indonesia
Theo Fidelity’s Ahmed, sự thành công của vắc-xin cũng sẽ mang lại lợi ích cho thị trường chứng khoán ở Ấn Độ và Indonesia. Ấn Độ có số ca nhiễm Covid-19 cao thứ hai thế giới trong khi Indonesia ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất tại Đông Nam Á. Trong khi thước đo thị trường chứng khoán của Ấn Độ đã tăng vào năm 2020, thì chỉ số tổng hợp Jakarta đã mất hơn 9%.
Evan McCulloch, giám đốc nghiên cứu thị trường chứng khoán của Franklin Equity Group và giám đốc danh mục đầu tư hàng đầu của Quỹ Khám phá Công nghệ Sinh học Franklin, đã tóm tắt rằng các nhà quản lý tài sản nhìn chung đều đang “nhìn xa hơn” sự bùng phát của Covid-19 và việc đóng cửa trở lại tại nhiều quốc gia, mặc dù có sự khác biệt trong chiến lược của họ.
Ông nói: “Chúng tôi là những nhà đầu tư dài hạn. Chúng tôi đang tạm bỏ qua số ca bệnh gia tăng và sự suy yếu kinh tế để hướng tới việc mở cửa trở lại nền kinh tế nhờ sự hỗ trợ của vắc-xin”.