Những hàng hóa tăng nhanh giảm sốc trong năm 2021
Tin Tức Tổng Hợp
feeder
Giữa lúc nguồn cung đứt gãy và nhu cầu bùng nổ ở nhiều nơi, nhiều hàng hóa tăng giá và liên tục lập đỉnh. Tuy vậy, đâu đó vẫn có những hàng hóa tăng nhanh giảm sốc như gỗ, cao su, quặng sắt.
Gỗ xẻ giảm gần 70% so với đỉnh
Hồi tháng 5/2021, gỗ xẻ từng là một trong những hàng hóa tăng giá mạnh nhất trên thế giới trong năm 2021 khi đại dịch Covid-19 đẩy nhu cầu xây dựng nhà ở tăng mạnh. Vậy mà nay, giá gỗ đã quay đầu giảm mạnh gần 70% so với mức đỉnh.
Hợp đồng gỗ xẻ tương lai giảm xuống dưới 471 USD cho mỗi 1,000 board feet (BF – đơn vị đo lường của gỗ cứng xẻ) trong tháng 9/2021, tức giảm 70% so với mức đỉnh 1,711.2 USD xác lập trong tháng 5/2021 và về gần mức trước dịch Covid-19.
Diễn biến giá gỗ
Điều này là do cán cân cung cầu điều chỉnh và ngay khi nhu cầu từ bất động sản và xây dựng lao dốc. Mức giá nhà cao ngất ngưỡng tiếp tục gây áp lực lên khả năng mua nhà của người dân Mỹ, trong khi nhiều khách hàng chuyển sang chi tiêu cho các dịch vụ và hàng hóa sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại.
Trong suốt chuỗi tăng nóng trước đó, các công ty xây dựng, hãng bán lẻ và các công ty khác tăng cường tích trữ gỗ vì lo ngại sẽ cạn nguồn nguyên vật liệu trong mùa cao điểm xây dựng. Ngoài ra, nhu cầu còn được thúc đẩy thêm bởi mức lãi suất vay thế chấp thấp và các đợt phát tiền của Chính phủ Mỹ.
“Các công ty mua gỗ nhiều hơn mức họ cần vì họ sợ sẽ không mua được sau này”, Mike Wisnefski, Tổng Giám đốc của sàn giao dịch trực tuyến MaterialsXchange, cho hay.
Và thế là thị trường rơi vào tình trạng tồn kho quá mức. Kết quả là các công ty xây dựng, từ mua tích trữ chuyển sang bán mạnh hàng tồn kho.
Giá gỗ “cắm đầu” vì hàng tồn kho gỗ ngày càng tăng, trong khi nhu cầu từ các cửa hàng bán lẻ giảm mạnh. Nhu cầu cải tạo nhà ở thấp hơn đã đẩy nguồn cung gỗ sẵn có gia tăng và từ đó giảm bớt áp lực giá, ông Greg Kuta, CEO của công ty chuyên về chiến lược giao dịch gỗ Westline Capital Strategies, cho hay
Tuy nhiên, hiện tại, tình trạng thiếu hụt đất trống và thiếu hụt lao động kéo dài cùng với sự ập đến của cơn bão Ida ở phía Nam nước Mỹ đã châm ngòi cho sự ùn tắc logistics, khi nhiều cơ sở quan trọng bị tàn phá và xe tải vận chuyển gỗ bị chuyển hướng khác hoặc bị trì hoãn. Cùng lúc đó, nhà máy cưa gỗ ở Mỹ và Canada đã giảm sản lượng vì giá gỗ đã giảm mạnh trong tháng 5-7/2021.
Giá cao su giảm gần 45% từ đỉnh
Hợp đồng cao su tương lai của Nhật Bản nối dài đà giảm xuống mức dưới 190 Yên/kg trong tháng 9/2021, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2020. Nguyên nhân đằng sau cú trượt dốc này đến từ nhu cầu yếu ớt tại Trung Quốc, cùng với sự suy giảm của hoạt động sản xuất xe hơi (vì thiếu cung chip) và sự bùng phát dịch Covid-19.
Diễn biến giá cao su
Trong tháng 8/2021, kim ngạch nhập khẩu cao su của Trung Quốc – bao gồm cao su tự nhiên và cao su tổng hợp – giảm 24% so với cùng kỳ. Các hãng sản xuất xe hơi Nhật Bản Honda Motor, Nissan Motor và Toyota Motor đều ghi nhận doanh số bán xe tại Trung Quốc giảm mạnh khi tình trạng thiếu chip tác động đến hoạt động sản xuất ở thị trường xe hơi lớn nhất thế giới. Trong khi đó, các hãng xe từ General Motors của Mỹ cho tới Mahindra của Ấn Độ và Toyota của Nhật Bản đã cắt giảm sản lượng và hạ dự báo.
Quặng sắt giảm hơn 50% từ đỉnh
Giá của quặng sắt tương lai tại sàn giao dịch Singapore đã giảm xuống dưới mức 100 USD/tấn trong tuần cuối tháng 9/2021. Ở mức này, giá quặng sắt đã giảm hơn 50% so với đỉnh 230 USD/tấn được xác lập vào tháng 5/2021, giữa lúc Trung Quốc áp các biện pháp kiểm soát sản lượng thép.
Diễn biến giá quặng sắt
Hai thủ phủ sản xuất thép Trung Quốc là Đường Sơn và Hàm Đan vừa quyết định cắt giảm sản lượng trong tháng 9 để cải thiện chất lượng không khí nhằm chuẩn bị cho Thế Vận Hội mùa Đông năm 2022.
Tại Đường Sơn, tất cả 19 nhà sản xuất thép khác (ngoại trừ Shougang Jingtang và Shougang Qiangang) bị buộc phải giảm 30% công suất sản xuất sắt thép trong tháng 9.
Trong 7 tháng đầu năm, Đường Sơn sản xuất 74.2 triệu tấn thép thô. Thành phố dự báo sản lượng thép trong cả năm 2021 ở mức 131.7 triệu tấn, tức dự kiến sản xuất 57.5 triệu tấn trong 5 tháng còn lại. Các nguồn tin thị trường cho biết các đợt cắt giảm sản lượng có khả năng bị tăng mức độ vì các chính sách này và các nhà máy được yêu cầu giảm sản lượng thực tế thay vì chỉ giới hạn sản xuất tương đối với công suất.
Tương tự, các nhà máy ở Hàm Đan cũng bị buộc phải giảm sản lượng thép thêm 4.4% trong tháng 9-10/2021, trong khi mức công suất sử dụng lò cao của 16 nhà máy sản xuất thép địa phương sẽ bị giới hạn ở mức 53-83%, tùy vào hiệu suất bảo vệ môi trường của mỗi hãng thép.
Bên cạnh đó, Hàm Đan phải loại bỏ dần dần 20 lò cao có dung tích dưới 1,000 m3 và 20 lò luyện kim dưới 100 tấn theo từng giai đoạn, (trích từ tài liệu). Theo kế hoạch, hơn 50% trong số này có thể bị đóng cửa trong tháng 9, 70% sẽ đóng cửa trước mùa đông (chủ yếu từ tháng 11/2021) và tất cả sẽ buộc phải tạm ngưng trước khi kết thúc năm nay.
Trước đó, tỉnh An Huy, Cam Túc, Phúc Kiến, Giang Tô, Giang Tây, Sơn Đông và Vân Nam đều nhận chỉ thị giới hạn sản lượng ở mức của năm 2020. Trong khi đó, Trung Quốc vừa nhập khẩu lượng quặng sắt kỷ lục trị giá 20 tỷ USD trong tháng 8/2021 khi lượng mua từ Brazil tăng mạnh và từ Autralia đạt mức kỷ lục. Hàng tồn kho quặng sắt tại cảng đã vượt 131 triệu tấn.
“Lĩnh vực bất động sản và cơ sở hạ tầng chiếm tương ứng 20-25% và 25-30% nhu cầu thép tại Trung Quốc”, Vivek Dhar, Chuyên viên phân tích hàng hóa tại Commonwealth Bank, cho hay. “Chúng tôi kỳ vọng các đợt cắt giảm sản lượng từ phía Trung Quốc sẽ được thực hiện trong quý 4/2021 khi nhu cầu giảm tốc vì yếu tố mùa vụ và chiến dịch giảm ô nhiễm không khí chuẩn bị cho kỳ Thế Vận Hội mùa Đông.
Kết quả là chúng tôi kỳ vọng giá sẽ ổn định trở lại trong tháng 9-10/2021, trước khi tiếp tục giảm về dưới mốc 100 USD/tấn trong năm 2022”, các chuyên viên UBS cho biết trong báo cáo gần đây.
Link gốc tại đây.
Theo Vietstock