Nợ công: "Bom hẹn giờ" bắt đầu đếm ngược trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt và tăng trưởng chậm lại
Thành Duy
Junior editor
Vấn đề về khả năng trả nợ (chính xác là nợ công và tạm gọi là nợ trong phạm vi bài viết) vốn đã ngấm ngầm từ lâu nhưng có khả năng sẽ sớm trở thành thách thức lớn. Thách thức này đặc biệt nghiêm trọng ở các nước có nợ cao như Mỹ, Pháp và Anh.
Nhớ lại hồi Covid, tỷ lệ Nợ/GDP của phần lớn các nước phát triển (DM) đã tăng vọt khi nợ thì phóng như tên lửa trong khi GDP thì cắm đầu xuống đất. Chán nản chưa? May mắn là sau đó mọi chuyện khá hơn khi các nền kinh tế bắt đầu phục hồi từ suy thoái, lạm phát tăng kéo theo cả GDP danh nghĩa tăng, tạm thời gỡ gánh cho "mẫu số" - hay GDP. Niềm vui không được bao lâu, giờ đây, khi lạm phát hạ nhiệt, tăng trưởng chậm lại theo xu hướng chung thì "tử số" - hay nợ sẽ trỗi dậy lần nữa và trở thành tâm điểm.
Bản báo cáo gần đây của chúng tôi, "Flashing Yellow: DM Sovereign Debt & Fiscal Flashpoints" (Ngọn đèn dầu trước gió: Nợ Chính phủ và Điểm nóng tài chính tại các quốc gia phát triển), cung cấp một bộ khung để phân tích sự biến động của tỷ lệ Nợ/GDP tại các nước phát triển. Dựa trên các dự báo trong báo cáo, các nước này đang tiềm ẩn rủi ro đáng kể về khả năng trả nợ, tức kém bền vững. Điều này đồng nghĩa với việc cần phải "siết chặt chi tiêu" nhằm giữ cho nợ không tăng quá mức so với GDP, nhất là khi chi phí trả lãi sắp sửa tăng vọt.
Thực tế phũ phàng rằng không có con số nào là an toàn tuyệt đối, hay không có ngưỡng nào mà duy trì dưới ngưỡng đó sẽ an toàn và vượt quá ngưỡng đó thì sẽ nguy kịch. Trong phiên bản trước của báo cáo này dành cho các thị trường mới nổi (EM), chúng tôi đặt tiêu đề rằng "Có phải 60 là 40 mới?" bởi vì nợ của các nền kinh tế thị trường mới nổi đã tăng lên mức được coi là "báo động" trong lịch sử, nhưng cuối cùng họ vẫn bình an vô sự.
Một vấn đề đáng lưu ý là thời hạn trung bình của TPCP các nước phát triển chỉ từ 5 đến 10 năm. Điều này có nghĩa là sắp tới, với lãi suất tăng cao sau cả thập kỷ lãi suất thấp hoặc âm, các chính phủ sẽ phải "cắn răng" chi nhiều hơn cho việc trả nợ. Dự báo sơ bộ dựa trên các đường cong lãi suất kỳ hạn, chi phí lãi vay toàn cầu sẽ tăng từ mức trung bình 2.5% lên 3.5% GDP vào cuối thập kỷ này.
Bài viết của chúng tôi tập trung vào mức cân bằng nợ - hay đi sâu vào mức thâm hụt ngân sách trừ lãi vay cần thiết để giữ tỷ lệ Nợ/GDP không tăng. Hầu hết các quốc gia hiện nay đều đang có mức thâm hụt chính (không tính lãi vay) nhiều hơn mức cần thiết để đạt được "cân bằng nợ". Thách thức này đặc biệt nghiêm trọng ở các nước có nợ cao như Mỹ, Pháp và Anh. Nói cách khác, để ổn định tỷ lệ Nợ/GDP, những nước này cần phải giảm thâm hụt chính xuống mức gần bằng hoặc thấp hơn thời kỳ trước Covid trong vài năm tới.
Các kết quả trong báo cáo nợ tập trung nhiều hơn vào dự báo so với ước tính và cần phải phân biệt rõ hai thuật ngữ này. Dự báo của chúng tôi chỉ có giá trị trong hai năm, trong khi khả năng trả nợ lại là câu chuyện thập kỷ hoặc hơn thế. Hơn nữa, các chính sách tài khóa phụ thuộc vào các quyết định chính trị nhiều hơn là tình hình kinh tế.
Điểm thú vị là lãi suất của Mỹ từng đạt đỉnh vào đầu những năm 1990, nhưng cùng thời điểm đó, cán cân ngân sách lại thường xuyên ở mức thặng dư. Điều này cho thấy hoàn toàn có thể vừa thâm hụt ngân sách vừa trả được nợ, miễn là kiểm soát được chi tiêu chính phủ. Chúng ta cần phân biệt giữa cán cân tài khóa chính phủ, bao gồm chi phí lãi vay và cán cân tài khóa tổng thể, loại trừ chi phí lãi vay. Bài báo cáo của chúng tôi đưa ra các con số xung quanh quy mô của từng biến số.
Còn châu Âu thì sao?
Pháp là một ví dụ điển hình. Là nền kinh tế lớn thứ hai và cũng là anh cả chính trị của khu vực, bất cứ "drama" nào liên quan đến sức khỏe tài chính của Pháp đều sẽ khiến cả hội EU phải ngó nghiêng. Theo số liệu mới nhất, nợ của Pháp hiện nay đã vượt qua Tây Ban Nha, chỉ xếp sau Italia - nhà vô địch nợ với tỷ lệ Nợ/GDP gần 140%. Italia thì đã "nổi tiếng" với vấn đề nợ nần cả thập kỷ nay rồi, chứng tỏ nợ nhiều chưa chắc đã là thảm họa. Tuy nhiên, để giữ mức nợ ổn định, Italia cũng không ngoại lệ, cần phải "thắt lưng buộc bụng" chi ít hơn thu để có thặng dư. Trước đây, trong giai đoạn từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu đến trước Covid, Italia vẫn duy trì được mức thặng ngân sách trung bình khoảng 1.5%.
Vương quốc Anh thì lại là một trường hợp đau đầu nhất với tỷ lệ "cân bằng nợ chính phủ chính" cao nhất trong số các nền kinh tế được nghiên cứu. Ước tính, Anh cần phải thắt lưng buộc bụng, chi ít hơn mức thu nhập, tức phải có thặng dư từ 1-2% GDP để giữ tỷ lệ Nợ/GDP ở mức 100%. Một vấn đề nhạy cảm khác của Anh là tỷ lệ trái phiếu chống lạm phát cao và có rất nhiều nhà đầu tư quốc tế "ôm" trái phiếu của Anh. Chưa hết, nếu tính cả nợ của toàn bộ khu vực công (bao gồm cả BOE), thì thời hạn trung bình để trả nợ lại càng ngắn. Ngược lại, trái phiếu chính phủ Anh lại có thời hạn dài trung bình. Biến động tiêu cực của thị trường trái phiếu Anh vào tháng 9 đến tháng 10 năm 2022 (khi thị trường phản ứng tiêu cực với kế hoạch tài khóa của Thủ tướng Truss) là một ví dụ điển hình cho thấy tin tức về chính sách tài khóa có thể dễ dàng khiến thị trường tập trung vào khả năng duy trì nợ của chính phủ.
Tóm lại, bài viết của chúng tôi đưa vấn đề tính bền vững của nợ công lên hàng đầu với các mô hình dự báo cho các mức tăng trưởng danh nghĩa, cán cân tài khóa và chi phí lãi vay khác nhau. Các tính toán của chúng tôi làm nổi bật những kết quả tiềm năng mà các nhà hoạch định chính sách cần phải cân nhắc. Trong khi thâm hụt ngân sách đang dần được thu hẹp từ mức cao kỷ lục thời kỳ hậu Covid-19 nhưng tốc độ thì vẫn như "chạy tại chỗ", cho thấy cần phải đẩy nhanh nỗ lực để đạt được sự bền vững về nợ.
ZeroHedge