Nợ công Mỹ vượt mức 32 nghìn tỷ USD
Đức Nguyễn
FX Strategist
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, nợ công của Mỹ tính đến ngày 16/6 đã chạm mức 32.04 nghìn tỷ USD, cao nhất từ trước đến giờ.
Có khoảng 25 nghìn tỷ USD nợ được nắm giữ bởi công chúng, còn 7 nghìn tỷ còn lại là nợ nội chính phủ.
Nợ công Mỹ đạt kỷ lục mới sau khi tổng thống Joe Biden ký thành luật Dự luật Trách nhiệm Tài chính. Điều khoản của luật bao gồm đình chỉ trần nợ trong 19 tháng, đồng nghĩa với việc chính phủ có thể tiếp tục vay tiền cho đến cuối năm 2024.
Trước đó, trong thỏa thuận tháng 12/2021, trần nợ đã được nâng lên 31.4 nghìn tỷ USD.
Vào ngày 3/6, tổng nợ công đạt 31.47 nghìn tỷ USD, nhưng vào ngày làm việc ngay sau khi tổng thống Biden ký dự luật, nợ công tăng thêm gần 400 tỷ USD.
Mặc dù dự luật tổng thống Biden ký bao gồm khoản cắt giảm chi tiêu 1.5 nghìn tỷ USD trong thập kỷ tới, theo đề xuất ngân sách năm 2024 của chính quyền, tổng nợ công được dự báo sẽ vượt 50 nghìn tỷ USD vào năm 2033.
Mức tăng 17 nghìn tỷ USD này lớn hơn cả tổng nợ nắm giữ bởi công chúng trước giai đoạn Covid-19.
Nợ công đã vượt mốc 31 nghìn tỷ USD vào ngày 2/10/2022, chỉ hơn tám tháng trước, và vượt 32 nghìn tỷ USD sớm hơn 9 năm so với dự kiến trước Covid, phần lớn do hàng nghìn tỷ USD chi tiêu liên quan đến đại dịch đã được quốc hội phê chuẩn.
Nghiện nợ
Theo bà Maya MacGuineas, chủ tịch Ủy ban Ngân sách Trách nhiệm Liên bang, “ta không thể vượt qua một năm tài chính mà không vay thêm nghìn tỷ, và chắc mốc 33 nghìn tỷ USD cũng sớm muộn thôi.”
“Cơn nghiện nợ lúc này của ta là gánh nặng cho thế hệ sau với khoản nợ đang ngày càng tăng, khi ta chỉ biết né tránh những lựa chọn khó khăn.”
“Chúng ta cần trở lại với chính sách tài khóa có trách nhiệm nếu muốn thoát khỏi mớ hỗn độn này. Công thức để đạt được điều đó phải đơn giản: không vay thêm, hoặc hoãn lại việc này cho đến khi nợ trở lại tầm kiểm soát; giải quyết lý do khiến nợ chỉ có tăng; và cải cách lại quy trình ngân sách. Nó không khó, còn rất rõ ràng nữa, và đã đến lúc các chính trị gia của chúng ta giải quyết trước khi quá muộn.”
Michael A. Peterson, Giám đốc điều hành của Quỹ Peter G. Peterson, một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ giảm nợ quốc gia, cũng có quan điểm tương tự.
“Không làm gì không phải là một lựa chọn vì các chương trình xã hội quan trọng đứng trước nguy cơ vỡ nợ, và ta đang trên con đường vượt 127 nghìn tỷ USD nợ công trong 30 năm tới. Đến năm 2053, 40% doanh thu chính phủ sẽ chỉ dùng để trả lãi suất, một gánh nặng không tưởng cho thế hệ tương lai.”
ZeroHedge