OECD: Nền kinh tế thế giới thoát khỏi nguy cơ đình lạm khi triển vọng tăng trưởng sáng hơn

OECD: Nền kinh tế thế giới thoát khỏi nguy cơ đình lạm khi triển vọng tăng trưởng sáng hơn

Đặng Thùy Linh

Đặng Thùy Linh

Junior Analyst

09:26 03/05/2024

OECD cho biết triển vọng kinh tế thế giới đang được cải thiện khi tăng trưởng mạnh mẽ hơn và lạm phát được dự đoán sẽ hạ nhiệt nhanh hơn dự kiến ở nhiều quốc gia.

Mặc dù các cuộc xung đột ở Trung Đông hay tình trạng giá cả leo thang vẫn có thể ảnh hưởng đến đà phục hồi ổn định của nền kinh tế, Tổ chức OECD cho biết những rủi ro này đang trở nên “cân bằng hơn”.

OECD đã nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2024 lên 3.1%, cao hơn so với mức 2.9% trong dự báo hồi tháng 2. Điều này chủ yếu nhờ kỳ vọng tích cực hơn đối với tăng trưởng ở Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ. Dự kiến tốc độ mở rộng sẽ duy trì ở mức 3.2% trong năm tới.

Triển vọng sáng hơn cho thấy nền kinh tế thế giới có thể tránh rơi vào tình trạng đình lạm - giai đoạn tăng trưởng chậm chạp, thất nghiệp gia tăng đi kèm với lạm phát cao. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng khó có thể sớm quay trở lại mức trung bình 3.4% của những năm trước đại dịch và khủng hoảng năng lượng.

Dự đoán về tốc độ tăng trưởng kinh tế cho một số quốc gia trong năm 2024 của OECD

Lạm phát dự kiến sẽ tăng chậm hơn so với dự báo của OECD ba tháng trước, ngoại trừ Mỹ, OECD cho rằng lạm phát tại Mỹ sẽ tăng 2.5% trong năm nay thay vì 2.2%. Tuy nhiên, tổ chức này cho biết các nhà hoạch định chính sách tại Mỹ có thể hạ lãi suất trong nửa cuối năm nay.

Hôm thứ Tư tại Washington, phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell cho thấy ông vẫn kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất trong năm 2024, đồng thời ông cũng thừa nhận rằng lạm phát nóng hơn dự kiến đã làm giảm niềm tin của các nhà hoạch định chính sách rằng áp lực lạm phát đang hạ nhiệt.

Đánh giá của OECD tương đồng với các tổ chức quốc tế khác, bao gồm cả Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), vốn cũng đã nâng dự báo tăng trưởng gần đây.

Chuyên gia kinh tế Clare Lombardelli của OECD nhận định: “Sự lạc quan thận trọng đã bắt đầu chiếm ưu thế trong nền kinh tế toàn cầu, bất chấp mức tăng trưởng khiêm tốn và những rủi ro địa chính trị. Lạm phát đang giảm nhanh hơn dự kiến, thị trường lao động vẫn mạnh mẽ với tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục hoặc gần như vậy.”

OECD dự báo sự phục hồi kinh tế sẽ không đồng đều giữa các khu vực trong thời gian tới. Tăng trưởng của Mỹ sẽ mạnh mẽ hơn so với châu Âu, tạo ra "bối cảnh kinh tế vĩ mô hỗn hợp". Điều này sẽ dẫn đến các chính sách tiền tệ khác nhau, trong đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể bắt đầu nới lỏng chính sách trước Fed.

Tuy nhiên, OECD cũng cảnh báo các ngân hàng trung ương nên thận trọng vì xung đột có thể đẩy giá năng lượng và lạm phát lên cao. Ngoài ra, áp lực lạm phát giảm tại lĩnh vực dịch vụ có thể chậm hơn dự kiến.

OECD cho biết: “Chính sách tiền tệ cần phải thận trọng để đảm bảo rằng áp lực lạm phát được kiềm chế một cách bền vững”.

Dự đoán lạm phát tại các quốc gia trên thế giới trong năm 2024 của OECD

Đối với các chính phủ, bối cảnh kinh tế được cải thiện mang đến cơ hội giải quyết gánh nặng nợ có nguy cơ phình to hơn khi chi phí đi vay tăng cao. Các nước cũng sẽ phải đối mặt với nhu cầu chi tiêu ngày càng tăng do dân số già hóa, biến đổi khí hậu và nhu cầu tăng cường quốc phòng.

Bà Clare Lombardelli nhấn mạnh tầm quan trọng của một chiến lược trung hạn vững chắc để kiềm chế chi tiêu, tăng nguồn thu và thực hiện các cải cách cơ cấu thúc đẩy tăng trưởng.

Bloomberg

Broker listing

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ