OPEC+ hứng chịu chỉ trích từ Mỹ
Nguyễn Vũ Phương Nam
Junior Analyst
OPEC+ đã đồng ý cắt giảm sản lượng lớn để giữ giá dầu ở mức cao, dẫn đến sự phản đối từ Mỹ
Động thái này được các bộ trưởng cho là cần thiết để bảo vệ ngành công nghiệp dầu mỏ và nền kinh tế trước nguy cơ suy thoái toàn cầu. Nhà Trắng phản đối quyết định này và chỉ ra rằng họ sẽ phản ứng với việc cắt giảm nguồn cung.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh hôm thứ Tư đã nhất trí cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày kể từ tháng 11. Mặc dù nguồn cung dầu thực tế sẽ chỉ giảm khoảng một nửa trong số đó, đây vẫn là mức cắt giảm lớn nhất kể từ năm 2020, có nguy cơ gây thêm một cú sốc khác cho nền kinh tế thế giới.
Dầu thô Brent tăng 2.4% lên mức cao nhất trong hai tuần là 93.96 USD/thùng.
Nhà Trắng cho biết sau cuộc họp: “Tổng thống thất vọng trước quyết định thiển cận trong việc cắt giảm hạn ngạch sản xuất của OPEC+ trong khi nền kinh tế toàn cầu đang phải đối phó với tác động tiêu cực của cuộc chiến Nga - Ukraine”.
Trước đó, vào hôm thứ Tư, các quan chức Mỹ đã kêu gọi các nước Ả Rập cố gắng ngăn cản việc cắt giảm sản lượng. Tổng thống Biden đã vận động OPEC+ để tăng sản lượng, đến thăm Ả Rập Xê Út vào đầu năm nay để tìm kiếm giá nguồn cung thấp hơn cho người dân Mỹ trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11.
Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, Jake Sullivan và Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Brian Deese, cho biết rằng Mỹ sẽ cung cấp thêm 10 triệu thùng dầu từ Kho Dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) vào tháng 11, và rằng “Tổng thống sẽ tiếp tục xả SPR khi thích hợp để bảo vệ người tiêu dùng Mỹ và thúc đẩy an ninh năng lượng."
Ngoài việc cắt giảm sẽ có hiệu lực từ tháng 11, OPEC+ đã gia hạn thỏa thuận hợp tác cho đến cuối năm 2023. Việc hạn chế nguồn cung sẽ được duy trì cho đến cuối năm sau, trừ khi thị trường thay đổi, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út, Hoàng tử Abdulaziz Bin Salman cho biết.
Sau cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Dầu mỏ Nigeria Timipre Sylva đã thẳng thắn chia sẻ về lý do cắt giảm sản lượng của OPEC+. “OPEC muốn giá dầu khoảng 90 USD,”Sylva cho biết. Ông nói: “Sẽ là bất ổn cho một số nền kinh tế” nếu giá dầu thô giảm xuống dưới mức đó.
Các bộ trưởng khác, bao gồm Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất Suhail Al Mazrouei, cho biết họ được thúc đẩy bởi mong muốn tăng đầu tư vào ngành dầu mỏ để đảm bảo đủ nguồn cung trong tương lai.
Việc cắt giảm 2 triệu thùng/ngày sẽ được tính trên cùng cơ sở như các thỏa thuận OPEC+ trước đó. Một số quốc gia thành viên thực tế đã cung dầu dưới mức đó trong bối cảnh ngành công nghiệp của họ phải đối mặt với nhiều thách thức khác nhau, từ việc thiếu hụt đầu tư dài hạn đến các lệnh trừng phạt quốc tế.
Trong đó bao gồm cả Nga, với hạn ngạch dầu thô là 10.5 triệu thùng/ngày, cao hơn sản lượng tháng 9 khoảng 500,000 thùng. Trong một cuộc phỏng vấn, Phó Thủ tướng Alexander Novak cho biết động thái áp trần giá dầu xuất khẩu của Nga có thể dẫn đến việc cắt giảm sản lượng của nước này.
Ole Hansen, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo A/S, cho biết việc hạn chế nguồn cung của OPEC+ có thể không bảo vệ các thành viên khỏi suy giảm kinh tế theo cách họ kỳ vọng.
Hansen cho biết: “Quyết định này có nguy cơ khiến Mỹ kích động và có khả năng khiến FOMC tiếp tục thắt chặt trong thời gian dài vì lạm phát trở nên căng thẳng hơn”.
"Kết quả là USD mạnh hơn, lợi suất trái phiếu cao hơn và có thể mất nhiều thời gian hơn để chống lại suy thoái kinh tế toàn cầu."
Bloomberg