OpenAI đưa Sam Altman trở lại vị trí CEO, mời cựu Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ vào hội đồng quản trị
Đức Nguyễn
FX Strategist
OpenAI sẽ đưa Sam Altman trở lại và mời cựu Bộ trưởng Tài chính Larry Summers vào hội đồng quản trị, một cú quay xe bất ngờ trong lùm xùm khiến Thung lũng Silicon và ngành công nghiệp AI toàn cầu rung chuyển.
Altman sẽ trở lại làm CEO và hội đồng quản trị ban đầu sẽ do Bret Taylor, cựu đồng CEO của Salesforce.com và giám đốc Twitter trước khi được Elon Musk mua lại, làm chủ tịch. Các thành viên khác gồm Lawrence Summers, cựu Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Barack Obama, và thành viên hiện tại Adam D'Angelo, đồng sáng lập và CEO của Quora. OpenAI cho biết trên X hiện đang làm việc “để tìm hiểu chi tiết.”
OpenAI đã quyết định phục hồi chức vụ cho Altman sau khi gần như tất cả nhân viên dọa nghỉ việc do ông bất ngờ bị sa thải. Những người nội bộ cũng gửi nhiều lời chúc mừng, từ cựu chủ tịch Greg Brockman - người cho biết ông cũng sẽ quay trở lại - đến giám đốc công nghệ Mira Murati.
Altman, người đã bị hội đồng quản trị của OpenAI sa thải vào thứ Sáu sau những bất đồng về tốc độ phát triển và kiếm tiền từ trí tuệ nhân tạo, đã đàm phán với công ty để quay trở lại. Các cuộc đàm phán đó đã đi vào bế tắc vào Chủ nhật một phần do áp lực từ Altman và những người khác buộc các thành viên hội đồng quản trị hiện tại phải từ chức.
Thay vào đó, hội đồng quản trị đã chỉ định lãnh đạo mới - cựu CEO Twitch Emmett Shear - và nhà đầu tư lớn nhất vào OpenAI, Microsoft cho biết họ sẽ thuê Altman để lãnh đạo một nhóm AI nội bộ mới.
Chỉ trong vài giờ, hầu hết trong số 770 nhân viên của OpenAI đã ký một lá thư gửi hội đồng quản trị nói rằng họ sẽ nghỉ việc và gia nhập Microsoft trừ khi tất cả các thành viên hội đồng quản trị từ chức và Altman trở lại. Trong những người đã ký bức thư có Murati, người được bổ nhiệm làm quyền CEO vào thứ Sáu và Ilya Sutskever, đồng sáng lập OpenAI và thành viên hội đồng quản trị, người trước đây đã không đồng ý với Altman về đường hướng của công ty.
“Tôi vô cùng hối hận vì đã tham gia vào các hành động của hội đồng quản trị,” Sutskever cho biết trên X. “Tôi chưa bao giờ có ý định làm hại OpenAI. Tôi yêu tất cả những gì chúng tôi đã cùng nhau xây dựng và tôi sẽ làm mọi thứ có thể để đoàn tụ công ty”.
Sự trở lại của Altman đã chấm dứt sự hỗn loạn xoay quanh OpenAI vài ngày gần đây. Cựu Bộ trưởng Summers, hiện là giáo sư Đại học Harvard, cũng là thành viên hội đồng quản trị Block của Jack Dorsey (người sáng lập Twitter) và Skillsoft.
Quyết định quay xe này có thể xoa dịu các nhà đầu tư và giảm nguy cơ nhân viên bỏ chạy. Nhưng nó cũng đặt ra câu hỏi về con đường phía trước của cha đẻ ChatGPT và các công ty khởi nghiệp AI khác, những công ty đã cố gắng cân bằng việc phát triển trí tuệ nhân tạo một cách có trách nhiệm bên cạnh nhu cầu huy động vốn để hỗ trợ cơ sở hạ tầng điện toán đắt tiền cần thiết để xây dựng những công cụ này.
Được thành lập vào năm 2015, OpenAI ban đầu là một tổ chức phi lợi nhuận nhằm mục đích phát triển AI theo cách có lợi cho nhân loại và không bị chi phối bởi lợi ích tài chính. Nhóm sau đó đã tự tổ chức lại thành một tổ chức vì lợi nhuận có giới hạn, huy động hàng tỷ USD từ Microsoft và các nhà đầu tư khác - với Altman là nòng cốt của các thương vụ đó - nhưng nhóm vẫn tiếp tục được giám sát bởi một hội đồng phi lợi nhuận. Căng thẳng đó bùng nổ toàn diện trong những ngày gần đây.
Các nhà đầu tư OpenAI đã bị bất ngờ trước việc Altman bị sa thải. Microsoft, công ty góp vốn hơn 10 tỷ USD, chỉ được thông báo trước vài phút về việc sa thải Altman. Microsoft sau đó làm việc với các nhà đầu tư bao gồm Thrive Capital và Tiger Global Management để đưa ông trở lại. Khi nỗ lực đó thất bại, Microsoft đã đồng ý thuê Altman và những người khác từ OpenAI.
OpenAI cũng phải đối mặt với sự không chắc chắn mới về kế hoạch cho phép nhân viên bán cổ phiếu với định giá 86 tỷ USD. Thrive, dự kiến sẽ dẫn đầu một cuộc chào mua cổ phiếu dành cho nhân viên, vẫn chưa chuyển tiền vào thứ Bảy và nói với OpenAI rằng sự ra đi của Altman sẽ ảnh hưởng đến hành động của họ.
Hơn bất kỳ nhân vật nào khác, Altman là gương mặt đại diện cho kỷ nguyên AI nhờ thành công của ChatGPT. Altman là trung tâm trong nỗ lực của ngành để làm việc với các cơ quan quản lý và ông thường xuyên gặp gỡ các nhà lãnh đạo thế giới, như Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Rishi Sunak. Vào thứ Năm, ông xuất hiện trong một hội thảo tại hội nghị APEC, với sự tham dự của các lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị khác, để thảo luận về tương lai và rủi ro của AI.
Tuy nhiên, ở hậu trường, Altman đã xung đột với các thành viên hội đồng quản trị, đặc biệt là Sutskever, về tốc độ phát triển AI, cách thương mại hóa sản phẩm và các bước cần thiết để giảm thiểu tác hại với công chúng. Các thành viên hội đồng quản trị khác của OpenAI vào thời điểm đó bao gồm D’Angelo; Tasha McCauley, CEO của GeoSim Systems; và Helen Toner, giám đốc chiến lược và nghiên cứu nền tảng tại Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi Đại học Georgetown.
Bên cạnh những rạn nứt về chiến lược, các thành viên hội đồng quản trị cũng tranh cãi về tham vọng kinh doanh của Altman. Theo một người biết về đề xuất đầu tư, ông đang tìm cách huy động hàng chục tỷ USD từ các quỹ đầu tư quốc gia Trung Đông để tạo ra một công ty khởi nghiệp về chip AI nhằm cạnh tranh với Nvidia. Altman cũng đang chào mời Chủ tịch Masayoshi Son của SoftBank để đầu tư hàng tỷ USD vào một doanh nghiệp mới nhằm sản xuất phần cứng định hướng AI với sự hợp tác của cựu giám đốc thiết kế Apple Jony Ive.
Các dự án kinh doanh của Altman đã làm tăng thêm sự phức tạp cho mối quan hệ vốn đã căng thẳng với hội đồng quản trị.
Trong một tuyên bố hôm thứ Sáu, OpenAI cho biết sự ra đi của Altman được đưa ra sau khi hội đồng quản trị xem xét nội bộ cho thấy CEO “không hoàn toàn thẳng thắn trong giao tiếp với hội đồng quản trị, cản trở khả năng thực hiện trách nhiệm của mình.” Kết quả là, “hội đồng không còn tin tưởng vào khả năng tiếp tục dẫn dắt OpenAI của ông.”
Lùm xùm này gợi nhớ đến những sự kiện tương tư trong lịch sử Thung lũng Silicon. Steve Jobs từng bị sa thải khỏi vị trí CEO Apple vào năm 1985 và trở lại hơn một thập kỷ sau đó. Jack Dorsey cũng bị đẩy ra khỏi Twitter vào năm 2008 và trở lại 7 năm sau đó.
Bloomberg