Palestine tham gia kiện Israel ra Toà án Quốc tế tội diệt chủng
Trần Phương Thảo
Junior Analyst
Chính quyền Palestine đã nộp đơn lên Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) để tham gia cùng Nam Phi với tư cách là một bên trong vụ kiện diệt chủng ở Gaza với bị đơn là Israel
Trong một tuyên bố, ICJ - Tòa án Công lý Quốc tế cho biết chính quyền Palestine “đã nộp đơn xin can thiệp và tuyên bố can thiệp vào vụ Nam Phi kiện Israel.”
Ngày 31/5, chính quyền Palestine đã chính thức công nhận thẩm quyền của ICJ trong việc giải quyết mọi tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh theo Điều IX, mở đường cho việc yêu cầu tham gia vụ kiện của Nam Phi chống lại Israel với tư cách một bên có liên quan.
Nếu được tòa án chấp thuận, yêu cầu này có thể cho phép chính quyền Palestine bổ sung một thẩm phán đặc biệt mà nước này lựa chọn vào hội đồng ICJ. Hội đồng hiện có 16 thẩm phán, 15 thẩm phán thường trực của tòa án và một thẩm phán đặc biệt người Israel.
Nam Phi và Israel đã được mời đưa ra những nhận xét bằng văn bản về đơn xin phép can thiệp của Palestine với tư cách là các bên tham gia.
Chính quyền Palestine đã trở thành bên ký kết công ước diệt chủng vào năm 2014 sau khi được Liên hợp quốc trao tư cách nhà nước quan sát viên thường trực.
Công ước diệt chủng năm 1948 là cơ sở cho vụ kiện ICJ của Nam Phi chống lại Israel với cáo buộc phạm tội diệt chủng ở Gaza do hiệp ước trao quyền tài phán cho tòa án để phán quyết các tranh chấp giữa các bên ký kết về công ước.
Trong lịch sử, hình thức can thiệp mà người Palestine đang tìm kiếm với tư cách là một bên chính thức trong vụ việc chỉ được ICJ chấp nhận một số lần kể từ năm 1945.
Một số quốc gia khác đã phát tín hiệu muốn can thiệp vào vụ diệt chủng ở Gaza bao gồm Nicaragua, Colombia, Lybia và Mexico.
Vào tháng 12 năm ngoái, Nam Phi đã đệ đơn kiện tội diệt chủng của Israel tại cuộc chiến ở Gaza, tuyên bố rằng Israel đã vi phạm nghĩa vụ của mình theo Công ước diệt chủng.
Tháng trước, Tòa án Quốc tế đã ra lệnh cho Israel ngăn chặn các hành động diệt chủng chống lại người Palestine và làm nhiều hơn nữa để giúp đỡ dân thường, mặc dù nước này chưa ra lệnh ngừng bắn theo yêu cầu của Nam Phi.
Reuters