PCE lõi tháng 2: "Nút thắt" lạm phát và ảnh hưởng đến EUR/USD
Thành Duy
Junior editor
Chỉ số PCE lõi của Mỹ dự kiến giảm nhẹ trong tháng 2 so với tháng trước. Trước các số liệu kinh tế kém tích cực, thị trường đang nghiêng về kịch bản Fed sẽ trì hoãn việc xoay trục chính sách từ tháng 5 sang tháng 6. Trên đồ thị ngày EUR/USD, đường SMA 200 và SMA 100 hiện đang tạo thành một vùng kháng cự mạnh tại 1.0830.
Chỉ số PCE lõi, thước đo lạm phát được ưa thích của Fed, sẽ được Cục Phân tích Kinh tế Hoa Kỳ (BEA) công bố vào lúc 12:30 GMT. Chỉ số này cung cấp cái nhìn chuẩn xác hơn về lạm phát tiềm ẩn bằng cách loại trừ các mặt hàng có biến động mạnh (như thực phẩm và năng lượng). Đồng thời, đây cũng được coi là thước đo lạm phát có ảnh hưởng lớn đến định hướng chính sách của Fed.
Các dự báo
Chỉ số PCE hiện đang được dự kiến sẽ tăng 0.3% so với tháng trước, thấp hơn một chút so với mức tăng 0.4% được ghi nhận vào tháng 1. Lạm phát tính theo PCE lõi tháng 2 đang được dự báo sẽ tiếp tục giữ nguyên ở mức 2.8%, trong khi đó dự báo cho lạm phát toàn phần là 2.5%.
Quan điểm của Fed
Biên bản Tóm tắt Dự báo Kinh tế (SEP) được sửa đổi của Cục Dự trữ Liên bang, hay biểu đồ Dot plot - được đăng tải cùng với tuyên bố chính sách sau cuộc họp tháng 3 - cho thấy các nhà hoạch định chính sách kỳ vọng lạm phát PCE lõi hàng năm sẽ ở mức 2.6% vào cuối năm 2024, tăng nhẹ so với mức dự báo 2.4% được đưa ra trong SEP tháng 12.
Khi được hỏi về hướng đi chính sách trong cuộc họp báo sau cuộc họp, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh rằng họ cần có sự chắc chắn về việc lạm phát sẽ suy yếu và giảm xuống mục tiêu 2% trước khi bắt đầu hạ lãi suất. Tuy nhiên, ông Powell lập luận rằng số liệu lạm phát tăng cao trong tháng 1 là do ảnh hưởng bởi các yếu tố mang tính mùa vụ. Vì thế, sẽ cần thời gian theo dõi thêm.
Dự đoán từ các chuyên gia
Dự đoán về báo cáo lạm phát PCE, Oscar Munoz, Trưởng nhóm Chiến lược Vĩ mô Hoa Kỳ tại TD Securities, cho biết trong một báo cáo tuần: "Với việc các số liệu CPI và PPI tháng 2 vẫn tăng mạnh, chúng tôi dự đoán lạm phát theo PCE lõi sẽ tăng mạnh một lần nữa, bất chấp sự suy giảm đáng kể so với mức tăng 0.42% của tháng 1 và mức tăng 0.36% hàng tháng của CPI lõi tháng 2."
Ảnh hưởng dự kiến
Số liệu CPI và PPI tháng 1 và 2 mạnh hơn dự báo, kết hợp với dữ liệu cho thấy thị trường lao động bấp bênh, khiến thị trường nghiêng về kịch bản Fed sẽ trì hoãn việc xoay trục chính sách từ tháng 5 sang tháng 6. Biểu đồ Dot plot cho thấy các quan chức của Fed sẽ cắt giảm lãi suất điều hành tổng cộng 75 bps trong năm 2024.
Theo Công cụ FedWatch của CME, thị trường đang dự báo hơn 60% khả năng Fed sẽ hạ lãi suất điều hành xuống 5% - 5.25% vào tháng 6, tức là giảm 25 bps. Tuy vậy, khó có thể đánh giá tác động tức thời của dữ liệu PCE lên USD vào Thứ Sáu Tuần Thánh vì giao dịch hạn chế. Ngay cả khi PCE cốt lõi tăng nhanh hơn dự kiến, có thể vẫn chưa đủ để khiến các nhà đầu tư đánh giá lại khả năng Fed giữ nguyên chính sách vào tháng 6. Tuy nhiên, đồng USD vẫn có thể được hỗ trợ khi thị trường nghi ngờ về tổng mức giảm lãi suất điều hành.
Mặt khác, nếu PCE lõi hàng tháng tăng dưới 0.2%, USD có thể sẽ phải chịu sức ép. Bên cạnh đó, lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm có thể giảm khi thị trường trái phiếu hoạt động trở lại vào đầu tuần sau.
Phân tích kỹ thuật EUR/USD
Nhà phân tích Eren Sengezer của FXStreet nhận định:
“Đường SMA 200 và SMA 100 hiện đang tạo thành một vùng kháng cự mạnh tại 1.0830 trên đồ thị ngày EUR/USD. Miễn là vùng kháng cự này được duy trì, phe bán kỹ thuật vẫn sẽ chiếm thế thượng phong. Xét tiếp xu hướng giảm, mốc 1.0760 tương ứng mức thoái lui Fibonacci 78.6% của xu hướng tăng (kéo dài từ tháng 10 đến tháng 12 năm ngoái) là mức hỗ trợ tiếp theo trước khi tiến về mốc 1.0700 tương ứng mức mức thoái lui Fibonacci 61.8%. Trong trường hợp EUR/USD tăng vượt 1.0830, phe mua có thể sẽ quay trở lại và đẩy giá lên mốc tâm lý 1.0900 và 1.0950, tương ứng mức thoái lui Fibonacci 23.6%."
EUR/USD trên khung 1D
FXStreet