Các đồng tiền hàng hóa như AUD và NZD đã cải thiện rất nhiều và cách xa so với đáy giai đoạn đại dịch bùng phát.
Tuy nhiên, đà tăng gần đây của USD đã khiến các đồng tiền hàng hóa bị ảnh hưởng, bất chấp việc giá hàng hóa xuất khẩu tăng mạnh kể từ khi Nga xâm lược Ukraine.
Tỷ giá USD/CNY có thể chịu nhiều áp lực tới từ USD trong vài tuần tới.
Đồng Yên Nhật giảm mạnh trong tháng Ba và đến cuối tháng Tư. Mặc dù nhiều quan chức chính phủ Nhật Bản lo ngại về biến động tỷ giá, nhưng đồng Yên yếu hơn là một điều tích cực cho các mục tiêu chính sách của họ.
Vấn đề bắt đầu nảy sinh khi cặp chéo CNY/JPY đạt mức cao nhất kể từ đầu những năm 1990 vào gần cuối tháng Tư. Trung Quốc và Nhật Bản lần lượt là hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba trên thế giới theo GDP.
Tác động của việc CNY tăng đột ngột so với một trong những đối tác thương mại lớn của nước này đã khiến Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) phá giá đồng Nhân dân tệ so với Đô la Mỹ.
Ngay sau đó, đồng Yên đã giảm mạnh so với Đô la Mỹ và Euro. Tuy nhiên, các đồng tiền trong khu vực đều mất giá so với Đô la, đặc biệt là IDR, INR, KRW, MYR, SGD, THB và TWD.
Các đồng tiền hàng hóa cũng chìm nghỉm. Triển vọng của các đồng tiền này phụ thuộc vào việc Trung Quốc đi xa tới đâu trong phá giá đồng Nhân dân tệ.
Bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn nhiều thách thức phần lớn từ chính sách zero-Covid. Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng, nhưng đánh vào tỷ giá hối đoái dường như là lựa chọn duy nhất lúc này.
Việc đồng Nhân dân tệ mất giá nhanh hơn nữa có thể gây ra sự suy yếu trên nhiều cặp tiền tệ đối với Đô la Mỹ.